19h, trung sĩ Trần Thanh Liêm từ tiểu đoàn đặc công bước vội lên con đò ngang trên dòng sông Mỹ Hòa để về nhà tại chùa Bồ Đề (Rạch Tra, ấp Mỹ Hưng II, Mỹ Hòa). Cả ngày hôm nay, Liêm như ngồi trên lửa khi thông tin dồn dập từ bên nhà. Đầu tiên, người cậu ruột tên Nguyễn Văn Mười, 35 tuổi, bị thương trong đống sắt chiếc cầu sập. Tiếp nữa, hai người anh họ: Nguyễn Văn Thanh (25 tuổi) và Bùi Văn Thông (35 tuổi) bị chết trong đống sắt vụn của nhịp cầu sập.
|
Sụp đổ khi hay tin người thân không về . |
Rồi về chiều, thông tin cuối: người chú ruột cũng không thoát khỏi tử thần. Họ có mặt trên nhịp cầu định mệnh của cái phút giây oan nghiệt trong buổi sáng 26/9.
Gấp những tấm áo, chiếc quần còn lành lặn của con trai, ông Lê Văn Mai (48 tuổi, ngụ ấp Mỹ Thới 1, xã Mỹ Hòa, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) như chết lặng. Mới sáng nay, trước khi lên công trường, con trai ông là anh Lê Văn Tấn (22 tuổi) còn nói: "Con làm chín ngày nữa là đủ tháng, lĩnh được lương tháng này con sẽ mua lá về sửa lại nhà”. Vậy mà chưa lĩnh được tháng lương đầu tiên, Tấn đã bỏ vợ chồng ông và ba đứa em ra đi mãi mãi.
![]() |
Bà Nguyễn Thị The (trái) đau đớn nghe tin con đã mất. |
Nhà ông Mai thuộc diện nghèo nhất xã, với chỉ một gian nhà lá thấp lè tè, ẩm ướt, hai bên vách nhà nhiều chỗ trống hoác vá chằng vá đụp bằng mấy tấm nilông. Nhà nghèo nên Tấn học võ vẽ dăm ba chữ thì nghỉ rồi theo cha đi làm thuê làm mướn. Cách đây hơn tháng, Tấn và cha còn lặn lội vào tận Đồng Tháp Mười gặt lúa mướn. Hết mùa gặt, Tấn về quê, ai thuê gì làm nấy. Thế rồi hay tin ngoài công trường xây dựng cầu Cần Thơ tuyển công nhân, từ ruộng vườn, Tấn cùng nhiều bạn bè trong ấp đến nộp đơn xin việc. Hôm nhận thông báo được tuyển vào làm công trường với lương tháng 1,5 triệu đồng, Tấn mừng như mở cờ trong bụng. Không ngờ niềm vui đó hóa ra lại là nỗi buồn đau vô tận, chỉ mới làm công nhân được 21 ngày, Tấn đã tử nạn.
Cách nhà anh Tấn độ 100m, chúng tôi ghé vào nhà chị Quỳnh Dao. Khi chúng tôi đến cũng là lúc cán bộ xã đến nhà báo tin thi thể của anh Trần Văn Hiền (37 tuổi), chồng chị Dao, đã được đưa về đến ủy ban xã cùng chín người tử nạn khác. Trong khi gia đình đang cuống cuồng cho người lên nhận thi thể anh về thì chị Dao ngất lịm, từ sáng đến giờ chị chết đi sống lại nhiều lần. Mỗi khi tỉnh lại, chị gào thét như người mất trí, thấy ai đứng cạnh chị cũng níu tay, níu áo hỏi như thét: "Chồng tôi đâu?". Hai đứa con bé bỏng của chị cũng ngồi khóc rũ rượi bên mẹ. Đứa con gái lớn Trần Thị Bảo Yến mới hơn 10 tuổi đầu, vừa khóc vừa an ủi: "Mẹ ơi, mẹ đừng khóc nữa. Cha ở bệnh viện, cha sẽ về mà”. Chừng hay tin cha đã chết, Yến cũng ngặt nghẽo khóc theo rồi gần như lịm đi.
![]() |
Canô cứu nạn. |
Tội nghiệp nhất là đứa con gái mới gần 3 tuổi đầu của anh Hiền, bé Trần Thị Ngọc Yến. Ngồi trong lòng chị gái, dường như tâm hồn thơ dại của em vẫn chưa cảm nhận được tai họa đã xảy ra với gia đình mình. Ở cái tuổi bập bẹ, ngọng nghịu gọi tiếng ba chưa tròn đó, làm sao bé Ngọc Yến có thể hiểu được rằng từ cái ngày định mệnh này, em sẽ mồ côi cha mãi mãi.
