1. Ngủ quá ít
Nghiên cứu của các chuyên gia y tế tại Trung tâm y tế Mayo Clinic, được công bố trên Tạp chí của Đại học Tim mạch Mỹ chỉ ra thiếu ngủ có liên quan trực tiếp đến việc tăng chỉ số khối cơ thể (BMI), tăng tỷ lệ mỡ cơ thể và mỡ nội tạng. Trong hai tuần, 12 người khỏe mạnh tham gia được chia thành hai nhóm, một nhóm ngủ 4 tiếng mỗi đêm và nhóm còn lại ngủ 9 tiếng mỗi đêm. Kết quả, nhóm ngủ ít có tỷ lệ mỡ nội tạng tăng 11% , tổng lượng mỡ bụng còn tăng 9%.
2. Ăn nhiều chất béo chuyển hóa
Công việc bận rộn, không có thời gian chuẩn bị bữa tối khiến nhiều người chọn thực phẩm chế biến sẵn hoặc ăn ngoài hàng ngày. Thực phẩm chế biến sẵn, đồ hộp, đồ nướng, pizza, các loại bánh nướng, bánh ngọt chứa nhiều chất béo chuyển hóa, dẫn tới tăng cân, tăng tích mỡ nội tạng. Đồ ăn mua sẵn ngoài hàng có thể chứa nhiều natri, màu thực phẩm nhân tạo, chất béo chuyển hóa và chứa nhiều carb, tăng nguy cơ thừa cân, béo phì.
3. Ăn ít chất đạm, chất xơ
Chuyên gia dinh dưỡng khuyến khích ăn bữa tối giàu chất xơ và protein để tăng cơ, giảm mỡ thừa. Protein giúp sửa chữa, phát triển cơ bắp, tăng cường trao đổi chất, đốt cháy nhiều calo hơn khi nghỉ ngơi. Chất xơ giúp tăng cảm giác no, ổn định hormone đói, giảm cảm giác thèm ăn. Bữa tối ít chất đạm, chất xơ khiến bạn nhanh đói, dễ nạp nhiều calo hơn nhu cầu thực của cơ thể. Cơn đói vào lúc nửa đêm khiến bạn khó vào giấc, ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ, gây tăng cân, tích mỡ nội tạng.
4. Dùng đồ uống chứa nhiều đường
Nước ngọt, kể cả các loại nước ngọt cho người ăn kiêng, là sản phẩm không nên sử dụng vào buổi tối. Nước ép trái cây đóng chai chứa lượng đường fructose lớn, dễ gây tăng cân. Đồ uống thể thao cũng không được khuyến khích sử dụng buổi tối vì ngoài đường, chúng còn chứa nhiều caffeine, gây hưng phấn, khó ngủ vào ban đêm.
5. Uống rượu, bia
Đồ uống có cồn chứa nhiều calo rỗng, chỉ cung cấp calo cho cơ thể chứ không cung cấp chất dinh dưỡng. Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ, tiêu thụ nhiều rượu, bia ngăn chặn quá trình đốt cháy chất béo, khiến chất béo tích tụ nhiều hơn, gây tăng cân, tăng tỷ lệ mỡ nội tạng.
6. Không vận động
Lối sống ít vận động được cho là liên quan trực tiếp đến tình trạng tích mỡ nội tạng. Nếu đã dành cả ngày làm việc trong văn phòng, bạn nên thu xếp thời gian buổi tối để tập luyện. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ khuyến nghị dành 150 phút mỗi tuần để tập thể dục với cường độ vừa phải hoặc 75 phút mỗi tuần với cường độ cao để giảm nguy cơ tích mỡ nội tạng. Sau bữa tối, bạn có thể dành 20 phút đi bộ, tập các bài tập kéo giãn hoặc tập yoga, ngồi thiền để tăng tốc độ trao đổi chất, hỗ trợ giảm cân, giảm mỡ thừa.
Vienne (Theo Healthline)