Cảnh chen chúc tại khu vực trước cổng đền Trần đêm 11/2. |
Bắt đầu 17-18h, dòng người từ khắp các tỉnh thành, đông nhất vẫn là Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định... đã đổ dồn về khu vực đền Trần, nằm ở ngoại vi thành phố Nam Định để dự lễ. Khoảng 21h, cả khu vực sân bãi kéo từ cửa đền Trần ra tận quốc lộ 10 (Ninh Bình-Thái Bình) đông nghẹt người và xe cộ.
Dọc tuyến đường 10, các tuyến đường ngang dẫn vào đền, gần 1.000 ô tô xếp hàng nối đuôi nhau thành dãy kéo dài gần 10km. Nhiều ô tô bị chủ bỏ mặc bên vệ đường, không người trông coi. Hơn 500 chiến sĩ cảnh sát và quân đội của tỉnh Nam Định được huy động để bảo vệ an ninh trật tự lễ hội.
Một hàng rào sắt được dựng sừng sững, chạy dài trước cổng đền để ngăn biển người kéo vào khu vực sân đền. Chỉ 1.500 khách có thẻ mới được vào sân đền. Nhiều người thuê chiếu nằm la liệt trước cổng. Khách thập phương đến đông, bọn trộm cắp được dịp hoành hành, những tiếng la hốt hoảng “mất điện thoại rồi”, “mất ví rồi”... liên tục cất lên.
Nam Định có hai lễ hội nổi tiếng: chợ Viềng chỉ họp trong một phiên và Lễ khai ấn đền Trần chỉ diễn ra trong một canh giờ. Chính vì vậy, một biển người chen nhau trên quãng đường dài trên 4km trước cửa đền.
Ông Nguyễn Viết Hưng, Chủ tịch UBND TP Nam Định cho biết, năm nay, lễ khai ấn đền Trần đón lượng khách đông gấp 1,5 lần so với năm ngoái, với khoảng 3-4 vạn người về dự.
Một quan chức khác của Nam Định thì khẳng định, dù tỉnh không phát giấy mời nhưng nhiều cơ quan, đơn vị ở khắp các tỉnh thành rất xa như Lai Châu, Yên Bái… vẫn về dự. Đông quá, nên nhiều khách, kể cả các VIP ở các bộ, ngành, các tỉnh, thành không thể lọt được vào khu sân đền. Sóng điện thoại di động thì bị tắc nghẽn. Bãi gửi xe cũng kín chỗ. Vào khoảng 23h, hàng trăm ô tô, xe máy không thể tìm được chỗ gửi. Giá vé giữ xe bị đẩy lên tới mức chóng mặt: 30.000- 40.000 đồng/ôtô, 10.000-20.000 đồng/xe máy.
Trước cửa đền, đúng vào giờ khai ấn, khách bắt đầu xô đẩy, chèn ép, dẫm đạp lên nhau đến ngạt thở. Lực lượng cảnh sát an ninh trật tự phải dàn hàng ngang để ngăn hỗn loạn…
Lễ khai ấn ở đền Trần có nhiều nét riêng. Thứ nhất, lễ chính thức mỗi năm chỉ diễn ra trong 1 canh, đúng vào “nửa đêm, giờ tí” ngày 14 tháng Giêng. Thứ hai, người về dự đi ô tô ngày càng nhiều hơn. Thứ ba, những người đi khai lễ, xin ấn ngày càng “lịch sự” hơn với những complet, cà vạt, mũ phớt, bút cài túi ngực...
Đúng nửa đêm 14 tháng Giêng, lễ ban ấn được Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định chủ sự. Trong sân đền, khoảng 1.500 cán bộ, công chức thuộc loại “đặc biệt”, được ưu tiên, đứng chen vai thích cánh, khẩn khoản, hồi hộp chờ xin tấm ấn đã được “nhà đền” chuẩn bị trước đó.
Trở ra, ai cũng hồ hởi nâng niu tấm ấn bằng lụa vàng hay giấy vàng, triện đỏ trong tay như một báu vật! Cùng lúc, hàng vạn người dân bên ngoài cũng xô đẩy, chen chúc nhau ập vào đền, xin ấn. Ấn giấy 2.000 đồng. Ấn lụa 20.000 đồng. Nhiều người chân yếu sức mọn, xếp hàng, chờ chực tới tận 3-4 giờ sáng, vẫn chưa đến lượt, vì ấn của “nhà đền” chỉ có hạn.
Năm nay, số lượng cán bộ, công chức, doanh nhân có thể chiếm tới hơn 40% tổng số khách về xin ấn. Rút kinh nghiệm năm trước, năm nay nhiều cán bộ, công chức (nhờ các mối quan hệ của mình) đã về xin ấn từ sáng ngày 11/2 (chứ không chờ đến giờ khai ấn). Vì vậy, khoảng 18h, ô tô đã đỗ chật trong sân trụ sở các cơ quan của tỉnh Nam Định và sân nhà dân trong khu vực đền Trần.
Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần chỉ thị cấm sử dụng xe công đi lễ chùa nhưng chỉ qua lễ khai ấn ở đền Trần năm nay, có thể nói rằng, nhiều công chức vẫn chưa chấp hành nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng. Khi hỏi, một lái xe công ở Yên Bái nại rằng, anh ta đưa “sếp” đi thăm người ốm chứ không vào đền. Còn tại bãi đỗ, nhiều xe công được che kín biển số bằng giấy báo.
(Theo Sài Gòn Giải Phóng)