Khi hay tin dữ, bà Nguyễn Thị The (ở xóm chùa Bồ Đề) chết lặng người, miệng lẩm bẩm được vài lời: "Út ơi sao con bỏ mẹ lại. Út ơi...!". Phía trong buồng, chị Trần Thị Kim Ngọc (con dâu bà The) cũng gào lên gọi chồng, rồi ngất đi trong tuyệt vọng. Chị Ngọc và anh Huỳnh Văn Lực mới cưới nhau được 19 ngày. Đám cưới xong chừng mười hôm thì anh Lực xin đi làm công nhân xây dựng cầu Cần Thơ. Và rồi chiều 26/9, anh không về nữa...
Cạnh nhà bà The, chị Huỳnh Thị Hồng cũng ngồi thẫn thờ trước hiên nhà, trong dạ thấp thỏm bồn chồn đầy âu lo. Hễ thấy ai trong xóm đi ngang chị lại nói nhảm: "Chồng tôi sao rồi?". Hàng xóm cho biết chồng chị - anh Lê Văn Thạnh, mới đi làm công nhân xây dựng cầu Cần Thơ được có... hai ngày. Do gia đình khó khăn, không có tiền đóng tiền trường cho con, trong nhà cũng chẳng có của cải gì đáng giá, vậy là anh xin đi làm công nhân nhưng không ngờ... Đến chiều tối vẫn chưa có thông tin về anh Thạnh, mọi người cho biết anh Thạnh còn kẹt trong đống sắt thép đổ nát. "Lạy trời cho chồng tôi tai qua nạn khỏi. Ảnh còn nuôi gia đình, con cái học hành nữa. Ảnh mà có mệnh hệ nào thì mẹ con tôi chẳng biết sống ra sao!", chị Hồng gào lên.
Cụ bà Út Năm cùng chồng dắt díu tay nhau ra tận công trường dò hỏi tin con. Gặp anh công nhân nào cụ cũng hỏi: "Thằng Sáu đâu rồi con?". Dù không dám nghĩ anh công nhân Đỗ Văn Sáu, con các cụ, không còn hy vọng sống sót nhưng không ai dám trả lời. Thương hai cụ, người ta phải nói gạt rằng: "Anh Sáu không sao, anh Sáu đang cùng mấy anh em khác cứu người trong đó”.
Cụ hỏi riết, cụ đợi riết từ sáng tới tối vẫn không thấy anh Sáu trở về, cụ biết người ta đã nói gạt mình và rồi hai mái đầu già ôm nhau khóc nức nở. Anh Sáu không trở về, nghĩa là từ đây căn nhà lá bên chân cầu Cần Thơ sẽ chỉ còn hai vợ chồng già, một nàng dâu trẻ và một đứa con mồ côi cha.
Nhiều gia đình ở xã Mỹ Hòa chưa tìm được người thân cũng đang đợi chờ trong tuyệt vọng. Dù biết khả năng sống sót của người thân là mong manh nhưng tất cả họ đều không dám nghĩ rằng người thân mình đã chết. Ông Huỳnh Văn Hát (50 tuổi) vừa nhận thi thể con rể là anh Đặng Văn Bảy về lại tất tả chạy ra công trường để chờ tin đứa con trai tên Huỳnh Văn Thanh. Từ sáng đến giờ, ông đi rã cả giò từ công trường đến bệnh viện tìm tin con nhưng gần như vô vọng. Thấy ông gần như mất trí, nhiều người hàng xóm xúm lại an ủi: "Thằng Thanh nó vẫn còn sống, nó kẹt trong đó, mai người ta cưa sắt kéo nó ra thôi mà!". An ủi vậy để gieo vào lòng người cha khổ đau này chút hi vọng mong manh, bởi người ta không dám để cho ông tuyệt vọng trong lúc đớn đau cùng cực này.
Ông Huỳnh Văn Hát cứ ngồi im rồi bật lên thành tiếng khóc lặng cả người: "Tui như người khùng, thằng con rể chết, thằng con ruột còn nằm đâu đó trong đống sắt vụn ngoài kia. Thà tôi chết đi còn hơn!".
Trời tối sụp nhưng tin tức về người thân sống sót ngày càng vô vọng. Xóm chùa Bồ Đề vắng lặng, chìm trong không khí đau thương. Theo ông Trương Văn Lợt, Phó chủ tịch UBND xã Mỹ Hòa, do công trình nằm gần địa bàn xã nên có rất nhiều người dân xin đi làm công nhân xây cầu Cần Thơ, đông nhất là người dân ở xóm chùa Bồ Đề. "Số liệu những người thiệt mạng và còn trong đống đổ nát đến bây giờ chúng tôi chưa nắm được chính xác, nhưng qua sơ bộ có gần 20 người dân ở xóm chùa Bồ Đề chết và chưa biết tin tức", ông Lợt nói.
(Theo Tuổi Trẻ)