![]() |
Ông Riệu say sưa kể về 'người bạn vong niên' cửa Ô của ông. |
Người đàn ông mới hơn 60 tuổi mà đã móm mém, lụ khụ trong chiếc áo len đỏ đậm chậm rãi rót từng chén trà nóng cho khách bên quán nước nhỏ gần Ô Quan Chưởng. Với người dân khu này, ông là một trong số những "chứng nhân lịch sử" của tất cả những gì liên quan tới cổng Ô. Ký ức về chiếc cổng này được xem là gia tài của ông. Sống tới hơn nửa đời người với ba lần chứng kiến cổng Ô được làm mới trước, đến lần này, ông Riệu không khỏi xót xa.
Ông Riệu tâm sự, cổng làng cũng như cổng của một ngôi nhà, khi đã cũ thì cần phải tu sửa. "Đa số mọi người đều muốn để nguyên trạng cửa ô nhưng càng rêu phong, cổ kính, Ô Quan Chưởng càng nhanh xuống cấp, có điều...", nhấp ngụm nước chè, ông lắc đầu thong thả ".... làm mới quá".
Trong ký ức của "chứng nhân" này, cổng Ô ngày xưa là cửa thu thuế. Năm 1749, nhà Lê cho xây dựng cổng trên mặt đất cao bao bọc kinh thành Thăng Long. Cửa này trước đây có lính canh và được mở ra cho thương lái lên đóng thuế, hai bên có lối đi lại cho người dân vào trao đổi nông, lâm sản. Đường nét trang trí của cổng thanh thoát, rõ nét, mái cổng lợp bằng ngói ta và có hẳn một bộ sáu đao phía trên. Mặt tiền và phía sau cổng có cửa sổ hình lục giác, có cả chỗ phình ra hình mái vòm cho lính canh đứng.
![]() |
Bức ảnh Ô Quan Chưởng chụp từ phía Hàng Chiếu năm 1946 ông Riệu còn giữ lại được. |
Tuổi thơ của ông Riệu gắn bó với những lần leo lên cổng bắt, bẫy chim non, tối đến cùng bạn bè chơi trốn tìm, "lúc lên thì trèo nhưng khi xuống thì nhảy thụp từ trên xuống". Tới khi trưởng thành cũng chính ông là những người leo lên trang trí cho cổng trong những ngày lễ tết, hội hè. Tới giờ về già, ông Riệu là người duy nhất lên đây cúng khấn. Biết bao ký ức về cổng Ô còn rõ mồm một trong tâm trí ông, dẫu có nhắm mắt ông vẫn thuộc đường đi lối lại.
Ông Riệu cho biết thêm, từ lúc ông ở đây cho tới giờ, Ô Quan Chưởng đã trải qua bốn lần tu sửa. Lần thứ nhất vào khoảng những năm 60. "Lần đó, họ chặt cây mọc trên tường, cạo rêu, đến năm 1979 thì trát lại các khe hở, nứt. Năm 1992, người ta dỡ bỏ những gốc cây mọc trên tường, lát lại đường đi hai bên và có cọc cấm hai đầu không cho ô tô đi vào. Mới đây nhất vào tháng 10 năm nay", ông kể rành rọt từng con số, sự kiện. Lần trùng tu mới nhất ấy, cổng Ô được vá từng chỗ vỡ, được cạo, rửa sạch rồi xoa một lớp keo xi măng như "giả trát lại".
![]() |
Cổng Ô mới được trát lại. Ảnh: Hoàng Hà. |
Với con mắt của người từng làm ngành xây dựng, ông Riệu cho rằng lần sửa chữa mới đây không thay đổi hình dáng cổng nhưng không giữ được đường nét trước đây. Bộ đao trên mái không còn dáng cổ xưa, mái ngói ta giờ được trát phẳng, thô, cục mịch. Đang say sưa nói về cổng, như chợt ra điều gì, ông Riệu chạy lên nhà mang xuống một tấm cảnh chụp Ô Quan Chưởng năm 1946. Bức ảnh được phóng to và đặt trang trọng trong một khung ảnh kính. Trong ảnh, cổng Ô cổ kính, uy nghi, phía trước là những chiếc xe kéo tay quen thuộc một thời.
Nhắc tới việc sửa chữa di tích này, ông Riệu cho rằng nên tẩy rửa rêu trên cổng Ô nhưng đừng làm sạch quá hóa thành mới và nên có một tổ chuyên duy trì công việc này thay vì trát lại và làm mất đi đường nét, dáng dấp xưa. Theo ông, nên trùng tu để bảo vệ cửa Ô bởi nó là một di tích lịch sử còn tồn tại tới ngày nay để mọi người được biết đến.
Có cùng quan điểm như ông Riệu, nhiều gia đình sống gần Ô Quan Chưởng cho biết, để cổng tróc lở cũng không nên, việc trát lại là cần thiết cho sự tồn tại của cửa Ô. Tuy nhiên không ít người cho rằng việc làm mới Ô Quan Chưởng là điều "không thể chấp nhận được". Bà Thu có thâm niên bán bún ốc hơn 20 năm sát cổng này bức xúc: "Đang trăm tuổi giờ thành một tuổi. Xây lại rồi chẳng còn cổ kính, nét xưa nữa. Mọi thứ như mới và xấu hơn".
Bình Minh