Chớm hè là lúc các vườn vải phía Bắc rục rịch vào mùa, trong đó có vườn vải lâu năm ở thôn Thượng Xá, xã Quỳnh Minh, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình. Khoảng giữa tháng 5, những cây vải ở đây chín dần, trĩu quả và hoa dại nở rộ tạo nên khung cảnh đẹp mơ màng. Nguyễn Trọng Cung (Thái Bình) cho biết anh đã ba năm liên tiếp vào các vườn vải ở quê để chụp ảnh. Năm nay cũng vậy, tranh thủ lúc vải đang chín, anh liền xách máy ảnh 'lăn lộn' trong vườn vải cả tuần không chán. Cung ghé một vườn trồng vải u trứng, giống vải khi chín có trái to gần bằng quả trứng gà. Cơm vải căng mọng, ngọt đượm được nhiều người ưa chuộng. Các vườn trồng vải thiều sẽ chín muộn hơn vườn vải u trứng một chút. Vườn vải này nằm cạnh một con sông nhỏ. Có những cây cành sà xuống sông, nông dân phải leo lên cao để chăm sóc hay thu hoạch. Vải được trồng thành từng hàng thẳng tắp, chừa lối mòn ở giữa để nông dân đi lại trông coi. Thông thường, khoảng 22/5 vải sẽ chín đều. Do đó thời gian chụp ảnh đẹp là khoảng 2-3 tuần sau khi vải chín. Trọng Cung nói mỗi lần ghé vườn vải, anh cảm thấy như lạc vào một thế giới khác, rất đẹp. Bộ ảnh của anh được chụp vào nhiều thời điểm khác nhau trong ngày, suốt một tuần lễ để xem sự thay đổi màu sắc của quả, từ non tới chín mọng. Một nông dân đang kiểm tra vải. Vải chín sẽ được cắt bằng kéo, bó thành từng chùm ngay tại vườn. Đặc điểm của vải là chín rộ cùng lúc nên phải thu hái nhanh, nếu không quả sẽ bị già cùi và nhạt. Sau khi hái, vải được cột thành từng chùm khoảng vài kg, tỉa bớt lá trước khi đưa đi tiêu thụ. Tuy cảnh đẹp không kém các khu du lịch sinh thái, những vườn vải ở Thái Bình không được nhiều du khách biết đến. Đa phần người ghé chơi là dân địa phương hoặc thương lái. Các vườn vải ở đây không bán vé tham quan. Du khách có thể vào thăm thoải mái, nhưng phải xin phép chủ vườn, đồng thời không làm ảnh hưởng đến cây cối trong vườn. Nếu ghé nơi đây chụp ảnh, du khách có thể mua một ít để ủng hộ nông dân. Giá vải mua tại vườn hiện khoảng 20.000-25.000 đồng một kg. Vi Yến Ảnh: Nguyễn Trọng Cung