Xuất hiện trong chương trình Mặt trời bé con (Little Big Shots) phát sóng tối 2/12 trên kênh VTV3, cô bé Bảo Ngọc (tên thân mật là Bống) được biết đến với vai trò một cô chủ nhỏ của "quán" chè bưởi chỉ bán hai ngày mỗi tuần ở Tuyên Quang. Những tuần đắt hàng, Ngọc bán được khoảng 300-400 cốc và doanh thu hàng tháng ổn định ở mức vài triệu đồng. Với số tiền này, cô bé tự mua được những món đồ cá nhân như iPhone, laptop, đi du lịch và làm từ thiện. Ngoài "năng khiếu" kinh doanh, Ngọc còn luôn có tên trong top dẫn đầu về thành tích học tập trên lớp.
Trò chuyện với Ngoisao.net, chị Thanh Thúy, mẹ của bé Bảo Ngọc, đã tiết lộ câu chuyện "khởi nghiệp" cùng con gái và cách chị dạy con bài học yêu lao động, quý trọng đồng tiền.
- Chị có thể chia sẻ về ý tưởng kinh doanh chè bưởi của Bảo Ngọc?
- Từ lúc Ngọc còn nhỏ, bé rất thích chơi trò đồ hàng. Con hay đóng vai chủ quán, bán đồ ăn cho các bạn.
Một lần hai mẹ con đi ăn chè, thấy bác chủ quán nấu ngon nên ngưỡng mộ lắm. Về nhà, tôi và Ngọc lên mạng tìm công thức nấu thử. Cũng thất bại vài lần vì nồi chè không có hương vị giống ngoài quán. Nhưng càng về sau, khi chú ý thay đổi định lượng nguyên liệu, chè càng ngon hơn. Lúc "tay nghề" đã lên, hai mẹ con nấu mời mọi người nếm thử. Một số bạn bè động viên: "Chè ngon thế sao không mở quán bán?" Thế là Bảo Ngọc nảy ra ý tưởng nấu chè bán cho những người thân quen.
Ngọc bán hàng theo hình thức order (đặt hàng) nên biết trước lượng nguyên liệu phải chuẩn bị. Lúc đó khách đã đông nên mỗi lần nhập nguyên liệu phải mất chừng 2-3 triệu đồng. Bé nói muốn vay mẹ rồi trả lãi nhưng tôi coi đó là chi phí đầu tư cho con học kinh doanh.
Trước đó, Bảo Ngọc lên danh sách những thứ cần mua như cùi bưởi, đậu xanh, thìa nhựa, túi nhựa có kèm chi phí để đưa mẹ "duyệt chi".
- Khi ấy, cô bé 7 tuổi làm cách nào tìm kiếm khách hàng?
- Bảo Ngọc chủ yếu tiếp thị món chè của mình trên Facebook. Bé hay sinh hoạt tại nhà văn hóa tỉnh nên quen biết nhiều anh chị trong đoàn thanh niên. Người nọ giới thiệu người kia, người ăn rồi mách người mới nếm thử. Khách hàng của con phần lớn là bạn bè trên mạng xã hội, một số thầy cô giáo trong trường (nhà Bảo Ngọc cách trường 200m), đồng nghiệp ở cơ quan bố mẹ...
Chè của con dễ ăn, giá cũng hợp lý nên mọi người hay ủng hộ, quảng cáo giúp.
- Bảo Ngọc dành bao nhiêu thời gian mỗi ngày cho quán chè của mình?
- Mỗi tuần con chỉ bán chè vào hai ngày thứ bảy và chủ nhật. Trước đó, khoảng thứ năm, Ngọc đăng thông báo lên Facebook để nhận order. Đúng 20h tối thứ sáu, con mất khoảng 15 phút để "chốt" đơn sau đó chuẩn bị nguyên liệu. Việc nấu và giao chè gói gọn trong một buổi sáng thứ bảy, buổi chiều Ngọc vẫn nghỉ ngơi, đi chơi, tập võ theo lịch sinh hoạt bình thường.
Khi Ngọc xin bố mẹ cho phép bán chè, con đã hứa sẽ không để việc này ảnh hưởng tới học tập. Mỗi tuần Ngọc đều có thời gian biểu rõ ràng cho từng việc cụ thể. Hiện Bảo Ngọc vẫn duy trì thành tích học tập thuộc "top" cao của lớp. Con đang chuẩn bị kiến thức để tham gia kỳ thi TOEFL vào tháng tới.
- Vợ chồng chị làm gì để hỗ trợ con?
- Mỗi nồi chè nhà tôi nấu được khoảng 50 cốc, tự Ngọc cân đong nguyên liệu rồi nấu. Thỉnh thoảng cuối tuần rảnh rỗi, tôi cũng phụ giúp con. Khi đi nhập nguyên liệu, hai mẹ con cùng đi, tôi chở đồ về cho Ngọc.
Tôi hay giúp Bảo Ngọc chụp ảnh nồi chè, góc bếp, những vật dụng như tạp dề, cốc thìa... để con đăng lên Facebook giới thiệu với mọi người.
- Chị có lo lắng việc con gái sớm kiếm ra tiền sẽ khiến tuổi thơ của bé bớt hồn nhiên?
- Con gái tôi vẫn rất hồn nhiên. Sau khi nấu chè, Ngọc thích đá cầu, đánh cầu lông với các bạn trong xóm. Những lúc rảnh rỗi thì ôm đàn gẩy tưng tưng.
