Chủ nhật, 14/5/2023, 00:00 (GMT+7)

12 người mẹ để lại dấu ấn của điện ảnh Việt

Trên màn bạc, NSND Kim Xuân héo mòn vì thương nhớ con, nghệ sĩ Hồng Đào nuốt nỗi khổ lòng để bao dung con, Hồng Ánh làm bạn với con, Lê Giang là người mẹ 'độc hại'.

Với đặc tính lịch sử và văn hóa của Việt Nam, hình ảnh người mẹ thường xuyên xuất hiện trong phim ảnh, cũng như nhiều loại hình nghệ thuật khác. Khuôn khổ bài viết này chỉ đề cập các cuốn phim điện ảnh nội địa ra mắt trong thế kỷ 21.

Giữa gia đình thường xuyên to tiếng vì mâu thuẫn thế hệ ở phim 'Nhà bà Nữ', bà Ngọc Ngà (NSND Ngọc Giàu) luôn giữ im lặng, đứng ngoài mọi 'cuộc chiến'. Nhưng đằng sau thái độ dửng dưng ấy là trái tim người bà luôn lo lắng cho từng bước đi của cháu ngoại, là ánh mắt người mẹ luôn dõi theo mỗi sự kiện trong đời của con gái. Hiếm hoi lên tiếng, bà chỉ nói một câu nhưng chí lý chí tình.

Ở tuổi gần 80, nghệ sĩ Ngọc Giàu gặp nhân vật bà Ngọc Ngà ở trải nghiệm nhân sinh phong phú. Bà nhập vai dung dị, biểu lộ được cái nhìn nhẹ nhõm của nhân vật đối với sóng gió cuộc đời.

Mang dung nhan hiền hậu và có sở trường diễn vai bi, NSND Kim Xuân dễ dàng hòa vào vai chính phim 'Có căn nhà nằm nghe nắng mưa'. Nhân vật của bà là người mẹ đằng đẵng chờ đợi con 30 năm, sau khi người con trai độc nhất bỏ đi vì bị nghi oan giết người. Dáng vẻ tiều tụy, gương mặt thất thần, đôi mắt khi ngấn lệ, lúc nước mắt chan hòa, nữ nghệ sĩ làm người xem động lòng xót thương ở những khoảnh khắc một mình trong đêm thương nhớ con, hay nhìn xa xăm ngóng đợi mà con đi mãi chẳng về.

Ở phim 'Em là bà nội của anh', vai bà Đại do NSND Minh Đức đảm nhận là hiện thân của nhiều người bà, người mẹ Việt Nam. Ấy là người phụ nữ đanh đá với cả thế giới, cay nghiệt với con dâu nhưng hết lòng yêu chiều con trai và cháu nội. Ngay cả khi con cái đã ở tuổi trung niên, với bà Đại, đó mãi là đứa con bé bỏng cần bà sớm hôm săn sóc.

Cuộc đời bà Đại khổ mệnh, đi qua chiến tranh, sớm góa bụa rồi ở vậy một mình nuôi con. Lối hành xử đôi khi thái quá của bà lúc về già đều xuất phát từ tình thương có phần độc tài dành cho con cháu. Dù đất diễn không nhiều, nghệ sĩ Minh Đức khắc họa rất khéo những nghĩ suy rối ren trong tâm lý cùng nỗi hoài tiếc thanh xuân đã vụt mất của nhân vật.

Mẹ Hạnh của phim 'Thưa mẹ con đi' vốn kiệm lời. Bà cứ lặng lẽ thương, lặng lẽ lo cho Văn ở trong tâm, chăm chút việc nhỏ, tính toán việc lớn. Nhưng ánh mắt bà nói được ngàn lời.

Ánh mắt bà chưa vui trọn vẹn, vì con trai xa nhà nhiều năm, trở về đã vội thoáng những ưu tư. Ánh mắt bà đầy kỳ vọng khi hối thúc: 'Con nói mọi người biết con tính tương lai thế nào', rồi trở nên hụt hẫng và vỡ vụn khi biết về mối tình đồng giới của Văn với Ian. Nhưng sau tất cả, bà chọn vị tha và bao dung với con cái. Thay vì một câu nói, bà dành cho Văn và Ian những cái ôm, như biểu thị mẹ mở lòng đón cả hai vào gia đình của mẹ.

Bằng lối diễn tinh tế, nghệ sĩ Hồng Đào làm nên hình ảnh mẹ Hạnh giàu cảm xúc, khiến người ta vừa thương vừa phục. Chị cũng bày tỏ tâm lý đồng điệu với vai diễn của mình khi cho hay: 'Cha mẹ càng cấm đoán con càng buồn khổ. Không thay đổi được con, mình dần thay đổi mình'.

Giữa dàn nhân vật đông đúc của hai bộ phim 'Em và Trịnh' - 'Trịnh Công Sơn', nghệ sĩ Khánh Huyền dù xuất hiện chớp nhoáng cũng đủ lưu lại dấu ấn đẹp khi tái hiện vai diễn mẹ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thời trẻ.

