Nếu bạn biết rằng 46% số người được hỏi (trong tổng số hơn 500 phiếu khảo sát) đã thừa nhận rằng: “Điều khiến họ dễ mỉm cười nhất trong cuộc sống hàng ngày đó chính là khi nhìn thấy nụ cười của người khác” thì bạn sẽ hiểu mức độ quan trọng của những nụ cười.
Cuộc sống sẽ tràn ngập nụ cười nếu chính bạn mỉm cười và ngay sau đó... là những nụ cười phiên bản mới. Bạn Lưu Minh Ngọc, lớp Lịch sử Đảng K25 Học viện Báo chí và Tuyên truyền, thì cho rằng: "Mỉm cười là phản xạ của tôi mỗi khi nhìn thấy ai đó cười với mình”.
33% những người được hỏi cho rằng: chính những lời khen, những lời khích lệ của người khác đã là lý do khiến họ dễ nở nụ cười. Điều này còn được rất nhiều nhà khoa học khẳng định khi nghiên cứu về nụ cười.
Ngay cả nhà văn Mỹ Mark Twain cũng đồng ý với bạn về điều này. Ông cho rằng: “Một lời khích lệ có thể giúp tôi vui sống được 2 tháng”. Bạn Phan Trà My (ĐH Kinh tế quốc dân HN) còn chú thích kỹ càng rằng: “Tuổi trẻ lại rất cần được khích lệ để sống lạc quan và vui vẻ. Một lời khích lệ tương đương với 30.000 đồng đổ xăng để bạn đủ nhiên liệu để vui tươi trong vòng 1 tuần”.
10% những người được hỏi cho rằng: trong cuộc sống hàng ngày họ thường mỉm cười khi gặp một chuyện vui hoặc đơn giản là nghe một câu chuyện hài hước, xem một flash dí dỏm.
Những lý do để mỉm cười trong một ngày của các bạn tham gia trả lời phiếu khảo sát cũng khá đặc biệt. Lê Huyền Trang (Khoa Anh, ĐH Ngoại ngữ HN) thì nắn nót rằng: “Điều khiến tôi dễ mỉm cười nhất là khi nghĩ về tương lai và... ngắm mình trong gương”. Nguyễn Tuấn Tú, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng có chung ý tưởng: “Mỉm cười khi nghĩ về những ý định táo bạo của mình trong tương lai”.
Lê Thị Thuý Bình (ĐH Sư phạm HN) mỉm cười khi “nhận được điện thoại và tin nhắn của người mình mong gặp”. Nguyễn Thị Phương Chi “mỉm cười mỗi khi nhìn thấy trẻ nhỏ” và Trần Văn Khiêm "mỉm cười mỗi khi nhận được một hình mặt cười từ Yahoo Messenger”...
Thay đổi cuộc sống bằng những nụ cười
100% những người được hỏi đều thừa nhận vai trò quan trọng của nụ cười trong cuộc sống. Thế nhưng không hẳn ai cũng có thể hình dung sự quan trọng đó cụ thể như thế nào.
Hiệp hội Ung thư của Mỹ từng có một công trình lớn nghiên cứu về hiện tượng 15% số bệnh nhân mắc bệnh ung thư đã khỏi bệnh. Một trong những nguyên nhân đem đến sự kỳ diệu này là một phương pháp sống lạc quan, vui vẻ. 15% số người này đều có tính cách cởi mở, áp dụng liệu pháp lạc quan về tinh thần cho căn bệnh bị cho là hiểm nghèo của mình.
Nhiều bệnh viện trên thế giới đã áp dụng trị liệu bằng cười như một loại thuốc làm giảm đau đớn, lo âu ở các bệnh nhân ung thư. Đặc biệt ở Ấn Độ, bác sĩ Kataria đã khởi xướng và thành lập hàng trăm CLB Cười. Mạng lưới các CLB này đang mở rộng sang nhiều nước. Nếu bạn chịu khó chú ý đến các slogan của SV viết trên giấy dán tường KTX, trong phòng học hay... trên mặt bàn sẽ thấy SV chúng ta chấm điểm cho một cuộc sống lạc quan cao đến thế nào.
