Thứ bảy, 19/3/2022, 11:31 (GMT+7)

Vườn Hà Giang như cổ tích của cựu giáo viên

Bắt đầu gây dựng vườn từ số 0, vợ chồng chị Thảo phải thuê người xuống sông lấy đá chở về làm nền, rải sỏi tạo lối đi và hai lần thay đất trồng rau mới được kết quả như ý.

Chủ nhân của khu vườn là chị Đỗ Phương Thảo (cựu giáo viên, đang làm nội trợ). Trước đây, gia đình chị ở một phường trung tâm thành phố Hà Giang nhưng khoảng hai năm nay đã chuyển tới khu đô thị mới cùng thành phố vì cả hai vợ chồng đều thích ở nơi rộng rãi, thoáng đãng, có đất làm vườn.

Vợ chồng chị Thảo tự lên ý tưởng về nhà ở và vườn để bên thiết kế hiện thực hóa. Vợ chồng chị Thảo quy hoạch hơn nửa mảnh đất dùng để xây nhà ở, làm vườn trồng hoa; còn lại bố trí trồng rau sạch.

Chị Thảo trồng một số loại hoa hồng làm đẹp hàng rào.

'Khi lên nhà mới, tôi mới bắt tay vào trồng rau, còn bỡ ngỡ, thiếu nhiều kinh nghiệm. Nhưng tôi giữ tinh thần luôn học hỏi, khắc phục dần nên bắt đầu thu hoạch được hoa thơm trái ngọt. Tôi trồng rau theo mùa, cố gắng trồng đa dạng để thay đổi thực đơn', chị nói.

Mỗi luống chị trồng một loại rau. Theo chị, một số rau mùa đông như súp lơ, su hào, bắp cải, cải thảo có thời gian trồng lâu, thậm chí có loại trồng từ tháng 9 nhưng tới Tết mới có thể thu hoạch. Hiện tại, vườn đủ để cung cấp rau cho gia đình hai người lớn, ba trẻ con. Thỉnh thoảng, chị Thảo đem biếu, tặng người thân, bạn bè.

Chị Thảo cho biết tự làm vườn 'siêu tốn kém'. Bắt đầu gây dựng vườn từ số 0, gia đình chị phải thuê người xuống sông lấy đá, thuê xe chở về để làm hàng đá xếp xuống. Lối đi rải sỏi trong vườn phải thay hai lần mới ưng ý để các con dễ đi lại. Chị cũng phải thay đất trồng rau đến lần thứ hai vì không có kinh nghiệm.

Để cải tạo đất, cung cấp dinh dưỡng thường xuyên cho cây, vợ chồng chị chi nhiều tiền mua vôi, trấu, phân trâu bò đã xử lý, phân trùn quế... Khi cây gặp sâu bệnh, chị tự ngâm dung dịch tỏi ớt, phải mua dầu neem liên tục để phun cây vì dầu neem chỉ dùng thời gian ngắn là hết. Chị còn thuê người gom lông gà để lót luống, giúp cây sinh trưởng tốt khi thời tiết khắc nghiệt. Tiền làm khung giàn, mua tre làm gièo, mua dây buộc, găng tay, giấy bóng kính che luống, bầu ươm, mua chuối, trứng, sữa bột đã hết hạn để ủ phân, cây giống, hạt giống ngốn chi phí đáng kể. 'Với các khoản chi cho vườn, tôi mới hiểu tại sao các sản phẩm hữu cơ ở nước ngoài lại đắt đỏ như vậy', chị nói.

Khi làm nông dân đô thị, chị Thảo thấm thía làm vườn rất vất vả, đặc biệt khi chị nói không với thuốc trừ sâu. Dù ông xã đã làm hệ thống tưới nước tự động cho vườn, chị Thảo vẫn cần bỏ công sức ít nhất từ 1,5 đến 2 tiếng đồng hồ mỗi ngày để chăm sóc. Cứ cách hai ngày một lần, chị hòa nước ngâm rau củ quả để bón từng gốc, liên tục xách xô nước 20 l đi khắp vườn, đủ để 'toát mồ hôi' vào những ngày mùa đông. Khoảng nửa tháng một lần, gia đình chị thuê thêm một người làm giúp các việc nặng như chuyển đất, cây, cuốc đất, trộn đất, làm giàn...

Tuy chăm cây kỹ, chị Thảo từng gặp thất bại và nhớ mãi. Vào mùa cà chua vừa qua, vì chị bận việc, không có thời gian chăm cây nên sau một tuần, ba giàn cà chua đang sai trĩu quả đều hỏng. 'Tôi buồn bã, ngơ ngẩn mất cả một ngày vì tiếc bao công gieo hạt, chăm bón', chị cho hay.

Làm vườn 'siêu tốn kém' và khiến làn da đen nhẻm, chị Thảo vẫn đam mê vườn tược. Bởi bù lại, chị và cả gia đình được vận động cải thiện sức khỏe, thư giãn về tinh thần, có những bữa ăn chất lượng. Đồng thời, vườn rau chính là nơi vui chơi của cả gia đình, là chỗ để các con học hỏi về sự sống, thiên nhiên, thực vật, động vật, biết quý trọng thức ăn, không lãng phí thực phẩm... Các bé biết được những gì có lợi hay bất lợi, hình thành khái niệm nhân quả.

