Vĩnh Long đón du khách với vẻ hoành tráng và thơ mộng của cây cầu Mỹ Thuận, những vườn trái cây sai quả, sông Tiền hiền hòa, những ngôi chùa cổ kính, thâm nghiêm.
Thời điểm lý tưởng
Bạn có thể đến Vĩnh Long bất kỳ thời điểm nào, mùa hè thì có những vườn trái cây sai quả, mùa xuân thì thời tiết mát mẻ, dễ chịu.
Chuẩn bị
- Bất kỳ trang phục nào bạn thích. Nhưng nếu tính đến việc di chuyển nhiều, nên mang quần áo gọn gàng, giày, dép bệt.
- Mang dụng cụ chống nắng nếu đến vào mùa nắng và dụng cụ đi mưa nếu đến vào mùa mưa.
- Mang theo kem chống muỗi và thuốc trị côn trùng.
- Mang lều, áo khoác, nồi nếu có ý định cắm trại.
Di chuyển
Bằng phương tiện công cộng
Bạn có thể mua vé tuyến xe Sài Gòn - Vĩnh Long ở bến xe miền Tây, liên hệ đặt vé ở các hãng xe chất lượng cao như Mai Linh, Phương Trang… Giá vé từ 90.000 đến 150.000 đồng tùy hãng. Thời gian di chuyển mất khoảng 2-3 tiếng.
Bên cạnh đó, bạn có thể mua tour trong ngày hoặc qua đêm của các công ty du lịch với mức giá từ 300.000 đến 400.000 đồng/người (bao gồm xe, ăn trưa, vé vào khu tham quan).
Bằng phương tiện cá nhân
Có nhiều hướng xuất phát từ TP HCM đi Vĩnh Long, song được nhiều phượt thủ lựa chọn nhất là từ vòng xoay Phú Lâm và cao tốc Trung Lương (đến ngã ba Trung Lương thì đi qua cầu Rạch Miễu đi Tiền Giang - Bến Tre; qua cầu Mỹ Thuận đi Tiền Giang - Vĩnh Long.
Lịch trình tham khảo cho một chuyến du lịch một ngày một đêm ở Vĩnh Long
- 10h sáng đến trang trại Vinh Sang hay cù lao An Bình, nghỉ ngơi, dùng cơm trưa, ngủ một giấc.
- 14h thưởng thức đàn ca tài tử, thăm quan trang trại (cù lao), trải nghiệm điểm thú vị của nơi đây (đạp xe, chèo xuồng, câu cá, tắm sông...). Nếu thích, có thể rút ngắn thời gian ở đây để tranh thủ tham quan các ngôi chùa.
- 17h về khách sạn, nhận phòng. Sau đó ăn tối, lang thang khám phá Vĩnh Long về đêm. Sáng hôm sau bắt xe về TP HCM sớm.
Địa điểm vui chơi
Trang trại Vinh Sang và cù lao An Bình
Du lịch sinh thái của Tiền Giang gắn với hai cái tên nổi bật là trang trại Vinh Sang và cù lao An Bình. Điểm chung của hai địa danh này là bạn sẽ có dịp “hóa thân” thành nông dân tham gia bể mương tát cá, thưởng thức những món ăn đặc trưng sông nước, nghe đờn ca tài tử, thả mình trên võng ngủ một giấc thật sâu trong cái yên bình của vùng quê. Bên cạnh đó, nếu đến vào mùa hè, bạn sẽ được tự do khám phá hàng loạt trái cây ngon trong vườn.
Được trang bị và đầu tư kỹ hơn, nên kiến trúc hạ tầng của trang trại Vinh Sang tốt hơn, cũng như có nhiều loại hình để bạn vui chơi, thư giãn hơn như cưỡi đà điểu, câu cá sấu, chèo thuyền, giăng lưới… Trong khi đó, cù lao An Bình lại “chiều” du khách với không gian làng quê đúng nghĩa cùng vài điểm nhấn thú vị là vườn cảnh Bonsai của ông Sáu Giáo với hàng trăm loại cây cảnh; nhà sàn ông Mười Ðầy, ngôi nhà sàn cất bằng gỗ trên rạch Ninh Hoà, nhà ông Hai Hoàng được xây cất theo kiến trúc Pháp...
