Chủ nhật gần đây, Ubon Yu (sinh viên tỉnh Hồ Nam) vội vã bắt chuyến tàu lúc 12h30 đến Quảng Châu (tỉnh Quảng Đông) du lịch. Anh kiểm tra lần lượt các ghi chú về chuyến đi trên điện thoại, thực hiện một số thay đổi phút chót cho lịch trình hai ngày. "Tôi muốn check in tất cả điểm tham quan và thử đồ ăn Quảng Châu trong khoảng thời gian ngắn", chàng trai 22 tuổi nói. Anh tính toán sao cho trong 48h có thể đến 20 danh lam thắng cảnh.
Đây là xu hướng du lịch vừa xuất hiện của gen Z, phổ biến đối với sinh viên đại học mà truyền thông Trung Quốc đã đặt một thuật ngữ mới là "du lịch quân đội" (military-style travel). Mục tiêu của chuyến đi là trong thời gian hạn hẹp, càng đến nhiều địa điểm "hot" càng tốt. Do đó, du khách cần lên kế hoạch với độ chính xác như trong quân ngũ. Đa phần người "du lịch quân đội" đều coi đây là thử thách và thấy hạnh phúc sau khi hoàn thành lịch trình như mong muốn.
Tuy nhiên, một số người gọi nó là kiểu "du lịch hành xác" vì đôi lúc bạn cảm thấy gần như kiệt quệ, do phải di chuyển quá nhiều trong thời gian ngắn hoặc mệt mỏi sau mỗi chuyến đi.
Sau ba năm chịu các đợt phong tỏa căng thẳng do Covid-19, gen Z Trung Quốc đang rất muốn dành những ngày cuối tuần và kỳ nghỉ ngắn để thăm thú càng nhiều điểm tham quan, nếm càng nhiều đồ ăn càng tốt. Và chuyến đi thường với ngân sách eo hẹp. Để đạt được những điều này, du khách cần lập kế hoạch chặt chẽ, đồng thời có kỹ năng thực hiện tuyệt vời và ý chí mạnh mẽ.
Yu cho biết lịch học tương đối linh hoạt nên có thể dành những ngày cuối tuần đến các thành phố lân cận. "Hầu hết chúng tôi khởi hành chiều thứ Sáu, ngủ trên tàu qua đêm và bắt đầu chuyến đi ngay khi đến nơi", anh kể và nhấn mạnh kỷ luật tự giác là "chìa khóa thành công của chuyến đi". Ngay cả khi đi ngủ muộn đêm hôm trước, hôm sau anh vẫn dậy lúc 9h để hoàn thành "nhiệm vụ". Chuyến trở về cũng vào ban đêm, tối Chủ nhật, vừa tiết kiệm tiền khách sạn vừa không bỏ lỡ lớp học sáng hôm sau.
Dữ liệu du lịch cho thấy Tết Thanh minh năm nay, 62% du khách Trung Quốc dưới 23 tuổi chọn hành trình vào ban đêm. 30% trong số họ đến thăm hơn bốn danh lam thắng cảnh trong một ngày. "Chúng ta đã lãng phí ba năm vì Covid-19. Tôi muốn đi du lịch nhiều hơn ở Trung Quốc, khi vẫn còn sức lực và thời gian", Yu nói. Vì vậy, từ khi các hạn chế đi lại được nới lỏng đầu tháng 1/2023, anh đã "du lịch quân đội" đến các thành phố như Vũ Hán, Quế Lâm và Quảng Châu. Mỗi chuyến đi kéo dài tối đa ba ngày.
"Đó là cuộc chạy đua với thời gian", Yu nói, đồng thời thêm rằng chuyến đi như thử thách bước ra khỏi vùng an toàn. "Tôi cảm thấy mệt mỏi về thể chất nhưng tinh thần sảng khoái hơn". Sau chuyến du lịch Quảng Châu, Yu chia sẻ hành trình, kinh nghiệm lên mạng xã hội. Nhiều người trẻ đã bắt kịp xu hướng này.
Trong khi đó, Zhao Yu, sinh viên năm cuối ở Trịnh Châu (tỉnh Hà Nam), quyết định làm điều gì đó thật "điên rồ". Anh đến 4 thành phố trong 5 ngày vào cuối tháng Ba. Đầu tháng Tư, anh tiếp tục đến 4 thành phố khác, cũng trong 5 ngày. Mỗi chuyến đi tốn khoảng 1.700 nhân dân tệ (khoảng 5,7 triệu đồng) bao gồm tiền di chuyển và chỗ ở.
Zhao kể sau khi nhìn thấy xu hướng du lịch này trên douyin (Tiktok Trung Quốc), anh quyết định thực hiện và muốn thử lúc còn rảnh, trước khi bắt đầu kỳ thực tập tháng tới. "Tôi không cảm thấy mệt mỏi. Tôi muốn thử thách giới hạn của mình", anh nói và cho biết muốn bù đắp việc không thể du lịch suốt đại dịch. "Đây có thể là cơ hội duy nhất mà tôi đi du lịch được như vậy vì sợ rằng mình sẽ không có thời gian thực hiện lần nữa trong tương lai", anh nói thêm.
Chàng trai 23 tuổi cho biết dù chuyến đi rất ngắn và hiếm khi được nghỉ ngơi, anh vẫn muốn tiếp tục đến nhiều điểm hấp dẫn hơn. Anh cảm thấy có động lực mỗi khi hoàn thành chuyến đi. Sau ba năm bị hạn chế bởi Covid-19, có thể kiên trì làm một việc gì đó và đạt mục tiêu mang lại cho anh cảm giác có thành tựu. "Điều này làm cho cuộc sống của tôi ý nghĩa hơn", anh nói.
Diệp Tử (theo SCMP)