1. Tranh cãi gay gắt về tiền bạc
Theo một nghiên cứu năm 2013 từ Đại học Bang Kansas với hơn 4.500 cặp vợ chồng, tranh cãi tiền bạc là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến ly hôn. Các cặp vợ chồng có xu hướng sử dụng ngôn từ gay gắt hơn khi tranh cãi về tiền bạc và mất nhiều thời gian hơn để phục hồi sau xung đột. Các nhà nghiên cứu khuyến nghị lập kế hoạch tài chính là một phần cho quá trình tư vấn hôn nhân. Bên cạnh đó, các cặp cần chia sẻ tình hình tài chính, nợ nần của họ trước khi kết hôn.
Tessina nói: "Khi các cặp vợ chồng không nói chuyện về tiền bạc một cách thoải mái, vấn đề được phát hiện quá muộn. Bạn có đang giữ bí mật về tiền bạc? Bạn đang 'đấu tranh' về cách chi tiêu hoặc tiết kiệm tiền? Lập kế hoạch tài chính là điều quan trọng để có một cuộc hôn nhân hạnh phúc".
Việc bạn không nói với chồng về chiếc áo sơ mi mới mua không có nghĩa đó là một bi kịch cho cuộc hôn nhân của bạn, nhưng việc bỏ qua các khoản mua sắm lớn hoặc các cam kết tiền bạc lớn khác thì có. Khi một người nói dối về tài chính với đối phương, điều này có thể gây tổn hại tương đương với sự không chung thủy về tình dục, theo một cuộc thăm dò của Quỹ Quốc gia về Giáo dục Tài chính Mỹ năm 2014.
Những thói quen xấu về tiền bạc không chỉ gây ra sự tức giận cho một trong hai người mà còn có thể ảnh hưởng đến an toàn tài chính trong tương lai của gia đình bạn. Vì vậy, hãy nói chuyện cởi mở với nửa kia về bức tranh tài chính của bạn.
Đây là một số cách giúp bạn nhận biết sự mập mờ trong tài chính gia đình: Bạn có thấy các hóa đơn mỗi tháng không? Bạn có thấy mình đang phải trả các khoản phí mà bạn không nhận ra không? Hỏi chuyện nửa kia mà không để cho họ thấy bạn đang đe dọa họ. Hãy đồng ý về một kế hoạch tài chính cụ thể trong tương lai.
Hãy kiểm tra các khoản chi tiêu với nhau để duy trì sự minh bạch tài chính gia đình.
2. Để ai đó xen vào mối quan hệ của hai bạn
Tessina nói: "Một khi bạn kết hôn, bạn và người bạn đời của bạn sẽ trở thành gia đình chính". Bạn cần thảo luận với nhau về cách thiết lập ranh giới với cha mẹ và các thành viên trong gia đình. Nếu hai bạn có phong cách và nếp sinh hoạt khác nhau, hãy thương lượng với nhau trước, sau đó đưa ra một sự thống nhất chung.
Có thể bạn dành tất cả thời gian rảnh cho bạn bè hoặc sẵn sàng làm việc nhiều giờ. Hãy cẩn thận để không bỏ bê bạn đời hoặc con cái khi ở trong hôn nhân. Hai bạn luôn cần thể hiện sự thống nhất và nếu có điều gì đó bạn không đồng ý, đừng hạ thấp người bạn đời của bạn trước mặt con.
3. Không thảo luận một cách công bằng
Bạn có dành nhiều thời gian để phàn nàn về một vấn đề hơn là làm việc để giải quyết nó không? Bạn và vợ/chồng của bạn có thể có một số khác biệt trong lối sống. Cách bạn giải quyết những khác biệt đó có thể củng cố hoặc phá bỏ mối quan hệ của bạn.
Bạn nên thừa nhận những điểm bạn đồng ý với nửa kia và luyện tập cách lắng nghe. Khi có điều gì đó làm phiền bạn, hãy tự hỏi bản thân về tầm quan trọng của nó. Nếu vấn đề đó quan trọng, hãy giải quyết nó càng sớm càng tốt để tránh tích tụ sự oán giận.
Những nguyên tắc thảo luận dành cho hai bạn là:
- Đừng cố tỏ ra mình đúng; thay vào đó, hãy cố gắng giải quyết vấn đề.
- Xem xét quan điểm của nửa kia.
- Giải quyết từng vấn đề.
- Đừng nhắc lại những vấn đề trong quá khứ.
- Tránh các cuộc công kích và chỉ trích cá nhân.
- Không sử dụng các chiến thuật quyền lực như tạo cảm giác tội lỗi, đe dọa và tống tình nửa kia.
- Đừng tránh mặt nhau sau một cuộc tranh cãi hoặc bất đồng.
Hãy giữ vững lập trường của bạn khi điều đó thích hợp. Lời xin lỗi có thể là một cách để hàn gắn những rạn nứt nhỏ giữa hai bạn, nhưng xin lỗi không phải tất cả nếu chỉ là chuyện từ một phía.
Theo một nghiên cứu năm 2013 của Đại học California, Berkeley và Đại học Northwestern, việc bạn bình tĩnh trở lại nhanh như thế nào sau một cuộc tranh cãi có ảnh hưởng lớn đến hạnh phúc chung của cuộc hôn nhân. Các nhà nghiên cứu đã phân tích các tương tác qua video của hơn 80 cặp dị tính tuổi trung niên trở lên, tập trung vào cách họ phục hồi sau những bất đồng. Các cuộc hôn nhân trong đó người vợ chủ động nêu vấn đề và đưa ra giải pháp được cho hạnh phúc hơn, cả về ngắn hạn và dài hạn.
4. Quên những điều nhỏ nhặt
Mọi người đều khao khát được trấn an và khẳng định giá trị bản thân, được thân thiết, gần gũi bạn đời và nhận sự hỗ trợ từ nửa kia. Chồng hoặc vợ bạn trông đợi bạn đáp ứng những nhu cầu đó. Nhưng trong cuộc sống bận rộn, đôi khi bạn có thể lướt qua một cơ hội để khen ngợi chân thành hoặc đề nghị đảm nhận một công việc mà bạn biết anh ấy/cô ấy ghét.
Đừng bỏ qua tầm quan trọng của những cử chỉ âu yếm, thân mật. Những hành động tử tế hàng ngày là yếu tố quan trọng giúp hôn nhân thành công. Bạn càng thể hiện sự đánh giá cao đối với bạn đời, bạn càng hạnh phúc hơn khi ở bên anh ấy/cô ấy.
Một nghiên cứu của UC Berkeley đã theo dõi 50 cặp vợ chồng. Họ cùng viết đánh giá tốt về vợ/chồng trong một tuần. Những người cảm thấy được đánh giá cao hơn có nhiều khả năng cũng đánh giá cao người bạn đời của mình vào hôm sau.
Điều quan trọng hơn là các cặp thể hiện sự đánh giá cao nửa kia thường xuyên sẽ ít có khả năng chia tay hơn trong chín tháng tiếp theo. Hãy thiết lập những thói quen nhỏ như hôn tạm biệt nửa kia vào buổi sáng và hôn nhau chúc ngủ ngon. Hỏi anh/cô ấy xem họ có cần bạn giúp gì vào ban sáng không; làm người ấy ngạc nhiên bằng những món quà nhỏ (không cần đắt tiền); chạm vào cánh tay hoặc chân của người ấy khi ngồi cạnh nhau; nói lời cảm ơn khi người ấy làm điều gì đó cho bạn, bất kể việc lớn hay nhỏ.
Hằng Trần (Theo Everyday Health)