Từ 5h sáng 16/9, chị Đặng Thị Ba (chủ quán phở trên phố Tô Hiệu, Cầu Giấy) đã thức dậy đi chợ chuẩn bị nguyên vật liệu sau gần 2 tháng đóng cửa quán.
"Sau khi đọc thông báo đêm trước, tôi vui đến không ngủ được, sáng hôm sau dậy sớm đi chợ chuẩn bị đồ, 7h sáng ra cửa hàng dọn dẹp để 12h có thể mở cửa đón khách", chị Ba nói.
Theo chị Ba, phố Tô Hiệu có nhiều cửa hàng kinh doanh ăn uống, từ ngày 24/7 Hà Nội áp dụng Chỉ thị 16 nên phải đóng cửa. Bản thân chị ở Nam Định lên đây thuê quán bán hàng cũng bị mắc kẹt lại. Không có thu nhập, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, tiền thuê quán vẫn phải trả nhưng hàng thì không bán được. Việc nới lỏng cho các hàng quán mở cửa trở lại như chiếc phao cứu sinh để chị có tiền trả cho nhân viên và chủ nhà.
"Từ sáng sớm đã có khách quen nói đến trưa sẽ quay lại ủng hộ, tôi phấn khởi lắm", chị Ba cười nói.

Chị Ba chuẩn bị nguyên liệu để mở cửa bán hàng trở lại. Ảnh: Nguyễn Ngoan
Cách nhà chị Ba mấy hộ, nhà anh Trương Viết Văn, chủ một quán bún ốc sườn trên phố Tô Hiệu (Cầu Giấy Hà Nội), cũng đang tất bật cọ chùi bàn ghế, nồi ninh, chuẩn bị nguyên liệu để sáng mai có thể bán những suất bún ốc đầu tiên sau gần 2 tháng đóng cửa.
Anh Văn cho biết khi có thông tin từ 12h trưa 16/9 thành phố cho 19 quận, huyện mở lại hàng ăn uống bán mang về, anh rất háo hức. Từ 5h, anh đã gọi nhân viên cửa hàng dậy để dọn dẹp, dù sáng 17/9 cửa hàng mới bán trở lại.
Hai tháng nghỉ dịch anh Văn vẫn phải trả hàng chục triệu tiền thuê mặt bằng, lương nhân viên nên cửa hàng khá khó khăn.
"Tuy chỉ bán hàng để mang về, số lượng bán được không nhiều so với phục vụ khách ăn trực tiếp nhưng có vẫn còn hơn không", anh Văn nói và cho biết cửa hàng đã chuẩn bị các biện pháp phòng chống dịch như mã QR, bình rửa tay sát khuẩn để phục vụ khách hàng khi mở lại.
Trong khi cửa hàng chị Ba và anh Văn tất bật chuẩn bị mở cửa, nhiều cửa hàng khác trên phố Tô Hiệu vẫn cửa đóng, then cài. Nguyên nhân được một số hộ giải thích, sau gần 2 tháng giãn cách, người dân đã quen với việc tự nấu nướng nên chưa có nhiều khách. Bên cạnh đó, nhiều quán chưa kịp chuẩn bị sẵn sàng mở lại.
"Đa phần các quán có sẵn nhân công mắc kẹt ở lại sẽ mở lại trước. Còn quán không có nhân viên thì vẫn phải nghe ngóng thêm tình hình", chị Hoa, một hộ kinh doanh trên phố Tô Hiệu cho hay.

