Tinh bột từ lâu đã được xem là "thủ phạm" gây tăng cân nên nhiều người tìm cách loại bỏ chúng hoàn toàn ra khỏi các bữa ăn để giữ gìn vóc dáng. Tuy nhiên, tinh bột là một trong những nguồn năng lượng chính cho con người, cung cấp nhiều chất dinh dưỡng mà những loại thực phẩm khác không thể thay thế được. Cắt giảm hoàn toàn tinh bột khỏi chế độ ăn có thể gây ra nhiều hệ lụy sức khỏe và khiến quá trình giảm cân không đạt hiệu quả như mong muốn.
1. Cắt giảm hoàn toàn tinh bột
Tinh bột là nguồn năng lượng chính của cơ thể. Cắt bỏ tinh bột hoàn toàn trong giai đoạn đầu ăn kiêng dễ dẫn đến tình trạng thiếu hụt năng lượng, cơ thể mệt mỏi, rối loạn trao đổi chất, có thể gây đau đầu, buồn nôn, mất ngủ.
Tinh bột không chỉ có trong cơm. Tinh bột có cả trong nhiều loại rau, đậu, ngũ cốc nguyên hạt. Nếu cắt giảm hoàn toàn tinh bột, cơ thể sẽ bị mất nguồn chất xơ quan trọng, gây ảnh hưởng tới quá trình tiêu hóa, dẫn đến táo bón thường xuyên.
2. Cắt giảm tinh bột vào buổi tối
Nhiều người không ăn tinh bột vào buổi tối để giảm cân. Bác sĩ dinh dưỡng nhận định tinh bột và chất béo không chỉ cung cấp năng lượng mà còn giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ. Nếu cắt bỏ hoàn toàn tinh bột, bạn có xu hướng thèm ăn vặt nhiều hơn vì nhanh cảm thấy đói, ngủ không ngon giấc.
3. Tăng cường protein, chất béo khi cắt giảm tinh bột
Carbohydrate, thành phần chính của các thức ăn chứa tinh bột, đóng vai trò quan trọng với cơ thể. Thời xưa, khi thực phẩm khan hiếm, cơm là nguồn năng lượng chính. Một người trưởng thành có thể ăn 3-4 bát cơm mỗi bữa nhưng ít bị thừa cân, béo phì hay mắc bệnh lý rối loạn chuyển hóa. Ngày nay, dù cắt giảm lượng tinh bột tối đa, nhiều người vẫn mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa. Một trong những nguyên nhân chính là lối sống ít vận động, ăn nhiều chất đạm, chất béo để bù đắp năng lượng, khiến mỡ dư thừa, gây thừa cân, béo phì.
4. Áp dụng chế độ low-carb trong thời gian dài
Low-carb là chế độ ăn giới hạn lượng carbohydrate (chất bột, đường), tăng tỷ lệ protein, chất béo trong khẩu phần. Theo chuyên gia dinh dưỡng, chế độ ăn này có thể áp dụng trong thời gian ngắn chứ không nên kéo dài hoặc chọn nó làm chế độ ăn suốt đời. Thiếu hụt nhóm chất bột, đường có thể gây suy nhược cơ thể. Ăn nhiều đạm sẽ khiến chức năng gan, thận bị quá tải. Chưa kể, dư thừa đạm làm tăng đào thải canxi qua nước tiểu, không tốt cho xương. Nếu sau 6 tháng áp dụng phương pháp low-carb mà không đạt hiệu quả giảm cân như mong muốn, bạn nên chuyển qua phương pháp khác hoặc tham khảo tư vấn của bác sĩ dinh dưỡng.
Vienne (Theo Health)