Văn Thánh miếu
Văn Thánh miếu, một trong những văn miếu hiếm hoi của đồng bằng sông Cửu Long đươc xây dựng từ năm 1864, thờ Khổng Tử. Nơi đây còn có 3 ngôi chùa được xếp vào nhóm du lịch tín ngưỡng của các du khách thích chiêm bái và vãn cảnh là Chùa cổ Long An (chùa Đồng Đế) được xây dựng hơn hai thập kỷ trước. Chùa Tiên Châu với bộ giàn trò bằng gỗ quý, tượng Phật Di Đà bằng đất sét lớn.
Chùa Tiên Châu
Chùa nằm trên cù lao An Bình thuộc xã An Bình, huyện Long Hồ, đối diện với thị xã Vĩnh Long, bên kia bờ sông Cổ Chiên. Chùa Tiên Châu do Hoà thượng Đức Hội lập vào khoảng thế kỷ 19 trên một khu đất rộng, thoáng mát. Chùa còn có tên là chùa Di - Đà hay Tô Châu.
Cầu Mỹ Thuận
Bên cạnh các loại hình du lịch này, Tiền Giang cũng thu hút du khách với cầu Mỹ Thuận rực rỡ trong các đêm cuối tuần hay khi có lễ hội với hệ thống đèn laze ấn tượng; hành trình len lỏi trong những con rạch bé xíu trên những con thuyền bé không kém, những buổi tắm sông thú vị, ghé thăm xưởng sản xuất kẹo dừa, thăm quan làng ghề làm gốm đỏ...
Nghỉ ngơi
Có 3 phương án để qua đêm ở Vĩnh Long là cắm trại, ngủ nhờ nhà dân và thuê phòng. Mỗi phương án đều có ưu khuyết và tùy vào sở thích, số lượng người, độ tuổi… để quyết định. Nếu chọn thuê phòng, để thuận tiện thăm quan, nên chọn các khách sạn trên các tuyến đường trung tâm của thành phố Vĩnh Long như 3/2, Trưng Nữ Vương, Lê Lợi, Nguyễn Thị Út, Hưng Đạo Vương... Ngoài ra, bạn cũng có thể chọn đặt phòng ở những khách sạn ổn với dân du lịch bụi như khách sạn Thái Bình, nhà khách Thanh Bình, nhà nghỉ Bình Lư... Lưu ý đặt phòng trước khi đến.
Ăn uống
- Bánh xèo: gần ngã ba Chiều Tím.
- Khu du lịch vườn bên Cồn, ăn cá tai tượng chiên xù tuyệt cú mèo.
- Quán "Chiều Chiều" đi đường một chiều, qua Cầu Cái Cá 200 m rẽ trái vào ngõ 50 m, quán bên trái. Phá lấu lòng heo, bắp bò, nước dùng là nước cơm mẻ, ngon tuyệt vời luôn. Nhất là với dân nhậu.
- Phở Sài Gòn, đường Phạm Thái Bường, qua cầu khoảng 40 m rẽ phải vào 30 m bên phải.
- Nhà hàng Thiên Tân (đường Phạm Thái Bường, gần đài Truyền hình Vĩnh Long). Với các món: đậu hũ sữa, bông bí chiên, veo giả cầy, chuột quay lu, lẩu nấm...
- Lẩu gà nòi: kế bên sân vận động.
- Đường Phạm Thái Bường (phường 4) có quán Duy Tân, Phố Biển... và vô số các quán nhậu khác (cứ vào thoải mái, không lo bị chặt chém).
- Cơm trưa: Quán Tân Tân, nằm trên đường Trưng Vương (gần bờ sông, bên hông bệnh viện cũ). Đặc biệt món cá Trèn chiên giòn.
- Quán Nguyễn Thành (nhà thầy Thành) bên cạnh trường Lê Văn Lương ăn ngon, rẻ, khoảng 20.000 đồng/đĩa cơm.
- Cơm An Bình (cũ) đối diện phòng khám Loan Trâm ăn cũng ngon được.
- Quán cơm 12 ở phường 1, gần cầu Thiềng Đức, rất ngon, thịt nướng vừa ăn (chỉ bán buổi sáng).
- Hội quán Sài Gòn thì đồ ăn cực ngon và rẻ.
- Quán lẩu dê Phương Nam ở phường 8, quán thịt chó ở ngã 3 Chiều Tím, hoặc thịt thỏ trên đường Phó Cơ Điều, lẩu gà nòi ở phường 2 (đường sân vận động đó - vào bên trong luôn).
Đặc sản mua về
Ngoài hàng loạt loại trái cây, những món bạn không nên bỏ qua ở đây là tôm càng xanh, bánh tráng nem, cá cháy, trái thanh trà…
Hà Đan tổng hợp