Ôm con gái trong lòng, bé Tôn Nữ Hoàng Dung (4 tuổi), chị Hoàng Thị Thùy Linh (35 tuổi, Quảng Bình) thi thoảng lại nhìn con rồi mỉm cười. Những nét lo âu trên khuôn mặt chị dường như đã "giãn" ra và đôi mắt ánh lên niềm hy vọng. 6 tháng trước, con gái chị đã trải qua ca phẫu thuật tái tạo khuôn mặt kéo dài 11 tiếng với bác sĩ phẫu thuật thần kinh Keith Goh tại Bệnh viện Mount Elizabeth, Singapore. Thùy Linh và gia đình gọi những gì mà con gái đang có giống như một "điều kỳ diệu".
Trái tim người mẹ đau nhói khi con bị trêu chọc: 'A, con mặt quỷ'
Tôn Nữ Hoàng Dung là "trái ngọt" duy nhất của chị Hoàng Thị Thùy Linh và anh Tôn Thắng Dũng, trú tại phường Đức Ninh Đông, thành phố Đồng Hới, Quảng Bình. Thùy Linh mang thai bé như mọi bà mẹ bình thường khác, nhưng mỗi lần đi khám định kỳ, bác sĩ đều không thể phát hiện dị tật từ sớm do thai nhi nằm úp. Lúc chào đời, Hoàng Dung chỉ nặng 2 kg, sức khỏe yếu nên được chuyển đến ngay phòng chăm sóc đặc biệt. Phải 2 tuần sau đó, khi con bắt đầu có thể bú sữa, Thùy Linh mới chính thức được nhận con.
"Các bác sĩ sợ tôi bị sốc nên không nói cháu bị dị tật mà chỉ bảo cháu yếu, cần chăm sóc riêng. Thế nhưng linh tính của người mẹ, tôi cảm nhận có cái gì đó bất thường. Khi nhận cháu sau 2 tuần, tôi thực sự choáng váng, càng thương cháu nhiều hơn vì tôi biết chắc sau này cháu sẽ phải chịu những tủi hờn mà dị tật mang lại", người mẹ sinh năm 1984 chia sẻ.
Bé Hoàng Dung mang dị tật hiếm gặp ở xương sọ, làm ảnh hưởng đến cả ngoại hình và thị lực. Phần não tràn ra vùng mũi, khiến mắt bị đẩy xuống và lồi ra ngoài. Chỉ một bên mắt trái của bé hoạt động bình thường, trong khi mắt phải bị đục giác mạc. Bên cạnh đó, việc thiếu da mí mắt và sụn đỡ bên trong cũng khiến bé thường xuyên bị khô mắt.
Từ ngày sinh con, Thùy Linh chưa có một giấc ngủ nào trọn vẹn. Chị thường phải canh để lau nước mắt cho con vì mắt con không bao giờ khép. Nhưng bù lại những thiệt thòi về thể chất, cô bé 4 tuổi lém lỉnh, nhanh nhẹn. Không thể đi học vì những đứa trẻ khác khi nhìn thấy em đều hoảng sợ, Hoàng Dung được mẹ dạy ở nhà nhiều bài hát, điệu múa. Cô bé luôn thuộc bài rất nhanh. Tuy vậy, nhiều lần ở bên mẹ hay đang tha thẩn chơi búp bê, xem ti-vi, em lại thắc mắc: "Mẹ ơi, sao các bạn không chơi với con?", "Sao con không có cái mũi giống mẹ", "Mẹ ơi, khi nào con được đi học?"... Những câu hỏi lấy đi nhiều nước mắt của bà mẹ trẻ nhưng cũng nhóm lên trong lòng chị quyết tâm "đi cùng trời cuối đất" để chữa bệnh cho con. Thùy Linh giật mình thon thót mỗi khi con bị các bạn nhỏ trêu chọc: "A, con mặt quỷ". Chị bảo chị sợ cái tên đó bởi nó như ngàn lưỡi dao đâm vào trái tim của chị, đau nhói.
Hàng năm trời, chị ôm con đi từ Bắc vào Nam, với số tiền bấp bênh từ công việc nhôm kính của chồng, nhưng đi đến bệnh viện nào, chị cũng chỉ nhận được câu trả lời: Dị tật khoang trán nặng, bệnh viện không đủ thiết bị mổ chuyên sâu... Đến năm Hoàng Dung tròn 2 tuổi, một bệnh viện trong nước đồng ý thực hiện cho em ca phẫu thuật loại bỏ lượng mỡ tích tụ ở phía trước đầu với kích thước bằng một quả bưởi. Tuy nhiên, phức tạp hơn là phần mắt, nếu không được can thiệp sớm, em có khả năng bị mất đi thị giác vĩnh viễn. Vì nguy cơ biến chứng quá cao, các bác sĩ trong nước đã không thể làm gì hơn cho em.
Trong những nỗ lực gần như tuyệt vọng, bà mẹ Quảng Bình đã viết tâm thư kêu gọi cộng đồng giới thiệu bác sĩ và hỗ trợ tài chính cho gia đình mình. Một tia sáng lóe lên khi chị biết đến bác sĩ Keith Goh, người đã thực hiện ca phẫu thuật hiếm để tách rời 3 cặp song sinh dính liền từ Nepan, Iran và Hàn Quốc vào năm 2001 và 2003. Tuy nhiên, để chữa trị, bé Hoàng Dung phải ra nước ngoài và chi phí của ca phẫu thuật này lên tới 2 tỷ đồng - một con số mà theo Thùy Linh, gia đình chị có bán đi tất cả gia tài thì vẫn thiếu rất nhiều.
