Chưa bao giờ các loại hình này lại phát triển rộng rãi ở Pháp đến như vậy. Có hai lý do chính giải thích hiện tượng này: đó là mong muốn mở rộng các mối quan hệ xã hội và được thừa nhận con người thật của mỗi người. Nhưng dù là lý do nào đi chăng nữa, mỗi người đều đến với tình yêu theo cách riêng của mình. Xin giới thiệu những cách mới nhất đang phổ biến ở Pháp.
1. Vừa là bạn, vừa là tình nhân
Đó vừa là một người bạn dễ thương, hết lòng phục vụ bạn nhưng không phải lúc nào cũng kè kè bên bạn vừa có thể "đáp ứng nhu cầu" của bạn bất cứ lúc nào bạn muốn. Đây có thể coi là một dạng hợp đồng hôn nhân không cần tình cảm và ngày càng có nhiều người đến với loại hình hôn nhân này. Một người trong cuộc, anh Olivier, kỹ sư, 40 tuổi, giải thích: "Loại hợp đồng này không đòi hỏi bất kỳ một sự ràng buộc nào. Với nó, bạn có thể dành thời gian cho học vấn và sự nghiệp mà vẫn đảm bảo cuộc sống chăn gối".
Hiện nay, người Pháp có lẽ đã chuyển từ giai đoạn coi trọng tình cảm sang giai đoạn coi trọng tình dục? Theo chuyên gia tâm lý, cô Nicole Jeammet thì điều này chứng tỏ người ta ngày càng sợ bị phản bội và để có thể vượt qua nỗi sợ hãi bị phụ thuộc.
2. Đám cưới thời "công nghệ"
Ngày 30/6, lúc 16h30, tại nơi tổ chức hôn lễ, cô Priscillia, 27 tuổi, trong bộ váy cô dâu, đã đồng ý kết hôn với anh Vincent, 25 tuổi. Chỉ cần một thao tác đơn giản truy cập vào trang web của tòa thị chính thành phố Reims là bạn có thể tham dự hôn lễ này dù đang ở bất cứ đâu. Vincent vui vẻ nói: "Nhiều bạn đồng nghiệp của chúng tôi cũng tổ chức hôn lễ theo cách này". Đây là loại hình dịch vụ được du nhập từ Mỹ.
Chị Céline Prenassi sáng lập loại dịch vụ này tại Pháp vào tháng 7/2003, lúc đó chỉ có rất ít người quan tâm. Ngày nay, khi ngày càng có ít đám cưới được tổ chức theo kiểu truyền thống, các nghi thức đám cưới cũng phai nhạt dần. Theo chị Prenassi, các cặp vợ chồng luôn đòi hỏi đám cưới của mình phải thật độc đáo, bởi cuộc đó là sự kiện trọng đại có một không hai trong cuộc đời. Xu hướng kết hôn muộn (nam 31 tuổi, nữ 29 tuổi) đã thúc đẩy sự phát triển của loại hình dịch vụ mới này.
3. Mỗi người một nhà
Là vợ chồng nhưng cuộc sống mỗi người mỗi khác. Đây cũng là loại hình hôn nhân mới. Nếu như trước kia, cuộc sống vợ chồng là không thể tách rời thì giờ đây, mọi chuyện đều có thể. Với phương châm "yêu nhau nhưng không có nghĩa là phải sống gần nhau", hiện nay ngày càng có nhiều cặp vợ chồng, nhất là các cặp vợ chồng tại các thành phố lớn, sống trong cảnh "nhà anh anh ở, nhà tôi tôi ở".
Theo chuyên gia tâm lý, Jacques-Antoine Malarewicz thì loại hình hôn nhân mới này đang thu hút mọi người thuộc mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi. Giới trẻ thì thích loại hình này lại giúp họ có thể tự do làm những gì mình thích. Còn với người nhiều tuổi thì loại hình này lại giúp họ mở rộng mối quan hệ với những người khác ngoài ý trung nhân của mình. Loại hình hôn nhân này không chỉ hấp dẫn tầng lớp khá giả.
