Nộm da trâu
Da trâu rất dày, cứng và dai nên thường là nguyên liệu để làm mặt trống. Ở mảnh đất Sơn La, da trâu lại là một món ăn đặc sản vô cùng lạ miệng và độc đáo. Món ăn nổi tiếng của người Thái ở Sơn La là món thấu da trâu và nộm ra trâu.
Người dân Sơn La thường phải sơ chế qua nhiều giai đoạn như hơ qua lửa, ngâm nước lã rồi khéo léo lọc da thật mỏng, thật đều tay mới có thể làm mềm nguyên liệu khó chiều này.
Người vùng cao không dùng chanh hay giấm để bóp nộm mà kết hợp da trâu với nước măng chua tạo thành hương vị khác lạ. Khi thưởng thức, bạn sẽ có cảm nhận, da trâu sần sật, đanh đanh, có hương thơm củ rau mùi tàu, mùi ta, vị bùi bùi của đậu phộng cùng vị chua thanh của măng rừng ngâm ngấu rất thú vị. Nộm da trâu là món nhắm rượu tuyệt vời ở nơi vùng cao này.
Pa pỉnh tộp
Nếu một lần lên Sơn La mà chưa thưởng thức món cá nướng gập, thì cuộc hành trình của bạn thật sự chưa trọn vẹn. Nhiều người thích món cá nướng nổi tiếng này không chỉ bởi giá trị ẩm thực của nó mà còn bởi bàn tay khéo léo của người chế biến.
Để chế biến được món pa pỉnh tộp, người ta cho rất nhiều các loại gia vị như gừng, xả, ớt tươi, rau mùi, rau thơm, hành tươi, húng và nhất thiết không được thiếu mắc khén, một loại gia vị đặc trưng của núi rừng Tây Bắc. Cá chép, cá trắm hoặc cá trôi khoảng vài lạng được mổ dọc sống lưng để nguyên nội tạng, bỏ mật và nhồi vào bụng cá cùng các loại gia vị vào tẩm ướp cho ngấm đều. Sau đó, người ta gập đôi lại, cho cá vào một đoạn tre để kẹp chặt, nướng trên than củi đã hồng.
Người nướng cá phải rất khéo léo để làm sao cho cá chín, không bị ám khói mà vẫn giữ được hương vị tự nhiên. Miếng cá chín vàng đều, tỏa mùi thơm cay cay của mắc khén, vị béo ngọt của cá, vị cay của các loại gia vị nơi đầu lưỡi khiến du khách ăn một lần mà nhớ mãi.
Thịt gác bếp
Món thịt gác bếp vốn là đặc sản của vùng núi Tây Bắc nói chung và Sơn La nói riêng. Đến với Sơn La, bạn có thể được thả mình trong không khí trong lành, dễ chịu. Vào những buổi sáng tươi mát hay buổi tối lạnh se, cả mảnh đất chập chờn trong sương, bên ngọn lửa bập bùng, thưởng thức những miếng thịt gác bếp ngòn ngọt, dai dai, vẫn còn ngai ngái mùi khói thật thú vị.
Thịt gác bếp sơ chế không quá cầu kỳ. Thịt dùng để hun khói chủ yếu là trâu, bò hay heo được thả rông trên các sườn núi, sườn đồi. Khi chế biến, người ta róc các thớ thịt ra thành từng miếng, rồi hun bằng khói của than củi được đốt từ các loại cây mọc trên núi đá. Khi thịt đã thành phẩm, mùi khói gần như vẫn còn nguyên, vương vấn trong từng thớ thịt vậy mà chẳng gây khó chịu. Chính mùi khói ấy đã tạo nên sức hấp dẫn riêng của món ăn trên vùng núi, cao nguyên quanh năm sương phủ, mây mù này.
Cơm lam
Với những người yêu Tây Bắc, không ai lạ lẫm gì món cơm lam, một món ăn đặc trưng của vùng cao. Cơm lam ngon phải được chế biến từ gạo nương, ngon nhất là gạo cẩm và nếp cái hoa vàng sau khi thu hoạch lúa xong vào tháng 9, tháng 10 âm lịch. Gạo cho thêm một chút muối, gừng được ngâm ủ qua đêm, đãi sạch rồi cho vào ống tre, thêm chút nước và nút lại bằng lá chuối, sau đó cho lên bếp lửa đốt.
Khi ăn, người ta nhẹ nhàng tách từng phần tre bó chặt vào từng cây cơm trắng nõn. Mùi thơm của gạo nếp nương mới, lẫn với chút hương vị của tre, của khói bếp, làm cho miếng cơm thật sự mang hương vị của núi rừng.
Cũng tùy từng sở thích của mỗi người mà người ta chọn châm cùng muối vùng hay chẳm chéo, món ăn đặc trưng của dân tộc Thái. Hương thơm, vị bùi của cơm dẻo, vị cay của gừng, vị ngọt của nước ống nứa, vị thanh thanh lá chuối, mùi của khói bếp lửa thật quyến rũ.
Cháo mắc nhung
Sau mùa gặt, quả mắc nhung gieo vãi trên nương bắt đầu chín mọng, bà con hái đem về rửa sạch, thêm gừng xả, trộn với gạo tấm, tưới ít nước đủ chín, túm vào lá chuối buộc chặt vùi trong tro bếp nóng, hoặc đồ xôi, chỉ 30 phút sau sẽ có ngay một món ăn sền sệt, ngăm ngăm đắng, thơm cay là lạ đầy hấp dẫn và chấm với xôi rất hợp khẩu vị.
