1. Tạo một nghi thức buổi sáng
Có thể bạn thích chạy bộ hoặc thiền hay thưởng thức bữa sáng lành mạnh. Bất kể điều gì khiến bạn cảm thấy thích thú, hãy bắt đầu ngày mới với thói quen đó. Thiết lập một nghi thức buổi sáng giúp bạn bắt đầu ngày mới một cách tích cực và chủ động.
Khởi đầu ngày mới có sắp đặt trước giúp loại bỏ căng thẳng, mệt mỏi về tinh thần và nâng cao năng suất làm việc.
2. Tuân theo quy tắc 80/20
Quy tắc 80/20 có nghĩa là trong mọi tình huống, 20% nhiệm vụ mang lại 80% kết quả. Vì vậy, bạn có thể tối đa hóa năng suất bằng cách đầu tư phần lớn thời gian và năng lượng vào những công việc cụ thể sẽ tạo ra tác động lớn nhất. Sau khi hoàn thành những công việc đó, bạn có thể tập trung vào các hoạt động khác trong danh sách việc cần làm của mình.
3. Đọc, đọc, đọc
Đọc sách là một cách tuyệt vời để tiếp thu kiến thức và kích thích sự sáng tạo. Đọc cũng giúp cải thiện sự tập trung và có tác dụng trấn tĩnh tương tự như thiền định. Hơn nữa, đọc sách trước khi đi ngủ có thể giúp bạn ngủ ngon hơn. Đặc biệt, sách phi hư cấu là một công cụ tuyệt vời để mở rộng chân trời, phát triển ý tưởng mới và tìm kiếm động lực. Ngoài ra, các cuốn sách cũng đưa ra lời khuyên hữu ích về cách vượt qua tất cả các loại tình huống thử thách thông qua các ví dụ thực tế.
4. Làm việc đơn nhiệm
Mặc dù không có hại gì khi làm việc đa nhiệm không thường xuyên, việc liên tục suy nghĩ giữa các nhiệm vụ sẽ hạn chế sự tập trung của bạn và góp phần xáo trộn tinh thần bằng cách khiến bộ não của bạn khó lọc ra những thông tin không liên quan. Hơn nữa, theo một nghiên cứu được thực hiện bởi Đại học Stanford, các nhiệm vụ đa nhiệm khó nhằn làm giảm hiệu quả công việc, có thể làm giảm khả năng kiểm soát nhận thức của bạn. Đây là lý do tại sao bạn nên cố gắng thực hiện một nhiệm vụ đơn nhiệm cho tốt. Lên danh sách những việc bạn cần hoàn thành trong một ngày. Bắt đầu với những gì quan trọng nhất và hoàn thành từng việc một.
5. Thực hành lòng biết ơn
Tiểu thuyết gia người Pháp Jean-Baptiste Alphonse Karr từng nói: "Chúng ta có thể phàn nàn vì bụi hoa hồng có gai, hoặc vui mừng vì bụi gai có hoa hồng". Bạn rất dễ bị cuốn vào những lời than thở và quên đi rằng mình đã may mắn như thế nào. Thực hành lòng biết ơn là một cách tuyệt vời để tạo ra sự tích cực, giảm căng thẳng và cải thiện sức khỏe thể chất của bạn.
Làm thế nào có thể trau dồi thói quen lành mạnh này? Viết nhật ký về lòng biết ơn, tình nguyện, dành thời gian để đánh giá cao những người thân yêu của bạn và nhắc nhở bản thân về ít nhất một điều bạn biết ơn mỗi ngày trước khi đi ngủ. Bạn càng trân trọng những niềm vui nhỏ trong cuộc sống, bạn càng hạnh phúc.
6. Hòa mình vào những người tích cực
Tác giả và doanh nhân người Mỹ Jim Rohn cho biết: "Bạn là trung bình cộng của năm người mà bạn dành thời gian cho họ. Bạn nên dành thời gian cho những người biết cách nuôi dưỡng và chia sẻ hạnh phúc. Vì hạnh phúc dễ lây lan nên đó là một trong những cách dễ nhất tạo ra sự tích cực trong cuộc sống của bạn.
7. Dành thời gian cho việc tập thể dục
Ngoài việc cải thiện sức khỏe thể chất, tập thể dục thường xuyên khơi dậy khả năng sáng tạo và nâng cao kỹ năng nhận thức của bạn. Đó cũng là cách hiệu quả để xây dựng sức bền và giúp bạn tràn đầy sinh lực. Và nếu bạn vẫn chưa thấy thuyết phục, tập thể dục cũng giúp cải thiện tâm trạng bằng cách thúc đẩy sản xuất endorphin - hormone hoạt động như chất chống trầm cảm tự nhiên.
8. Làm chủ nghệ thuật lắng nghe
Giao tiếp hiệu quả là điều quan trọng giúp vun đắp các mối quan hệ cá nhân và nghề nghiệp. Lắng nghe là trung tâm của giao tiếp. Chú ý đến những gì người khác nói. Nó không chỉ khiến người khác cảm thấy mình được trân trọng mà còn giúp bạn hiểu họ hơn và có được cái nhìn mới mẻ. Đừng cố gắng độc chiếm cuộc trò chuyện hoặc có sự chú ý giả tạo khi lắng nghe người khác. Lắng nghe những gì họ nói và lưu ý cả những tín hiệu không lời. Bạn càng nghe nhiều, bạn sẽ học được nhiều hơn.
9. Cai nghiện mạng xã hội
Thế giới kỹ thuật số tiếp quản hầu hết mọi khía cạnh của cuộc sống của chúng ta. Một người bình thường có thể có đến 5 tài khoản mạng xã hội và dành ít nhất 1 giờ 40 phút mỗi ngày để kiểm tra mạng xã hội. Bạn càng dành nhiều thời gian trên trang mạng xã hội, bạn càng có nhiều khả năng mắc bệnh trầm cảm. Hãy dành thời gian để cắt giảm thời gian trên các phương tiện truyền thông xã hội để giảm bớt căng thẳng và gây lộn xộn tâm trí. Tắt điện thoại và máy tính xách tay của bạn vài giờ mỗi ngày để cải thiện tâm trạng và kết nối lại với thế giới xung quanh bạn.
10. Đầu tư vào việc chăm sóc bản thân
Dành một chút thời gian để thư giãn có thể cải thiện tâm trạng, sức khỏe tinh thần và lòng tự trọng của bạn. Làm ít nhất một việc mỗi ngày khiến bạn cảm thấy dễ chịu. Nghe nhạc, học một kỹ năng mới, ngâm mình trong bồn tắm đầy bọt khí hoặc chuẩn bị một bữa ăn ngon.
Việc phát triển những thói quen này đòi hỏi sự quyết tâm, kiên nhẫn và nỗ lực không ngừng. Bạn có thể chỉ mất vài tuần hoặc có thể hơn một năm. Nhưng không quan trọng là mất bao lâu để xây dựng thói quen, miễn là bạn không từ bỏ thói quen tốt ấy.
Hằng Trần (Theo Forbes)