Bà Madeline, 50 tuổi, làm kế toán. Bà sống tại thành phố Lyon, còn bạn đời của bà sống ở nông thôn cách xa 25 cây số. Lý do để bà đến với cuộc hôn nhân này là: "Tôi không muốn tiếp tục nghe những lời cằn nhằn khi trở về nhà muộn, không muốn về nhà lại phải lao đầu vào bếp. Tôi không muốn tiếp tục cuộc sống như vậy nữa".
Phụ nữ chính là những người đã tạo nên loại hình hôn nhân mới này và cũng chính họ sẽ là những người đặt dấu chấm hết cho loại hình đó. Bởi nhìn chung, khi có con nhỏ, họ không còn tâm trí để mơ về cuộc sống riêng của mình nhưng khi con lớn, mơ ước ấy lại quay trở lại.
4. Người cao tuổi trong cuộc hành trình kiếm tìm tình yêu mới
"Nếu có một phụ nữ du hành vào vũ trụ...". Đây là chủ đề của một cuộc tọa đàm trên mạng và đã có rất nhiều ý kiến khác nhau xung quanh việc phụ nữ ở độ tuổi nào thì thích hợp để làm việc này. Có ý kiến khác lại đề nghị một phụ nữ ở độ tuổi trung niên, 60 tuổi chẳng hạn.
Như vậy có thể thấy, giờ đây 60 tuổi với phụ nữ chưa phải là già. Họ, những người phụ nữ, đã dành cả thời thanh xuân của mình để chăm sóc chồng con, trông nom nhà cửa. Đến tuổi xế chiều, họ mới có thời gian dành cho mình, sống theo ý mình. Đó chính là lý do khiến tỷ lệ ly hôn ở người trên 60 tuổi tăng đột biến.
Trong vòng mười năm trở lại đây, con số này là trên 28% đối với phụ nữ, 39% đối với nam giới. Đây là một hiện tượng chưa từng có. Theo con số thống kê trên trang web Match. com, tỷ lệ ly hôn ở người 50 và trên 50 đã tăng gấp 3 lần so với năm 2000.
Nhà xã hội học Regine Lemoine-Darthois cho biết: "Không ngờ, nhưng hoàn toàn có thể. Phụ nữ ở độ tuổi này không còn bận tâm đến công việc, con cái. Họ bước vào giai đoạn mới: giai đoạn hồi xuân, và họ không ngần ngại đi tìm cho mình một người tình mới. Đây cũng chính là thời điểm thích hợp để họ làm những điều họ thích nhưng chưa làm được từ hồi còn trẻ, bất chấp tuổi tác".
Lời kết
Cũng về chủ đề tình yêu, mới đây tại trung tâm khoa học và công nghệ Villette, thủ đô Paris đã diễn ra một cuộc triển lãm với chủ đề "Tình yêu muôn màu". Theo nhận định của bà Arlette Farge, uỷ viên khoa học, thì chưa có một cuộc triển lãm nào lại thu hút nhiều khách xem đến thế.
Bà Arlette Farge và bà Rose-Marie Lagrave, một người là nhà sử học, một người là nhà xã hội học, cả hai đã làm việc trong vòng 3 năm để chuẩn bị cho cuộc triển lãm độc đáo này. Lúc đầu, hai bà định đặt tên cho cuộc triển lãm là "Tình yêu qua các nền văn hoá" nhưng sau lại đổi thành "Tình yêu muôn màu".
Triển lãm đã giới thiệu nhiều đoạn trích phim truyện và phim tài liệu, tranh ảnh của nhiều nhà nhiếp ảnh nổi tiếng về chủ đề này. Nếu như mục đích của cuộc triển lãm là thuyết phục người xem bằng câu nói nổi tiếng của Jacques Chardonne: "Tình yêu, đó không chỉ là tình yêu mà còn hơn thế nữa" thì mục đích đó đã thành công.
(Theo Sinh Viên Việt Nam)