Thứ hai, 16/9/2024, 07:51 (GMT+7)

Người dân làng đào Nhật Tân 'mất trắng' sau trận lũ lịch sử

Hà NộiLũ sông Hồng dâng cao đã xóa sổ hàng chục hecta đào ở Nhật Tân (quận Tây Hồ) gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng mỗi vườn.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão Yagi, nước từ thượng lưu sông Hồng đổ về khiến mực nước hạ du lên nhanh, gây ngập lụt tại nhiều khu vực ven sông.

Tại làng đào Nhật Tân ven sông Hồng, dưới chân cầu Nhật Tân (phường Nhật Tân, quận Tây Hồ) sau khi nước rút để lại cảnh tượng hoang tàn.

Ở những khu vực trũng, vườn đào vẫn bị ngập trong nước lũ. Người dân cho biết, khi mực nước sông Hồng dâng cao, nước ngập từ 1,5 m đến hơn 2 m, khiến cây đào chìm đến tận ngọn.

Những cây đào sau nhiều ngày ngâm trong nước đã trụi hết lá, chỉ còn lại những cành khô héo và trơ trọi.

Khương Thị Lan (52 tuổi, chủ vườn đào) cho biết: 'Khi nước ngập, cảnh quan nhìn vẫn bình thường, nhưng khi nước rút, khung cảnh tan hoang khiến tôi sững sờ. Hầu như mấy đêm nay tôi không ngủ được, chỉ nghĩ cách cứu những gốc đào còn lại'.

Theo bà, trước khi bão Yagi đổ bộ, bà đã mua cọc để chống đỡ và buộc chặt từng cây đào, nhưng gió giật quá mạnh khiến mọi nỗ lực phòng chống trở nên vô ích. Vườn đào của bà Lan có chiều dài hơn 300 m, rộng 4-5 m, với 600 gốc đào các loại. Trận ngập đã khiến 90% số gốc đào bị chết, gây thiệt hại hơn 200 triệu đồng chỉ tính riêng doanh thu từ bán cành đào, chưa kể chi phí trồng và chăm sóc gốc mới thay thế.

'Không có điện, tôi phải dùng máy phát để bơm nước cứu gốc cây khỏi ngập úng. Hút nước suốt hai ngày nay vẫn chưa xong. Giờ chỉ mong trời nắng ráo để đất khô mới bắt tay cứu chữa', bà nói. Bà cũng cho biết, mỗi cây đào phải mất 2 - 3 năm chăm sóc mới có thể bán ra thị trường, do đó đợt ngập lụt này không chỉ ảnh hưởng kinh tế năm nay mà còn kéo dài vài năm sau.

Ngồi lặng lẽ một góc nhìn vườn đào đã chết đến 90%, bà Nguyễn Thị Hoa (66 tuổi, chủ vườn đào) bất lực khi nước vẫn còn ngập sâu. Vườn đào của bà rộng 6,5 m, dài 250 m, trồng 550 gốc đào loại dáng cong và tròn. Thiệt hại ước tính 250-300 triệu đồng.

'Bây giờ phải chờ đến tháng Giêng năm sau, khi đào ta được tiểu thương mang từ trên rừng về bán, tôi mới có thể bắt đầu trồng lại. Phải mất ba năm nữa mới có thể hưởng thành quả. Nước đã rút bớt vẫn ngập đến thắt lưng, khiến việc khắc phục gặp nhiều khó khăn', bà Hoa nói.

Vườn đào của nhà Hồng Dũng, bao gồm hai luống với hơn 400 cây đào bích và phai, dài gần 300 m, đã bị ngập sâu hơn 1,5 m. Thiệt hại ước tính từ 300 đến 400 triệu đồng. 'Hiện tại, chúng tôi phải chờ đất khô. Những cây nào còn khỏe có cơ hội hồi phục, trong khi số còn lại có nguy cơ chết đến 80%', chủ vườn cho biết.

Vườn đào rộng hơn 1.000 m² của bà Nguyễn Thị Liên (70 tuổi) với 300 cành đào cong và 10.000 cây hoa cúc đã chết khô hoàn toàn. 'Thiệt hại 100%, mỗi cành đào có giá từ 1,3 đến 1,7 triệu đồng. Hoa cúc đã được chăm sóc nhiều tháng, chuẩn bị trổ bông thì bị ngập lụt mất trắng', bà Liên nói.

Bà cho biết, từ giờ đến Tết, gia đình sẽ nhổ gốc đào chết và cải tạo đất để trồng lại cây mới. 'Tôi rất buồn vì quanh năm chỉ trông chờ vào thu hoạch đào để buôn bán dịp Tết. Nhiều tiểu thương cũng chỉ biết ngồi nhìn, không thể làm gì được và khóc', bà nói.

Người dân ở đây, vốn dựa vào việc trồng đào làm nguồn thu nhập chính, đang gặp nhiều khó khăn khi vụ Tết gần kề. Họ không chỉ mất trắng vụ thu hoạch mà còn phải gánh chịu chi phí mua cây giống mới, dọn dẹp vườn và mua phân bón.

Bèo trôi dạt chất thành đống, che lấp nhiều gốc đào phía dưới. Người dân cho biết, sẽ mất nhiều ngày để dọn sạch đống bèo này trước khi có thể bắt tay vào khôi phục vườn đào.

Vườn của Chu Đức Hạnh bị thiệt hại 250 gốc đào huyền, ước tính tổn thất khoảng 300 triệu đồng. 'Nhiều lúc tôi cảm thấy buồn và tiếc nuối, nhưng tự động viên mình rằng nhiều nơi cũng chịu mất mát nặng nề về người lẫn tài sản. Tuy thiệt hại 100% nhưng tôi vẫn có thể làm lại được', anh Hạnh nói.

Cách đó không xa, làng đào Phú Thượng (quận Tây Hồ) cũng trong tình trạng tương tự. Cảnh tượng hoang tàn với những gốc đào trụi lá và khô héo, khó có cơ hội phục hồi trong thời gian ngắn.

Tùng Đinh

VnExpress mở chiến dịch "Cùng đồng bào vượt lũ" nhằm hỗ trợ người dân vượt lên nghịch cảnh thiên tai, tái thiết cuộc sống. Mọi đóng góp của bạn xin ủng hộ tại đây.

Đánh giá phiên bản mới