Trước đó, vua voi Ama Kông bị đau dạ dày, được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đak Lak. Sau ca phẫu thuật, ông được đưa về nhà điều trị ngoại trú trong tình trạng sức khỏe đã suy yếu.
Ama Kông tên thật là Y Prung Êban, dân tộc M’nông. Theo phong tục của người đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên, cha mẹ thường lấy tên đứa con đầu lòng thay tên mình nên Prung Êban sau khi sinh con trai đầu lòng đã thành Ama Kông (nghĩa là cha thằng Kông).
![]() |
Vua voi Ama Kông bên đống thuốc cường dương giúp ông 80 tuổi vẫn sinh được con. |
Khi còn sống, Ama Kông đã làm được nhiều chuyện lớn, được xếp vào huyền thoại của Tây Nguyên. Ông là người săn được nhiều voi nhất ở Buôn Đôn và thuần dưỡng thành công gần 300 con voi rừng. Ông từng là người được vinh dự đại diện tặng voi cho vua Thái Lan, vua Lào, đi săn voi với vua Bảo Đại, từng săn được voi trắng và thuần dưỡng voi một ngà quý hiếm và tinh khôn.
Hai vợ đầu của Ama Kông là hai đóa hoa đẹp nhất núi rừng Tây Nguyên. H’Nu chẳng may qua đời khi sinh khó đứa con thứ hai, theo tục lệ, cô em gái H’Hốt (kém Ama Kông 15 tuổi) phải thay chị chăm sóc anh rể và các cháu. H’Hốt đã sinh cho Ama Kông đến 11 người con. Sau này, Ama Kông còn đưa thêm một người phụ nữ khác về và có thêm 3 đứa con gái.
Ama Kông còn được biết đến là người sáng chế ra bài thuốc gia truyền tráng dương, bổ thận mang thương hiệu tên ông, được nhiều người biết đến và trở thành sản phẩm phục vụ khách du lịch ở Đak Lak. Chính vì điều này mà đến năm 80 tuổi ông vẫn nhất quyết đòi cưới vợ - một cô gái mới 25 tuổi ông tình cờ quen trong một lần đi chơi ở buôn khác.
Để thu hút nhiều khách đến với vườn Quốc gia, một sáng kiến được đưa ra đó là cho Ama Kông được phép vào rừng hái thuốc bán cho khách. Quả như dự đoán, khách đến vườn Quốc gia ngày càng đông, ai cũng cố mua cho bằng được thuốc “Ama Kông” do chính tay “vua voi” bốc để có thể được dũng mãnh như ông. Sau này nhiều người thấy thuốc bán quá chạy nên cũng bắt chước vào rừng kiếm thuốc làm xuân dược “Ama Kông”. Khắp TP Buôn Ma Thuột đâu đâu cũng thấy Ama Kông nhưng thật, giả chẳng biết.
Tùy Phong