Trở về nhà sau 6 ngày nằm viện, chị Trần Yến Nhi (26 tuổi, TP HCM) cho biết tình trạng sức khỏe của bé Gà, con trai của chị, đang dần hồi sau đợt ốm do bệnh Kawasaki. Hiện tại, chị Nhi theo dõi bé tại nhà, kết hợp điều trị bằng thuốc Aspirin và bổ sung ăn uống để bé sớm khỏe lại hoàn toàn. Tuy vậy, vì Kawasaki là loại bệnh lạ và đến nay y học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác nên bà mẹ 9X không tránh khỏi lo lắng.
"Mình chỉ lo con bị nhức đầu, mà uống Aspirin nhiều cũng không tốt, kể cả với người lớn. Con cần được theo dõi thêm tại nhà, đặc biệt là về tim. Bác sĩ dặn mình nếu con có biểu hiện sốt lại thì phải đưa bé đến bệnh viện ngay", Yến Nhi chia sẻ.
Sốt cao liên tục, phát ban, mắt đỏ: Biểu hiện của bệnh Kawasaki
Bé Gà bắt đầu sốt cao, 38-39 độ C từ tối ngày 8/1. Hai ngày sau, 10/1, Yến Nhi đưa con đến khám tại bệnh viện Nhi Đồng 1 và bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm phổi. Tình trạng sốt cao liên tục không giảm, tiêu chảy, khu vực phát ban dày đặc hơn, nhất là trên mặt: mắt đỏ, môi đỏ, lưỡi nổi hạt, bé Gà được chỉ định nhập viện và làm các xét nghiệm, chụp Xquang. Kết quả sau đó, bác sĩ nghi ngờ bé Gà bị bệnh Kawasaki - bệnh sốt có mọc ban cấp tính kèm viêm lan tỏa hệ mạch máu vừa và nhỏ chưa rõ căn nguyên, thường gặp ở nhũ nhi và trẻ dưới 5 tuổi.
"3h mà con không ngủ được vì sốt cao, khóc liên tục. Ba và mẹ cho con uống thuốc nhưng không hạ sốt nên phải đưa con sang phòng cấp cứu để lau mát cơ thể và được theo dõi. Sau 2 tiếng, con bớt sốt và ngủ được một chút. Kể từ lúc nhập viện, con bú ít, mệt, lờ đờ, khóc và thiếp ngủ", Yến Nhi kể về đêm đầu tiên trong viện.
Sau đó, bé Gà được chuyển lên khoa tim và nằm điều trị tại đây luôn. Sang ngày sốt thứ 6, bác sĩ bắt đầu cho Gà truyền thuốc IVIg, giá 3 triệu đồng/chai. Bé được truyền 7 chai thuốc liên tục từ 2h20 đến 10h30 và tình trạng tiến triển hơn, không còn sốt, tỉnh táo trở lại. Trong khi đó, các nốt ban xuất hiện ở tay, chân đã lan rộng ra toàn thân, nhất là hai bên háng. Tay và chân bé bị phù tím, mắt đỏ, miệng đỏ. Bé Gà được theo dõi thêm tại viện 48 tiếng trước khi về nhà.
Những lưu ý của bà mẹ trẻ sau quá trình cùng con trị bệnh
Yến Nhi cho rằng dù chưa tìm được nguyên nhân gây bệnh, việc quan trọng là hạn chế bé chơi ở nơi công cộng khi sức khỏe không ổn định cũng như cung cấp dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho trẻ. Ngoài ra, đối với trẻ mắc Kawasaki, chị lưu ý những điểm sau:
- Phải tái khám nếu sốt trở lại hoặc nổi phát ban
- Luôn theo dõi tim của bé, siêu âm tim 6 tháng/lần
- Uống thuốc Aspirin theo toa của bác sĩ (Một số bé có thể bị ngộ độc Aspirin nếu dùng không đúng cách, biểu hiện thông thường là thở gấp, nôn, kêu đau dạ dày, sốt, phát ban. Trong trường hợp này, bố mẹ cần liên hệ ngay với bác sĩ).
- Trong vòng 12 tháng không chích ngừa cho bé và khi khám bệnh, bố mẹ cần thông báo bé từng bị Kawasaki để được kê thuốc thích hợp.
- Một vài bé sẽ bị bong tróc da nhưng có bé không bị.
- Bé có thể bị đau khớp háng là một trong những biến chứng sau bệnh bố mẹ cần lưu ý.
Bệnh Kawasaki khởi phát cấp tính, với những triệu chứng: sốt cao kéo dài, phát ban đỏ khắp cơ thể, hai mắt đỏ, môi đỏ, lưỡi đỏ, bong rộp ở miệng, bong rộp ở đầu các ngón tay, ngón chân, nổi hạch ở cổ, có thể kèm theo sưng và đỏ ở lòng bàn tay, bàn chân. Ngoài ra còn có những triệu chứng khác như: rối loạn tiêu hóa, trẻ có thể bị đau bụng, vàng da, túi mật to, gan to... Bệnh có biến chứng hay gặp là viêm tim, phình giãn động mạch, động mạch vành gây nhồi máu cơ tim và suy vành mạn tính về sau. Tỷ lệ tử vong do bệnh này chiếm khoảng 0,1-1%. Bệnh do một bác sĩ người Nhật tên là Tomisaku Kawasaki tìm ra vào năm 1967. Trẻ đã mắc bệnh Kawasaki thì cần phải được tái khám suốt đời. Đối với những trường hợp bệnh không gây biến chứng, sau khi xuất viện về, bệnh nhân uống thuốc Aspirin trong khoảng 6 tuần. Đối với những trường hợp bệnh gây biến chứng, bệnh nhân phải được chụp mạch vành để theo dõi dưới sự chỉ định của bác sĩ. |