- Số tiền Bảo Ngọc kiếm ra được sử dụng như thế nào?
- Tôi để con toàn quyền sử dụng số tiền bé kiếm được. Ngọc có những chiếc ví riêng, đựng các khoản tiền sử dụng cho mục đích khác nhau.
Con đã tự mua được iphone, laptop, sách vở, quần áo và những món đồ chơi yêu thích. Mỗi dịp đoàn thanh niên tổ chức quyên góp giúp đỡ các bạn học sinh nghèo, Ngọc cũng trích khoản nhỏ tham gia. Con biết cách cân nhắc khi tiêu tiền nên tôi cũng yên tâm. Bé hay chú ý các đợt khuyến mại lớn để mua được món đồ hiệu với giá rẻ nhất.
Ngoài mua đồ cho bản thân, Ngọc thỉnh thoảng mua quà biếu bố mẹ và chị gái.
- Chị mong muốn dạy con điều gì qua việc kinh doanh?
- Tôi nghĩ, nếu bé trực tiếp lao động để kiếm tiền, bé sẽ hiểu giá trị của đồng tiền, biết cách tiết kiệm, có kế hoạch chi tiêu hợp lý.
Tôi hay tâm sự với con chuyện bố mẹ là công chức nhà nước, lương ba cọc ba đồng. Con nên chăm chỉ học tập để không tốn tiền đi học thêm, giữ gìn đồ đạc để không phải mua mới.
- Bé Bảo Ngọc có tính cách thế nào?
- Con gái tôi nhiều lúc thể hiện những suy nghĩ già dặn, "rất người lớn". Thỉnh thoảng Ngọc bảo tôi: "Giá con có quán chè ở gần Bờ Hồ thì tốt biết bao. Ở đó nhiều người nước ngoài, con bán cho họ bằng tiền đô. Có lẽ lúc ấy sẽ phải thiết kế cốc đựng sao cho bắt mắt mẹ nhỉ. Và phải thuê nhân viên phục vụ nữa".
Lần khác, tôi thấy trên Facebook giao bán tranh sơn dầu tự vẽ được rất nhiều người hỏi. Tôi rủ Ngọc cùng bán. Con suy nghĩ 2-3 ngày rồi trả lời không muốn tham gia. Lý do là bán tranh sơn dầu rủi ro, kén khách hàng. Nghe con phân tích như vậy, tôi thấy có lý nên quyết định hủy kế hoạch kinh doanh. Tôi thấy Ngọc chín chắn trong việc nhìn nhận thị trường.
Bé cũng khác bạn bè nhiều lắm. Là con gái nhưng Ngọc thích tập võ, thần tượng Lý Tiểu Long. Có đợt trời rét căm căm, các bạn nghỉ hết, một mình Ngọc vẫn đến phòng tập võ. Ước mơ của con là học thật giỏi tiếng Anh để được đi du học Mỹ và đến viếng mộ Lý Tiểu Long.
Con thẳng thắn trong việc thể hiện quan điểm. Năm ngoái trường tổ chức học ngoại khóa tiếng Anh, mời thầy cô giáo người Indonesia về dạy. Ngọc học thử vài hôm thấy không phù hợp nên viết thư cho cô hiệu trưởng xin phép tự học ở nhà.
- Điều gì ở Ngọc cần được uốn nắn thêm?
- Ngọc chưa biết tiết chế cảm xúc. Tôi muốn dạy con cách trình bày quan điểm một cách khéo léo hơn. Dù suy nghĩ của con là đúng, vẫn phải thể hiện nó bằng những lời mềm mại, để người nghe dễ tiếp nhận.
Khi con không thích điều gì, con lập tức đề đạt, điều này chưa thực sự phù hợp khi ra ngoài xã hội. Nhưng tôi cũng phải lựa cách nói, nếu không phù hợp, sẽ khiến con sợ sệt, sau này không dám bày tỏ ý kiến riêng nữa.
Tôi cũng muốn rèn cho con sự tự lập. Tôi trao đổi luôn với con rằng mẹ rất bận, bố và chị gái làm việc trên Hà Nội, con phải tự chăm sóc bản thân. Mỗi sáng thức dậy, Ngọc chủ động gấp chăn màn chỉn chu rồi nấu bữa sáng cho mình. Đôi lúc tôi bận việc, bé có thể nấu bữa cơm đơn giản với vài ba món cho hai mẹ con.
- Vợ chồng chị định hướng thế nào về tương lai của bé?
- Tôi quan niệm chuyện học tập vẫn phải ưu tiên hàng đầu. Tôi muốn con đảm bảo việc học trên lớp, trau dồi trình độ ngoại ngữ để có tương lai rộng mở.
Con gái tôi ở tỉnh, điều kiện, cơ sở vật chất chưa tiện nghi như các bạn sống tại các thành phố lớn, nên cần nỗ lực nhiều hơn. Chi phí học tiếng Anh tại trung tâm rất đắt nên tôi chưa cho con học. Bé chỉ tham gia lớp học tại nhà cô giáo để ôn luyện cho kỳ thi TOEFL.
May mắn là Bảo Ngọc có khả năng tự học tốt. Con hay đọc sách và học trực tuyến trên mạng.
Lam Trà thực hiện