Phạm Thị Vân viết lại slogan có trên giấy dán tường KTX của mình rằng: “Sứ mệnh của bạn trong cuộc đời không phải là trốn tránh hết mọi vấn đề, mục đích của bạn là phải làm cho mình phấn chấn lên”. Thật ra, những người trẻ là những người dễ cảm thấy ưu phiền và lo lắng trước mỗi tình huống xấu trong cuộc sống nhưng chính bản thân họ lại là đối tượng trở về với cuộc sống lạc quan nhanh nhất.
Giáo sư tâm lý học Howard Friedman tại trường ĐH California trong dự án nghiên cứu của mình có đưa một kết luận: “Người sống lạc quan sẽ sống lâu hơn những người hay lo âu. Bởi sống lạc quan sẽ kéo con người ra khỏi tình trạng stress, không bị huyết áp cao, ngăn ngừa đột quỵ và bệnh về tim mạch”.
Bộ sưu tập những niềm vui trong cuộc sống
45% SV tham gia phiếu khảo sát thông tin của SVVN đều tự nhận “mình là người lạc quan”. Rất nhiều người tham gia cuộc chơi này đã phải tranh thủ các khoảng trống trong phiếu hỏi để ghi lại những chuyện vui đặc biệt trong thời gian qua của mình. Sự thật là những điều đơn giản nhất của cuộc sống cũng có thể mang lại cho bạn niềm vui, sự lạc quan và tin tưởng.
Với SV năm thứ 1 chuyện vui nhất trong năm của họ là: trúng tuyển ĐH. Với SV năm 2-3: chuyện vui nhất đôi khi là 50.000 đồng có được sau ngày làm thêm đầu tiên, đọc một quyển sách hay, được điểm cao trong môn học mình yêu thích hay cưa đổ một... cô bạn gái. Nếu bạn có ý định đi sưu tập các niềm vui trong cuộc sống thì dường như đó là một việc quá khổng lồ.
Điều quan trọng là chúng ta phải có được kỹ năng tạo ra được những niềm vui trong cuộc sống, áp dụng một phương pháp sống khoa học. Trong tổng số phiếu thu thập thông tin thì có đến 40% người trả lời chung chung cho câu hỏi “Bạn đã làm gì để cuộc sống của mình lạc quan vui vẻ”.
Dường như kỹ năng chia sẻ cũng là một điều còn yếu với các bạn SV. Mặc dù thế giới của Internet đã là một kênh đồ sộ để chúng ta có thể chia sẻ những niềm vui, hay khó khăn trong cuộc sống. Có đến 81% người tham gia trả lời phiếu thu thập thông tin đều tìm đến bạn bè để chia sẻ những niềm vui nỗi buồn trong cuộc sống. Có không nhiều những người lựa chọn bố mẹ, thầy cô để chia sẻ.
Xem những chương trình giải trí, đọc truyện cười, chat với bạn bè, tập thể dục đều đặn... và luôn luôn suy nghĩ tích cực dường như là biện pháp mà đa số các bạn trẻ đang áp dụng để hình thành một phương pháp sống lạc quan. Thế nhưng một việc đơn giản và nhỏ nhất ai cũng có thể làm là: nở một nụ cười. Đó là khi cùng một lúc có ít nhất 15 bộ phận cơ trên mặt của chúng ta cùng hoạt động. 15 bộ phận cơ cùng được huy động cho việc cử động của môi và mắt. Nếu bạn chỉ mỉm cười thì chỉ là cử động của đôi môi và sự co giãn của cơ gò má lớn. Nhưng nếu bạn phá lên cười, nếu đó là nụ cười sảng khoái và hạnh phúc thì nó không chỉ là hoạt động của cơ mặt mà còn là bài tập thể dục của cơ bụng, cơ vai và nhiều cơ quan khác.
(Theo Sinh Viên)