Bà Huyền chuẩn bị mẻ bột sau 2 tháng nghỉ bán hàng. Ảnh: Nguyễn Ngoan
Cùng niềm vui được mở cửa bán hàng trở lại sau nhiều tháng giãn cách, bà Mai Lệ Huyền, Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội), chủ cửa hàng bán bánh cuốn cho biết gia đình bà đếm từng ngày để được bán hàng trở lại.
"Cứ hết mỗi mốc giãn cách chúng tôi lại mong chờ được mở cửa, đến hôm nay thì được bán hàng thật rồi", bà Huyền hào hứng chia sẻ.
Gần 2 tháng ở nhà, tuy không mất tiền thuê cửa hàng, nhưng ngừng buôn bán làm bà Huyền thấy bí bách, cả ngày chỉ quẩn quanh trong bếp, thu nhập không có trong khi nhiều chi tiêu trong nhà cần đến tiền.
Tại Ba Đình, sau khi đọc tin tức quận mình nằm trong 19 quận, huyện được mở cửa trở lại, ngay từ sáng sớm 16/9 ông Đỗ Thanh Tùng (chủ một quán phở) đã gọi nhân viên dậy dọn dẹp, trong khi bản thân đi chợ mua đồ về chuẩn bị cho buổi bán trưa nay.
"Gia đình làm nghề bán phở gia truyền, nghỉ bán ngứa tay ngứa chân không chịu nổi", ông Tùng nói và cho biết trước dịch một ngày nhà ông bán hàng trăm suất phở, khách ra, khách vào, không kịp nghỉ ngơi. Hai tháng nghỉ dịch không chỉ ảnh hưởng thu nhập mà người cuồng việc như ông cũng đứng ngồi không yên vì nhớ nghề.
Không chỉ các cửa hàng ăn nhộn nhịp đón khách, các quán cà phê, trà sữa cũng đông nghịt ngày đầu mở cửa trở lại. Chị Hà Thị Thu, nhân viên cửa hàng DingTea trên đường Xuân La cho biết cửa hàng mở lại lúc 12h trưa nay, đến 18h đã nhận 500 đơn hàng mua mang về.

Nhiều người dân đứng xếp hàng mua trà sữa. Ảnh: Nguyễn Ngoan
Ngồi chờ 30 phút để nhận cốc trà sữa sau thời gian dài giãn cách, anh Phan Trọng Tùng chia sẻ không ngờ lại phải chờ lâu như vậy. "Tôi đến mua thì đã có hơn 10 người đứng chờ ở đây, mỗi người mua cả 4, 5 cốc nên chờ khá lâu".
Cũng trong chiều 16/9, hàng loạt cơ sở sửa chữa ôtô, xe máy... đã đồng loạt mở cửa. Anh Hà Văn Thái, chủ cửa hàng sửa chữa trên phố Trần Đăng Ninh (Cầu Giấy) cho hay, sau khi Hà Nội áp dụng giãn cách (ngày 24/7) có 3/5 nhân viên đã về quê tránh dịch. Để "giữ chân" thợ, anh quyết định vẫn trả lương cho họ.
Ngay khi nhận thông báo được mở cửa trở lại, anh Thái đã thông báo cho nhân viên bắt đầu hoạt động lại.
"Rất mong dịch sớm qua để kinh doanh trở lại bình thường. Không chỉ tôi mà nhân viên cũng gặp khó khăn khi không có thu nhập", anh Thái chia sẻ.

Ngày khi mở cửa, anh Thái đã đón được nhiều khách hàng đến sửa xe. Ảnh Nguyễn Ngoan
Tại một gara ôtô trên đường Nguyễn Văn Giáp, Cầu Diễn, Nam Từ Liên, sau mấy tiếng mở cửa, hàng chục khách hàng đã đưa xe đến sửa chữa.
"Nhiều xe hư hỏng trong thời gian giãn cách, nên khách đến đông ngay ngày đầu mở cửa", chủ cửa hàng nói và cho biết những ngày tới lượng khách hàng có thể đông hơn nữa.
Từ 12h ngày 16/9, 19 quận, huyện ở Hà Nội được phép mở cửa cơ sở kinh doanh văn phòng phẩm, sách, thiết bị, đồ dùng học tập; cơ sở sửa chữa phương tiện giao thông, điện tử, điện lạnh và đồ gia dụng. Các cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống cũng được hoạt động, song chỉ bán mang về, và đóng cửa trước 21h hàng ngày.
19 quận, huyện gồm: Ba Đình, Ba Vì, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Đan Phượng, Gia Lâm, Hoài Đức, Long Biên, Mê Linh, Mỹ Đức, Nam Từ Liêm, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Quốc Oai, Sóc Sơn, Sơn Tây, Thanh Oai, Ứng Hòa và Tây Hồ.
Nguyễn Ngoan