Thứ năm, 20/7/2023, 00:00 (GMT+7)

Xóm đạo Hồi hơn 100 tuổi giữa trung tâm Sài Gòn

Tồn tại hơn 100 năm ở TP HCM, cộng đồng người theo đạo Hồi gốc Malaysia và Indonesia tại con hẻm 45 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1 vẫn duy trì phong tục, tập quán sinh hoạt riêng.

Thánh đường Hồi giáo Masjd Al Ra him tọa lạc tại số 45 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, được xây dựng vào năm 1885, có tuổi đời lâu nhất Sài Gòn và là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của cộng đồng người theo đạo.

Nằm cạnh thánh đường là con hẻm nhỏ cùng địa chỉ, với hơn 50 hộ dân cư trú. Họ chủ yếu là người Hồi giáo gốc Malaysia và Indonesia, di cư đến Sài Gòn lập nghiệp, sinh sống cách đây hơn 100 năm.

Hakim, 48 tuổi, đời thứ tư trong gia đình Hồi giáo sống ở khu vực này, chuyên dọn dẹp và trông coi thánh đường Masjd Al Ra him. Anh cho biết con hẻm 45 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1 là một trong những nơi có cộng đồng người đạo Hồi lâu năm của TP HCM.

"Ngày xưa, thời ông bà sang Việt Nam buôn bán và dần chọn Sài Gòn làm nơi sinh sống đến bây giờ", Hakim nói.

Theo phong tục của người Hồi giáo, trước khi vào làm lễ, nam tín đồ phải thanh tẩy cơ thể. Vì thế, ngay bên cạnh cửa ra vào có bể nước phục vụ cho nghi thức này.

"Trong lúc cầu nguyện, không ai được chạm vào nhau mà toàn tâm, toàn ý nghĩ đến Thượng đế (Allah)", Hakim cho biết.

Các tín đồ đến hành lễ 5 lần trong ngày vào các khung giờ quy định của đạo Hồi. Riêng thứ 6 là ngày cầu nguyện quan trọng nhất, các tín đồ nam tập trung ở thánh đường lớn cùng các vị giáo cả đứng lên đọc giáo lý Islam, nghe khuyên răn về việc chấp hành tôn giáo, pháp luật…

Theo phong tục, những ngày bình thường chỉ đàn ông mới được đến thánh đường hành lễ, còn phụ nữ thực hiện việc hành lễ tại nhà. Đến tháng Ramadan hàng năm, phụ nữ Hồi giáo mới được đến thánh đường hành lễ cầu nguyện.

"Khác với nam giới, phụ nữ Hồi giáo khi hành lễ cầu nguyện phải trùm khăn kín từ đầu đến chân, xá lạy liên tục và niệm thầm những bài kinh đã thuộc nằm lòng", ông Amath bin abou backare 61 tuổi - một người dân trong con hẻm nói.

Bà Som (áo xanh), người Hồi giáo gốc Indonesia đời thứ 4, sống tại con hẻm này cho biết, theo phong tục đạo Hồi, lễ Ramadan hàng năm là một trong những thánh lễ quan trọng và thiêng liêng nhất.

Trong tháng Ramadan, những tín đồ đã trưởng thành và khỏe mạnh không được ăn, uống, hút thuốc, động phòng, làm chảy máu và hạn chế lao động từ khi mặt trời mọc đến khi hành lễ xong buổi tối.

"Muốn ăn uống hay làm bất cứ việc gì đều phải thực hiện trước 6 giờ sáng và sau 6 giờ tối. Đúng 30 ngày khi thấy phía Tây có trăng non ló rạng, các tín đồ mới bắt đầu trở lại sinh hoạt ăn uống bình thường", người phụ nữ này nói.

Trẻ con trong xóm mặc đồ truyền thống của người Hồi giáo. Từ 14 tuổi, các em bắt đầu đến thánh đường làm lễ và thực hiện các quy định trong đạo Hồi.

Cộng đồng Hồi giáo ở con hẻm này vẫn giữ bản sắc văn hóa tín ngưỡng như mặc trang phục truyền thống. Phụ nữ trùm khăn che kín đầu dù ở trong nhà hay ra ngoài đường.

Các gia đình trong hẻm làm nhiều nghề nhưng chủ yếu buôn bán nhỏ lẻ. Nguyễn Thị Thanh Tuyền, 45 tuổi, bán hàng nước trước thánh đường Masjd Al Ra him cho biết, chồng là người Hồi giáo nên chị tự nguyện cải đạo.

"Mặc dù theo đạo Hồi, tôi cũng không nhất thiết phải trùm kín mặt khi ra đường. Những quy định về phụ nữ trong đạo Hồi dần cởi mở hơn", người phụ nữ gốc Bình Định nói.

Nằm cạnh con hẻm số 45, có nhiều hàng quán của cộng đồng người Hồi giáo không sử dụng thịt heo trong các món ăn.

Theo chủ quán, người Hồi giáo chỉ mua thực phẩm từ các tiệm có logo Halal, không sử dụng các món ăn làm từ thịt heo và nghiêm cấm sử dụng đồ uống có cồn như rượu, bia.

Ngoài khu vực quanh thánh đường Masjd Al Ra him, hiện cộng đồng người Hồi giáo còn sinh sống ở 15 khu vực thuộc các quận Bình Thạnh, Phú Nhuận, quận 1, quận 6, quận 8. Trong đó, cộng đồng người Chăm theo đạo Hồi chiếm đông nhất với khoảng 10.000 người. Mỗi khu vực là khu xóm sống quanh một thánh đường Hồi giáo (Masji Surau).

Bài & ảnh: Minh Tâm

Đánh giá phiên bản mới