1. Chọn bát, đĩa nhỏ
Phần lớn mọi người không thể giảm cân do không kiểm soát được việc ăn uống hàng ngày. Khi giảm liều lượng ăn lại nảy sinh tâm lý phải ăn kiêng, ăn ít nên luôn thấy thèm ăn. Để khắc phục, hãy sử dụng bát, đĩa nhỏ hơn bình thường khi ăn, tạo cảm giác vẫn được ăn nhiều, ăn no. Bên cạnh đó, hãy hình thành thói quen ăn chậm, nhai kỹ. Dần dần, bạn sẽ giảm được lượng thức ăn nạp vào cơ thể mà không còn thấy đói hay thèm ăn.
2. Ăn thực phẩm giàu calo vào bữa sáng
Ăn đủ chất vào bữa đầu tiên trong ngày giúp khởi động quá trình trao đổi chất, nhờ đó hỗ trợ đốt cháy mỡ thừa hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, ăn đủ dinh dưỡng vào bữa sáng cũng góp phần kiểm soát calo, lượng đồ ăn của các bữa tiếp theo trong ngày tốt hơn.
3. Ăn trái cây, rau củ thay vì uống nước ép
Nước ép trái cây, rau củ chứa nhiều vitamin nhưng không có chất xơ, nhiều đường. Thay vì uống nước ép, hãy ưu tiên ăn trái cây, rau củ nhằm bổ sung chất xơ cho cơ thể. Tăng cường chất xơ giúp no lâu, hỗ trợ tiêu hóa và thúc đẩy quá trình trao đổi chất.
4. Không kiêng khem hà khắc
Kiêng khem quá hà khắc hoặc nhịn ăn dễ khiến bạn ăn nhiều hơn vào những bữa sau, nảy sinh tâm lý ăn bù, khiến cân nặng có thể tăng nhiều hơn cả khi chưa giảm. Bên cạnh đó, bỏ đói cơ thể lâu ngày cũng làm trì trệ trao đổi chất, làm cho việc giảm cân càng trở nên khó khăn hơn.
5. Không ăn khuya
Ăn vặt, ăn sát giờ đi ngủ không chỉ làm tăng áp lực cho hệ tiêu hóa mà còn có xu hướng tích tụ mỡ thừa, đặc biệt là mỡ bụng dưới.
6. Thứ tự ăn
Nên ăn các món có rau trước, tiếp đến là đạm và cuối cùng là các món chứa tinh bột, lượng đường cao. Điều này giúp tăng cảm giác no đồng thời ngăn lượng đường trong máu tăng quá nhanh. Thói quen này không chỉ hỗ trợ giảm cân hiệu quả mà còn giúp bạn kiểm soát đường huyết tốt hơn.
7. Chia nhỏ mục tiêu
Hãy xác định giảm cân lành mạnh là hành trình lâu dài, không thể thực hiện trong ngày một ngày hai. Bạn có thể chia nhỏ các mục tiêu để bớt tạo áp lực cho bản thân.
Duk Sun (Theo ETToday)