11 giờ phẫu thuật căng thẳng của chiến binh nhí không rơi nước mắt
Phép màu đến với bé Hoàng Dung và gia đình chị Thùy Linh khi nhiều mạnh thường quân đã chung tay để đưa mẹ con chị sang Singapore gặp vị bác sĩ nổi tiếng thế giới. Bác sĩ nói em phải phẫu thuật 2 trong 1 để cắt phần xương hai bên thái dương giúp đẩy hốc mắt vào. Xương trên đỉnh đầu cũng phải cắt để lắp vào phần trán bị thiếu, sau đó đưa mảnh xương nhân tạo vào, rồi đẩy một phần não bị chảy xuống trán do bị thiếu xương lâu ngày trở lại vị trí đúng và đặt một màng bảo vệ não. Cuối cùng, bác sĩ thẩm mỹ sẽ tái tạo cấu trúc mắt để mắt đóng khép được. Quá trình này bao gồm nhiều cuộc phẫu thuật và ngày được ấn định là 20/11/2018.
"Mẹ biết con là nữ chiến binh dũng cảm. Con đã không khóc dù chỉ tiếng nấc nhỏ khi bác sĩ đâm kim tiêm vào và rút ra 5 lần để lấy ven cho con. Mẹ ước gánh hết sự đau đớn mà con sắp phải trải qua. Mẹ và mọi người luôn ở bên cạnh con", Thùy Linh đã trút nỗi lòng trong bức tâm thư gửi con trước ngày phẫu thuật.
Ca phẫu thuật nhằm tái cấu trúc phần xương sọ và tái tạo gương mặt tuy có rủi ro rất cao nhưng "nếu không được điều trị, phần não thoát vị ở vùng sọ trước sẽ dần thế chỗ cho nhãn cầu và mũi, làm biến dạng khuôn mặt. Trong trường hợp này, bé có thể mất đi thị lực và gương mặt sẽ còn biến dạng hơn nữa" - bác sĩ Keith Goh cho biết.
11h50, Hoàng Dung được đưa vào phòng phẫu thuật và được gây mê.
13h08, bác sĩ Keith Goh bắt đầu thực hiện vết cắt đầu tiên. Trong vài giờ tiếp theo, với kính lúp, các dụng cụ siêu nhỏ và cả bút điện phẫu thuật (diathermy pens), bác sĩ thực hiện các vết mổ nhỏ với sự trợ giúp của bác sĩ phẫu thuật thần kinh Mathew Tung và một y tá.
Theo bác sĩ Keith Goh, phần khó nhất là khi ông tiến hành loại bỏ các mô bất thường đã phát triển xung quanh não thoát vị, đảm bảo không phạm tới bất kỳ dây thần kinh thị giác và khứu giác nào.
Tiếp theo là điều chỉnh và tái cấu trúc xương sọ bằng cách kết hợp lưới tự tiêu và các tấm titan đã được định hình, để che chắn và bảo vệ hộp sọ, đồng thời cho phép bộ não có thể phát triển.
Sau 6 giờ, tất cả các kỹ thuật phẫu thuật thần kinh cần thiết đã xong. Các bác sĩ phẫu thuật mắt và thẩm mỹ tiếp quản, mí mắt của bé đã được tái tạo. 5 tiếng sau đó, cuộc đại phẫu đã hoàn tất.
23h15, Hoàng Dung được ra khỏi phòng mổ.
Ước mơ ngày con được cắp sách đến trường
Hoàng Dung phục hồi khá nhanh sau ca đại phẫu. Chỉ vài tuần sau, cô bé được xuất viện và trở về Việt Nam. Hiện tại, sức khỏe của em đã ổn định, tâm lý vui vẻ và có những thay đổi rõ ràng hơn. Mắt của Hoàng Dung đã có thể nhắm lại một phần và vẻ ngoài cũng được cải thiện.
Các bước điều trị tiếp theo sẽ được thực hiện khi Hoàng Dung trưởng thành hoàn toàn, có thể phải từ 18 tuổi trở lên. Trong thời gian này, bác sĩ Keith Goh khuyên gia đình đưa bé đi kiểm tra thường xuyên về thị lực và tình trạng của mắt. Ngoài ra, sự phát triển của khuôn mặt cũng phải được theo dõi để chắc chắn rằng không có vấn đề về hô hấp. Quan trọng hơn cả là phải theo dõi và kiểm tra xem nếu có bất kỳ sự chậm phát triển nào phát sinh trong quá trình phát triển của não bộ. Nếu trường hợp này xảy ra, Hoàng Dung sẽ cần các cuộc phẫu thuật cần thiết.
20/11 - ngày cô bé Hoàng Dung đối mặt với ca đại phẫu thuật trong hành trình đi tìm lại gương mặt của chính mình cũng chính là ngày hội của các nhà giáo. Người mẹ trẻ nhìn bạn bè mình đưa con đi thăm các thầy cô giáo cùng những bó hoa tươi thắm, trong lòng trào lên một niềm ước ao rằng ngày 20/11 những năm sau này, chị cũng có thể cùng con làm điều tương tự.
"Tôi chỉ mong con gái trở nên khỏe mạnh và có ngoại hình dễ nhìn hơn, có thể đến trường, kết bạn và tương lai sẽ tươi sáng hơn", bà mẹ một con nói.