Gào
Nguyên tắc dạy em bé của bố mẹ Bìn, tự nghĩ ra và đang tự làm. Đúng - sai không dám bàn, vì không phải chuyên gia. Nhưng bố mẹ Bìn làm tất cả, từ tấm lòng mình. Và mong con cái mình sau này, sẽ hiểu.
- Không cho con thứ con muốn. Chỉ cho con thứ con xứng đáng.
- Không cho con khi con đòi hỏi. Chỉ cho con khi con xin. Khi con xin, con chỉ được cho nếu xứng đáng.
- Bố mẹ có thể sẽ từ chối con. Nhưng khi từ chối luôn cho con biết vì sao.
- Thường xuyên nói yêu con. Và nhắc đi nhắc lại điều đó, kèm những hành động yêu thương, để tình yêu ấy đi sâu vào tiềm thức con.
- Con ngã, con phải tự đứng dậy (nếu con có thể).
- Nếu con tự ngã, con khóc, con đau, con sẽ tự nín. Tuyệt đối không vì xót con mà đổ lỗi cho đồ vật, hoàn cảnh, hoặc bất kỳ ai.
- Khi con làm việc tốt, hãy khen ngợi con. Vì con luôn thích được khen ngợi. Đó là nguồn động lực để con lặp lại những việc làm tốt đẹp hơn ở lần sau.
- Tuy nhiên, không lãng phí lời khen vào những việc chưa xứng đáng. Có những việc con "cần làm", thì đó là điều hiển nhiên. Có thể động viên con đã làm đúng. Nhưng đừng ca ngợi bé quá giỏi giang.
- Thứ gì không phải của mình thì không được chạm vào khi chưa được cho phép.
- Làm người cần biết chia sẻ. Luôn nhắc nhở con chia sẻ cho bạn bè, những món ăn ngon hoặc đồ chơi mà con có. Tuy nhiên, nhắc con chơi xong cần mang đồ chơi về đúng chỗ. Vì bố mẹ rất vất vả để mua nó cho con.
- Không dạy con đánh nhau. Hãy dạy con dung hoà mọi thứ. Bạn cắn con, dạy con nói: "Đừng cắn Bìn, Bìn buồn, Bìn đau lắm!". Bìn không được đánh lại bạn, Bìn cần nói với ông bà bố mẹ.
- Con có thể tự vệ, nhưng không được phép gây chiến.
- Không sai, không xấu hổ. Nếu sai cần nhận lỗi và xin lỗi.
Dạy con là cả một quá trình mà sự kiên nhẫn của cha mẹ gần như quyết định mọi thứ! Bé nào cũng ngang bướng, cũng khóc, cũng phản kháng. Nhưng đã dạy dỗ thì cần nhất quán. Đầu hàng với bé, bé sẽ không nghe lần sau nữa. Khi bố mẹ dạy, ông bà không can thiệp. Rất cần sự ủng hộ của cả gia đình trong việc uốn nắn một em bé.
Ai cũng yêu thương con mình cả. Nhưng dạy con là dạy cả mình nữa. Là bố mẹ, bạn đừng dạy con mình làm tổn thương người khác. Tất cả những đứa trẻ, đều như một tờ giấy trắng, đừng vì thương con mà dạy con ích kỷ, đừng dạy con đánh người. Một cái cây có thể tự lớn, nhưng để ra dáng đẹp, cũng cần uốn nắn nhiều.
Chuyện bên lề: "Con bạn là cục vàng, còn con người khác thì sao?".
Hôm trước, mình đưa Bìn đi chơi nhà bóng. Có một bé trai trạc tuổi Bìn, đã đẩy và đánh không cho Bìn chơi. Mình và mẹ bé đều ở đó, bố Bìn lúc ấy đang đi toilet. Bìn sợ hãi đòi ra khỏi nhà banh và ôm lấy mẹ.
Cậu bé kia cũng chạy ra phía mẹ mình. Bà mẹ đó ôm con và nói: "Giỏi lắm con!". Mình không hiểu điều gì đang xảy ra, chỉ biết rằng khi đó mình đang cực kỳ tức giận. Nhưng mình chỉ ôm con bỏ đi và không phản ứng gì cả. Con chị ấy là con trai. Khi bé bắt nạt em bé nhỏ hơn, chị ấy khen giỏi. Chị ấy vui vì con chị ấy đẩy người khác để "chiếm trọn địa bàn" mà mọi đứa trẻ đều phải trả tiền mỗi lần chơi.
Hôm đó, Bìn rất sợ. Mình không gây gổ. Vì mình không muốn con nhìn thấy cảnh mẹ to tiếng ở giữa chốn đông người. Mình không nói mình biết cách dạy con, vì mình mới mang thai bé thứ 2 thôi. Mỗi lần mình phàn nàn điều gì trên Facebook, thì có người chửi mình: "Mày tưởng con mày là nhất chắc!".
Không, mình chưa bao giờ nghĩ thế, mình cũng không muốn con cái mình nghĩ vậy. Nhưng chúng ta là người lớn, cư xử sao cho con cái noi gương, chứ đừng thô lỗ, cục cằn, côn đồ, xấu tính. Mình không phê phán những đứa trẻ. Mình cũng bị tổn thương khi ai đó làm con mình đau. Bé đi học rất hay bị bạn cắn. Bé cũng đẩy lại bạn. Mình không bao giờ dạy con là bạn cắn con thì con đánh lại. Mình còn nói bé đẩy bạn là sai.
Nhưng không có nghĩa một mình mình dạy, còn con bạn, bạn để đó cho cắn con mình hoài. Mình không dám nhận mình hay, nhưng dạy con đánh bạn là sai, là không đúng. Không nên bỏ qua những lỗi nhỏ. Vì nó có thể là nguyên nhân cho những lỗi lớn hơn sau đó.
Trẻ con, chưa hiểu chuyện, không thể tránh khỏi xung đột. Bìn cũng có những tính xấu, mình chưa bao giờ cổ xuý. Vậy nên, làm cha làm mẹ, thương con, nhưng cũng nên giúp nhau, dạy dỗ con. Quan điểm sống khác nhau, cách dạy dỗ con cái cũng sẽ không giống nhau. Bố mẹ có thể phung phí cả cuộc đời, nhưng quyết tâm không để đời con bị ảnh hưởng.
Chúng ta hy vọng mọi điều tốt đẹp tới những đứa trẻ. Đó là điểm chung kết nối chúng ta, những người làm cha làm mẹ. Yêu con bằng tình mẹ, dạy con bằng tình người. Đối với mình mà nói, giỏi giang thế nào cũng không sánh bằng nhân ái!