Thứ tư, 25/9/2024, 00:05 (GMT+7)

Xóm Phao dưới chân cầu Long Biên tan hoang sau lũ

Hà NộiHai tuần sau bão Yagi, nhiều căn lều trong xóm trọ nghèo ven sông Hồng đã đổ sập hoàn toàn, gây thiệt hại về tài sản.

Lũ lụt do bão Yagi đã làm hư hỏng nhiều căn lều không thể phục hồi, khiến người dân xóm Phao (phường Phúc Xá, quận Ba Đình) nằm sâu trong bãi giữa sông Hồng, ngay dưới chân cầu Long Biên, không còn chỗ ở.

Đây là nơi cư trú của hàng chục hộ dân, sống trên những căn nhà phao đang neo đậu và hàng chục lều tạm dựng sát mép nước.

Cây cối đổ gãy, nhiều căn lều tạm bợ bị tốc mái, thậm chí sập hoàn toàn. Đồ đạc của người dân bị lũ cuốn trôi, những gì sót lại cũng bám đầy bùn đất, hư hỏng không còn sử dụng được.

Những căn nhà được xây dựng đơn sơ, với sàn nổi từ hàng chục thùng phi bằng sắt hoặc nhựa, bên trên là vách tôn hoặc được chắp vá bằng gỗ và bạt. Vì vậy, khi gió giật mạnh, những căn lều này dễ dàng bị đổ sập.

Nhiều đồ đạc sinh hoạt còn sót lại vẫn chưa kịp di dời. Quần áo của người dân bị ướt và dính bùn đất, phần lớn đều phải bỏ đi vì không thể sử dụng lại.

Anh Giang đã sống tại khu vực này được 24 năm, chia sẻ rằng dù từng trải qua nhiều trận ngập lụt, nhưng đây là lần thiệt hại nặng nề nhất.

'Gia đình tôi có ba người đã đi sơ tán, còn tôi ở lại để trông coi tài sản. Hiện nhà đã bị sập, mọi người vẫn chưa thể quay về, phải tạm trú tại nhà thuê, chi phí sinh hoạt nhờ vào sự hỗ trợ từ các tổ chức từ thiện. Tôi chưa thể sửa chữa nhà ngay, phải chờ trời khô ráo, ưu tiên khắc phục dưới thuyền trước rồi mới xử lý trên bờ. Dự kiến cần khoảng một tháng nữa mới ổn định lại', anh nói.

Ngồi thất thần bên căn nhà tạm bợ, làm từ những tấm ván cũ đã sập, người phụ nữ chia sẻ rằng bà phải sơ tán về quê ở huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) trong 5 ngày, rồi tiếp tục tạm trú tại một nhà nghỉ ở Linh Đàm, quận Hoàng Mai (Hà Nội) suốt một tuần. Nhiều năm qua, bà mưu sinh bằng nghề nhặt đồng nát. 'Suốt 30 năm sống ở đây, tôi đã chứng kiến nhiều đợt nước dâng cao, nhưng chưa bao giờ thiệt hại nặng nề như năm nay,' bà nói.

'Lũ dâng nhanh, người dân trở tay không kịp, dù may mắn thoát thân nhưng hầu hết đều mất trắng. Tài sản duy nhất cứu được là ba con chó. Đàn gà khoảng 40 con bị cuốn trôi, toàn bộ vườn hoa màu bị hư hỏng, ước tính thiệt hại từ 30-40 triệu đồng. Không biết đến bao giờ cuộc sống mới trở lại như trước', người đàn ông 70 tuổi, cho biết.

Bên trong một căn lều bị tốc mái hoàn toàn, đồ đạc đều bị hư hỏng. Tường nhà được dựng từ tấm ván gỗ ép bị gió bão làm đổ sập. Lớp bùn dày 8-10 cm phủ kín sàn nhà, nước vẫn còn đọng lại.

Đồ dùng sinh hoạt ngập trong lớp bùn dày đặc.

Từ khi lũ rút, nhiều hộ dân vẫn chưa trở lại sinh sống, đồ đạc vẫn còn ngổn ngang. Nhiều căn nhà phao bị tốc mái vẫn chưa được sửa chữa hay gia cố.

Lối vào những căn nhà phao làm bằng thanh sắt, nối cố định ở hai đầu, đã bị bung ra và rơi xuống nước.

Người đàn ông 50 tuổi tận dụng những mảnh vải, thanh gỗ và luồng cũ kỹ để dựng tạm nhà tắm. 'Thuyền và lưới đánh cá đã trôi mất, tôi vẫn chưa tìm lại được. Xe máy bị ngấm nước hư hỏng nhưng vẫn chưa có thời gian sửa chữa. Hiện tại, tôi tập trung khắc phục tình trạng dột và sửa lại mái gian nhà trên thuyền bị gió cuốn', ông chia sẻ.

Khi nước lũ rút, những món đồ sinh hoạt bám bùn thành từng tảng, chất đống ngổn ngang khắp các lối đi trong xóm.

Tùng Đinh

VnExpress mở chiến dịch "Cùng đồng bào vượt lũ" nhằm hỗ trợ người dân vượt lên nghịch cảnh thiên tai, tái thiết cuộc sống. Mọi đóng góp của bạn xin ủng hộ tại đây.

Đánh giá phiên bản mới