Trong đó, tình cảm giữa mẹ và con là đường dây xuyên suốt. Qua hình ảnh của các cặp mẹ con: mẹ Hạnh và Văn, bà nội và cô Út, thím Ngọc và hai đứa con của thím, bộ phim làm bật lên câu chuyện muôn thuở trong các gia đình Việt Nam: con nào cũng là con của mẹ, mẹ nào mẹ chẳng thương con, nhưng tình thương ấy đôi khi là gánh nặng.
Phim mở đầu khi Văn (Lãnh Thanh) đưa bạn trai là Ian (Gia Huy) về thăm nhà. Bà Hạnh (Hồng Đào) ngỡ ngàng trước giới tính thực sự và mối tình của con. Bà nội (NSƯT Lê Thiện), cô Út (Hồng Ánh) và gia đình thím Ngọc (Kiều Trinh) có những phản ứng khác nhau.
Trailer Thưa mẹ con đi
Mẹ nào cũng thương con
Mẹ Hạnh bảo, bà nội và cô Út ban ngày chí chóe, tối đến vẫn cần có nhau. Thực ra, ngay cả lúc chí chóe, hai người phụ nữ này vẫn thương nhau lắm. Bằng chứng là cô Út mới vắng mặt nửa ngày đi đón Văn ở sân bay, bà nội đã cằn nhằn con gái đi đâu không thấy.
Cô Út không chồng, tính tình vô tư, ham vui, nhưng bà nội có bao giờ chê trách hay giục chuyện chồng con đâu. Có người thấy phiền khi nghe cô Út hát hoài, còn bà nội thì bảo: "Con không hát ru, má không ngủ được". Cô Út có lần than khổ vì bà nội gặp lại cháu cưng là quên luôn cô con gái, dù ở cái nhà này, không ai lo cho nội bằng cô. Giận lẫy thì nói vậy, chứ cô Út không bao giờ nỡ bỏ mẹ, lúc nào cũng chăm chút cho bà từng ly từng tí.

"Bà nội" Lê Thiện và "cô Út" Hồng Ánh thương nhau ngay cả khi chí chóe.
Thím Ngọc hay mắng nhiếc hai đứa con. Khôi (Lê Công Hoàng) còn đỡ, chứ bé Kim (Thanh Tú) phải chịu sự quản lý khắc nghiệt vì quan niệm trọng nam khinh nữ của mẹ. Nhưng sâu thẳm trong lòng, thím Ngọc là một người mẹ thương con, xót xa khi thấy con trai té ngã hay đánh nhau, nổi cơn thịnh nộ vì hiểu nhầm con gái bị miệt thị. Chỉ có điều thím Ngọc yêu chiều con không đúng cách, nếu không thì Khôi cũng chẳng lêu lổng và nát rượu đến thế.

Thím Ngọc thương con nhưng thiên vị con trai hơn con gái.
Những câu chuyện này diễn giải ra thì dài, nhưng ở trên phim, đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh chỉ dành vài chi tiết nhỏ mà khéo, đủ để lột tả muôn kiểu tình thương giữa mẹ và con. Riêng mẹ Hạnh và Văn cùng quen sống nội tâm, giấu nỗi buồn, niềm thương ở trong lòng, nhưng không giấu được tình thương hay nỗi ưu tư trong đáy mắt.
Ánh mắt Văn xót xa khi nhìn mẹ một mình lo toan cả gia đình, áy náy khi phát hiện vỉ thuốc, sổ bệnh của mẹ, chần chừ ngày này qua ngày khác trước quyết định công khai giới tính với mẹ. Ánh mắt mẹ Hạnh rạng ngời khi thấy con trai bằng xương bằng thịt đứng trong căn nhà sau nhiều năm xa cách, trăn trở về chuyện vợ con của Văn, vỡ vụn khi biết con đồng tính, đau khổ khi nhìn con bị xúc phạm.
Với Thưa mẹ con đi, nghệ sĩ Hồng Đào đã làm nên vai diễn mẹ Hạnh mộc mạc mà giàu cảm xúc, kiệm lời mà nói được ngàn lời qua ánh mắt, cử chỉ tinh tế. Diễn viên trẻ Lãnh Thanh trong vai Văn dù diễn xuất đôi chỗ còn gượng, cũng cho thấy tương lai tiềm năng ở dòng phim tình cảm, tâm lý.

Nghệ sĩ Hồng Đào và diễn viên trẻ Lãnh Thanh để lại ấn tượng bằng lối diễn cảm xúc.
Tình thương của mẹ là áp lực cho con, tự do của con có khi là tổn thương với mẹ
Điều này được thể hiện chủ yếu qua câu chuyện của mẹ Hạnh và Văn. Như bao người mẹ khác ở đất nước này, mẹ Hạnh mong con trai trở về bên cạnh, lấy vợ, sinh con, thay bà gánh vác cơ nghiệp gia đình, cho bà nguôi ngoai nỗi cô đơn bao năm tháng đã qua.
Từ câu nói ý nhị "Đời mẹ làm vợ thì ít, làm dâu thì dài" tới lời hối thúc "Con nói cho mọi người biết con tính tương lai làm sao", từ sự nhắc nhở ban đầu, mẹ Hạnh dần ép buộc Văn làm tròn nghĩa vụ trưởng nam. Tình thương và kỳ vọng của mẹ làm Văn cảm động, nhưng vô tình đặt lên vai anh một gánh nặng quá sức, lạc nhịp với cuộc đời mà anh mong muốn.
Khi nghe Văn thú nhận về cuộc tình với Ian, mẹ Hạnh nhìn con trai bằng đôi mắt chưa kịp đau buồn bởi còn quá ngỡ ngàng. Nghệ sĩ Hồng Đào gọi đó là ánh mắt của sự sụp đổ hy vọng. So với việc con cái trái lời cha mẹ, vấn đề đồng tính có lẽ còn khó chấp nhận hơn, nhất là dưới nếp nhà truyền thống, ở một vùng quê chưa vơi hết cổ hủ.
Thế nhưng sau khoảnh khắc ấy, không một cuộc tranh cãi hay xung đột nào xảy đến giữa hai mẹ con. Mẹ Hạnh và Văn cũng giống như nhiều cặp mẹ con ở ngoài đời thực, càng thương nhau càng làm tổn thương nhau. Nhưng sau tất cả, họ lựa chọn thứ tha và đón nhận.
Nghệ sĩ Hồng Đào chia sẻ về khó khăn khi hóa thân thành người mẹ trong Thưa mẹ con đi
Trong bối cảnh gia đình đa thế hệ và đông phụ nữ, tính nữ lấn át tính nam, Thưa mẹ con đi tái hiện những mâu thuẫn thường tình giữa mẹ và con, chạm đến lòng người bằng muôn mặt của tình mẫu tử. Bộ phim đang chiếu ở các rạp trên toàn quốc.
Phong Kiều