Vẻ đẹp thanh cao, quý phái của chị vừa vặn với chân dung một phụ nữ trí thức ở Huế. Cách tương tác của chị với dàn diễn viên trẻ bộc lộ tình thương lẫn sự nghiêm khắc của một người mẹ trong gia đình gia giáo. Hơn hết, chị gây ấn tượng với thần thái rất ngầu ở khoảnh khắc tay cầm điếu thuốc, miệng nhả khói và đối đáp đanh thép với đám lính lùng sục bắt con mình.

Xem 'Nhà bà Nữ', người ta gật gù tâm đắc với hành xử, phát ngôn của bà Ngọc Ngà (NSND Ngọc Giàu) bao nhiêu, thì bất bình với con gái bà - Ngọc Nữ (Lê Giang) bấy nhiêu. Bà Nữ không xấu. Bà thương con cái thật lòng, chỉ là thương không đúng cách. Người xưa dạy 'Thương cho roi cho vọt', ngụ ý cha mẹ nên nghiêm khắc uốn nắn cho con nên người. Trong khi, bà Nữ vận dụng 'roi vọt' theo lối cực đoan, kiểm soát và áp đặt con gái một cách thái quá, mở miệng không ngừng tuôn những lời độc địa. Thương con và vì con hy sinh đời mình nhưng rốt cuộc, bà Nữ vẫn tự rước sầu muộn vào thân, rồi mang tiếng ác là một người mẹ độc đoán.

Mượn hình ảnh áo dài truyền thống làm biểu tượng, phim 'Áo lụa Hà Đông' tôn vinh vẻ đẹp đầy nhẫn nại, hy sinh của người phụ nữ Việt trong thời chiến. Đau lòng, xúc động nhất cuốn phim là cảnh tượng Dần (Trương Ngọc Ánh) vừa chạy vừa gào thét gọi tên con, tìm xác con sau trận bom xả xuống trường học.

Hạnh trong phim 'Trăng nơi đáy giếng' là một vai diễn xuất sắc của Hồng Ánh. Hạnh yêu và tôn thờ chồng đến mù quáng. Mặc cảm mắc bệnh vô sinh, cô kiếm vợ trẻ sinh con cho chồng và thương đứa trẻ như con ruột.

Giống như khi hầu hạ chồng từng miếng ăn hay giấc ngủ, Hạnh cũng lấp lánh hoan vui trong đáy mắt, nụ cười mỗi lần được chăm bẵm cho con riêng của chồng. Tình yêu dành cho người đàn ông của đời mình và khát khao làm mẹ đã vượt qua những ghen tuông thường tình. Nhưng đó cũng là khởi nguồn cho bi kịch.

Với 'Tâm hồn mẹ', Hồng Ánh lại mang đến hình mẫu người mẹ trẻ con, yêu và sống hoang dại, bản năng, thiếu chín chắn đến mức phải để con gái 10 tuổi lo ngược cho mình.

Sang đến 'Tháng năm rực rỡ', nữ diễn viên hóa thân bà mẹ của thời mở cửa với tính cách cởi mở, chịu khó 'trẻ hóa' để làm bạn với con. Riêng với tình huống nhân vật đóng giả nữ sinh và dằn mặt kẻ bắt nạt con gái mình, Hồng Ánh gây ấn tượng khi buộc tóc hai bên, mặc đồng phục và đóng cảnh đánh đấm.

Hồng Ánh cho biết cô sớm được làm mẹ trên màn ảnh. 21 tuổi, cô lần đầu đóng mẹ đơn thân ở phim 'Cầu thang tối'. 29-30 tuổi, cô đã có con gái 18 tuổi trong phim 'Trái tim bé bỏng'. Kết thúc các vai diễn, những đứa con điện ảnh vẫn gọi cô là mẹ ở ngoài đời và giữ liên lạc qua nhiều năm.

Ngô Thanh Vân trong 'Hai Phượng' là bà mẹ đả nữ duy nhất của phim Việt. Mở đầu phim, cô thể hiện khá thú vị hình ảnh người mẹ đuểnh đoảng, chăm lo việc nhà còn vụng hơn cả con gái. Nhưng trước tình cảnh con gái gặp nạn, tình mẫu tử vĩ đại cho cô sức mạnh, sức bền phi thường, để cô tả xung hữu đột, một mình đối đầu băng đảng buôn người và giải cứu con.

Không giỏi giang hay tháo vát bằng những người mẹ kể trên, mẹ Mưa (Thu Trang) trong phim 'Nắng' là một người mẹ thiểu năng và nghèo đói. Sự hạn chế về trí lực khiến Mưa gặp đủ thứ khó khăn trong đời sống, nhưng không ngăn được tình thương bản năng dành cho con gái. Đây là vai diễn mới lạ đầu tiên trong sự nghiệp của Thu Trang, giúp cô khẳng định khả năng diễn tâm lý bên cạnh sở trường tấu hài.

Phong Kiều

Đánh giá phiên bản mới