Chứng kiến cậu con trai 2 tuổi 10 tháng Tobias Đinh (tên thường gọi là Toby) của mình xoay khối rubik bằng đôi tay nhỏ xíu, Phạm Trần Thu Trang (sống tại Toronto, Canada) liên tục thốt lên kinh ngạc: "Ồ hay vậy", "Thiệt luôn đó hả?"... Ngồi bên cạnh đó, ông xã của chị có vẻ bình tĩnh hơn, theo dõi từng hành động của con, thỉnh thoảng động viên: "Giỏi", "Tiếp theo là sao nữa"... nhưng cuối cùng cũng không giấu được phấn khích lúc con trai hoàn thành trò chơi.
Thu Trang cho biết vợ chồng chị không giới thiệu cho con món đồ chơi này vì mức độ phức tạp của nó. Bản thân chị Trang cũng không biết cách giải mã khối rubik; đó đơn thuần là đồ chơi của ông xã chị. Chị kể, bé Toby thường ngày chỉ quan sát ba chơi, cho đến một hôm, cậu bé cầm rubik và "xử lý" thành công những khối màu. Thu Trang và ông xã đã thử lại vài lần, xáo trộn vị trí khối màu không giống nhau nhưng cũng chẳng làm khó được con trai mình.
Bà mẹ 8X lý giải khả năng này của con theo cách riêng rằng: "Có lẽ chơi cái này là tiền đề cho cái kia chăng. Mình nghĩ mỗi trò chơi giúp con hoàn thiện một kỹ năng nhỏ, sau đó con tự tổng hợp lại. Ví dụ, khi con đã quen với các trò chơi màu sắc, con sẽ hiểu rằng hễ thấy màu lộn xộn thì phải xếp lại. Rồi các trò chơi xếp hình giúp con quan sát chi tiết, hiểu luật lắp ráp. Và từ trò chơi ô tô - siêu nhân, con biết cách xoay các bộ phận của ô tô sẽ tạo thành một hình khác (siêu nhân)...".
Tuy vậy, Thu Trang và ông xã không mua nhiều đồ chơi cho con, mà thường quan sát xem bé bộc lộ sở thích hay năng lực gì thì sẽ sắm những món đồ để kích thích con phát triển. "Toby thiên về logic và quan sát chi tiết thì mình cho con chơi xếp hình, các bộ lắp ráp với độ khó tăng dần. Chẳng hạn như hồi 1 tuổi, con biết lắp hình con thú vào khung gỗ, biết chơi ghép thẻ bài, chơi trò ghép chữ số trên ipad; hay hồi 2 tuổi con được làm quen với các bộ xếp hình", Thu Trang chia sẻ.
Cậu bé Toby bắt đầu đi nhà trẻ từ tháng 9 năm ngoái, ở một trường học theo phương pháp Montessori. Ngoài thời gian tham gia các hoạt động ở trường như cắt giấy, làm đồ thủ công, đi thăng bằng, đạp xe, chơi với màu sắc... Toby còn thường xuyên được bố mẹ cho ra ngoài chơi. Những chuyến đi trải nghiệm giúp cậu bé học hỏi được nhiều điều về cuộc sống xung quanh.
Vợ chồng Thu Trang không dạy con theo phương pháp nào đặc biệt mà luôn quan niệm: "Thông minh không quan trọng bằng khỏe mạnh và hạnh phúc. Sau này con thành công hay không cũng không dựa vào trí thông minh IQ mà ở sự nhạy bén, cá tính kiên trì, chăm chỉ, sống có mục đích và lạc quan, không ngại khó khăn". Ở độ tuổi này, Thu Trang tập trung cho con phát triển cảm xúc và thể chất là chính.