'Con biết được nếu con bỏ công chăm chút cây, cây sẽ sinh trưởng khoẻ mạnh. Con chăm chỉ, con sẽ có những bữa ăn ngon. Cũng từ việc chăm sóc cây cối mà từ đó các con biết quý trọng sinh mệnh', chị nói.

'Còn với bản thân tôi, làm vườn là một công việc tuyệt vời không chỉ bởi kết quả của công việc này là cho ra hoa thơm trái ngọt, mà thông qua quá trình làm vườn, từng chút từng chút tôi đã đúc kết được nhiều triết lý sống. Đặc biệt là những triết lý trong việc giáo dục con cái', chị nói.

Từ việc làm tốt khâu làm đất, chị Thảo đúc rút được triết lý giáo dục đầu tiên. Đất tơi xốp giàu dinh dưỡng, được diệt trừ sâu bệnh, nấm mốc độc hại, cây mới khỏe. Chị cho hay: 'Điều này gợi cho tôi liên tưởng tương tự về câu chuyện giáo dục. Khi bố mẹ muốn đứa trẻ lớn lên mạnh khoẻ cả về thể chất và tinh thần, bố mẹ phải đem đến cho con một môi trường sống an toàn lành mạnh, tràn ngập tình thương và hạnh phúc'.

Triết lý tiếp theo mà chị nghiệm ra đến từ việc chăm chút cây cối hàng ngày. Chị tích cực tìm hiểu xem cây phát triển ở giai đoạn nào cần bón tưới ra sao, dễ mắc bệnh gì. 'Cho dù là bệnh gì, nếu bạn phát hiện sớm và điều trị kịp thời cây sẽ dễ dàng khỏi bệnh. Tương tự, muốn con ngoan bạn cũng phải theo sát con từng ngày. Theo sát không phải là lúc nào cũng kè kè, kiểm soát con từng chút một. Theo sát có nghĩa là phải đồng hành cùng con trên mỗi bước trưởng thành. Phát hiện và uốn nắn con kịp thời khi con lệch lạc hay nhiễm thói hư tật xấu. Cứ như thế, giống như cái cây, con sẽ lớn lên mạnh khoẻ cả thể chất lẫn tinh thần', cựu giáo viên cho hay.

Điều thứ ba là kiến thức. Để mảnh vườn tốt tươi đòi hỏi người làm vườn phải có kiến thức về làm đất, mùa vụ, cách chăm sóc và xử lý sâu bệnh của từng loại cây khác nhau. 'Làm vườn cần đến kiến thức và làm cha mẹ lại càng cần hơn. Bạn cần kiến thức về dinh dưỡng, kiến thức về chăm sóc sức khoẻ, kiến thức về tâm lý lứa tuổi, kiến thức cho con, kiến thức cho bạn. Khi bạn nghĩ về việc làm cha mẹ một cách nghiêm túc, bạn sẽ tự thấy có rất nhiều thứ để học. Dân gian có câu 'sinh con rồi mới sinh cha' quả không sai. Nếu bạn trồng cây bị chết, bạn có thể trồng cái cây khác. Nhưng việc nuôi dạy con không cho phép bạn phạm phải sai lầm', chị nói.

Điều tiếp theo là không có gì xảy ra ngẫu nhiên. Chị Thảo nói: 'Khi được nhìn ngắm một cái cây tươi tốt, tôi hiểu người chủ của cây đã yêu, chăm chút cho cây đến thế nào. Tương tự, để có một đứa trẻ chăm ngoan học giỏi nghĩa là cha mẹ đứa trẻ đã phải vất vả, tận tâm chăm sóc và dạy bảo con. Đó là lý do tại sao không có sự ngẫu nhiên trong việc trồng cây cũng như nuôi dạy con cái'.

Điều cuối cùng mà chị đúc rút là cuộc sống phải không ngừng học tập. Nhiều bạn bè ngắm cây trái trong vườn, ca ngợi chị Thảo mát tay, nhưng để có được ngày hôm nay, chị đã trải qua nhiều lần thất bại, nhiều cây trồng bị chết. Nhưng mỗi khi thất bại, chị đều tìm hiểu xem đã sai ở khâu nào.

'Tôi học ở mọi nơi, từ mọi người, từ các chuyên gia cho tới những người bạn xung quanh. Điều này giống với việc nuôi con. Tôi có ba đứa con, nhưng mỗi khi con chưa làm tôi hài lòng ở điểm gì tôi luôn lặng im suy ngẫm xem mình đã sai ở đâu trong quá trình nuôi dạy. Cha mẹ cần không ngừng học tập làm cha mẹ tốt. Như vậy, kết quả chắc chắn là những đứa con ngoan ngoãn giỏi giang. Nếu cha mẹ còn lười học làm cha mẹ, tại sao lại trách con mình dốt lười? Con cái là sản phẩm hay tác phẩm của cha mẹ, điều đó phụ thuộc vào bố mẹ', chị bổ sung.

Hằng Trần

Đánh giá phiên bản mới