Ngày nay, cháo mắc nhung đã trở thành món ăn đặc sản được mọi người ưa chuộng. Để có món cháo mắc nhung (tiếng Mường gọi là plải ngố), người chế biến phải biết chọn loại tẻ thơm, nếu được tấm đầu vụ gặt non (như cốm) thì càng tốt. Dùng thịt sương sườn lợn nướng khô hay hun khói, băm nhỏ nấu nhuyễn với cháo tấm. Khi cháo chín tới cho quả mắc nhung vào, đập dập củ gừng, ớt nướng và xả cả củ bỏ vào đáy nồi cháo, khuấy đều. Vài phút sau, đã có ngay món cháo mắc nhung đặc sản thơm nồng, đặc sánh.
Chẳm chéo
Với mùi vị đặc trưng của rất nhiều loại gia vị chỉ có ở núi rừng Tây Bắc, chẳm chéo là một món chấm cổ truyền của người Thái luôn mang đến cho du khách một cảm giác lạ lẫm khi thưởng thức. Đây được coi là "linh hồn ẩm thực của vùng Tây Bắc".
Người Thái ở Sơn La sử dụng chẳm chéo trong bữa ăn hàng ngày, ngoài ra họ còn dùng để tiếp khách. Nó là món ăn dân dã nhưng cũng là đặc sản của vùng núi rùng.
Chế biến chẳm chéo khá đơn giản với nhiều nguyên liệu quen thuộc như: tỏi, ớt tươi, vài lá tỏi tươi, rau mùi, mắm, đường... và nhất là không thể thiếu bột mắc khén, loại gia vị đặc trưng của người Thái. Tất cả được giã nhuyễn trộn đều vào nhau thành một loại nước chấm sền sệt với dư vị đặc biệt.
Canh mọ
Ngày lễ Tết của người Khơ Mú không thể thiếu được món canh mọ, được chế biến từ các loại thịt chuột, chim, sóc sấy khô băm nhỏ trộn với hoa chuối, các loại rau thơm, ớt chỉ thiên, mắc khén, tấm gạo nếp cho vào ống tre, bương bánh tẻ, đổ nước vào đem đốt (như đốt cơm lam). Khi sôi lấy que tre vót nhọn sọc liên tục đến khi nhuyễn. Khi đổ ra bát nó sền sệt, sánh dùng xôi nếp nắm chấm quệt ăn rất thơm ngon.
Ngoài ra, người Thái cũng thường hay làm món mọ gà, được chế biến từ cổ, cánh, bộ lòng mề gà, băm nhỏ, mắc khén, ớt khô, củ sả giã nhỏ, bột gạo nếp trộn với nhau cho vào lá chuối túm lại bỏ vào chõ xôi sôi lên. Khi chín, vớt ra ta có một món canh đặc sánh, sền sệt, ăn với xôi hoặc cơm lam thì tuyệt vời biết mấy...
Nậm pịa
Nếu như người Mông có món thắng cố được coi là món ăn đặc trưng thì người Thái có món nậm pịa. Vì vậy đến Sơn La, bạn đừng quên thưởng thức món nậm pịa nổi tiếng.
Để chế biến được món này cần có ruột non của con trâu, bò, dê. Người ta đem tuốt hết phần ruột bên trong, dùng vải bông sạch lọc nước lấy từ ruột non sau đó đập gừng, xả, mắc khén, ớt, lá chanh băm thêm một ít thịt bạc nhạc, thái thêm ít tiết tươi, đuôi, dạ dày, cuống tim... của bò hay dê cho vào nồi đun sôi khoảng 5 phút tạo thành món ăn sền sệt.
Nậm pịa thưởng thức khi nóng sẽ rất ngon. Du khách nào mới ăn sẽ thấy có vị đăng đắng nơi cổ họng, nhưng lúc sau lại thấy ngòn ngọt và thơm thơm của mắc khén, của các loại gia vị như xả, lá chanh, gừng, ớt.
Người ta thường thưởng thức nậm pịa với thịt bò hoặc dê luộc, khi chấm những miếng thịt luộc vào bát nậm pịa sẽ cảm nhận được hương vị của các loại gia vị lan tỏa ngào ngạt, tạo nên một món ăn hấp dẫn.
Ốc Suối Bàng
Ốc đá ở Suối Bàng thường chỉ xuất hiện từ tháng 4 đến cuối tháng 8, tức là vào mùa mưa, khi thời tiết ẩm ướt, chúng thường bò ra để ăn lá cây. Những tháng còn lại chúng vùi mình trong những lớp lá dày hoặc nằm im dưới đất. Ốc này thường chỉ có ở những khu rừng rậm, nhiều cây cối, ẩm thấp, vì vậy, lên Sơn La được thưởng thức món ốc Suối Bàng béo ngậy trong ngày rét mướt thì không gì tuyệt bằng.
Món ốc luộc của người Sơn La được chế biến rất đơn giản, nhưng vị ngon ngọt của nó sẽ khiến người ăn một lần nhớ mãi. Ốc rửa sạch, không cần phải hấp cùng lá chanh hay gừng, sả. Nước chấm cũng chỉ cần cho vài lát ớt xanh đỏ, cũng đã đủ tạo nên một món ăn hấp dẫn. Con ốc đá béo ngậy khều ra quệt qua tí nước chấm bỏ vào miệng thấy cay cay đầu lưỡi, ốc chạm vào răng lại thấy giòn giòn. Ăn ốc đá nên nhai chậm và kỹ mới thấm được vị mát lành, vị thơm độc đáo.
Mimi tổng hợp