Ông còn phát hiện nhiều vết nứt há to trên tường, trần nhà và có nguy cơ sụp đổ. Sáng hôm sau nhiều người trong khu cũng phát hiện nhà mình có vết nứt dưới sàn, trên tường, cầu thang. Bà Phúc, ngay cạnh nhà ông Thịnh, tối hôm đó cũng phải sơ tán. Nhiều người trong thị trấn bàng hoàng. Chưa có cơ quan chức năng nào đến khảo sát và hỗ trợ di dời ra khỏi vùng nguy hiểm.
![]() |
Ngôi nhà của ông Thịnh trước sự "tấn công" của đất sụt. |
Theo quan sát của Netnam, xóm Ba, xã Đồng Xuân (nay là thị trấn Thanh Ba) hiện ra trước mắt chúng tôi là hình ảnh một ngôi nhà hai tầng khang trang "đáng thương" nằm ngay tỉnh lộ 312 với hình dáng siêu vẹo. Cửa khoá, ai đó lấy cành cây to lấp lối đi và dùng mấy thanh sắt dài khoảng 4 - 5m chống ngôi nhà đang có nguy cơ sập. Một bác nhà bên cạnh vẻ thất vọng kể lại sụt đất bắt đầu xảy ra khi Công ty Cổ phần Xây lắp Điện nước Hải Hà trúng thầu về khoan giếng lấy nước sạch cho thị trấn hôm 25/3.
Đến ngày 29/3, một số nhà dân trong vùng bán kính cách trung tâm mũi khoan khoảng 60m2 bắt đầu xuất hiện sụt đất, nứt nhà, sân. Khoảng 7-8 giờ tối 2/4, ông bà Thịnh phát hiện nhà mình có những vết nứt khác thường. Mọi người ở thị trấn Thanh Ba hối hả chuyển đồ đạc rời khỏi nhà ông Thịnh sang hàng xóm. Chưa hết bàng hoàng, nhiều người cũng phát hiện những vết nứt ở nhà mình. Đêm hôm đó mọi người hầu như không ngủ được vì sợ nhà sập. Được tin, chính quyền xã, huyện xuống kiểm tra và yêu cầu các hộ sơ tán sang nhà gần đó.
![]() |
Đất sụt ngày càng rộng. |
Nhà ông Thịnh xây năm 1991. Khi chúng tôi đến, trước của bậc ngôi nhà có một hố rộng 2m2. Một vết nứt ngoằn nghèo xé từ trên mái tầng hai dài chừng 2m xuống mái hiên bên phải ngôi nhà. Chỗ đo rộng nhất khoảng 15-20cm. Bên trong nhà có một hố sâu ở góc trong rộng 6-7m. Lối vào buồng cũng có vết tường xé dài 1m, rộng 4-5cm. Trong nhà sạch bánh chẳng còn thứ gì. Bác Phúc cho biết thêm, nhà ông Thịnh bị nặng nhất nhưng còn có nhà ở trên thành phố Việt Trì để ở. Còn nhà ông giờ không biết chui vào đâu.
Nằm giữa nhà ông Thịnh và nhà chị Hồng là nhà bà Phúc. Bác Phúc kể, hôm đó vợ chồng con cái mỗi người một nơi. Nếu toà nhà hai tầng không may sập, không biết điều gì sẽ xảy ra. Bà nói thêm, ngay tối hôm đó, nhà bà phải di dời cả đồ đạc và người.
Chung một tâm trạng và nỗi sợ hãi, chị Hồng kể, nhà em vừa mới xây xong chưa kịp ở, giờ phải bỏ đấy mà đi. Bác Phúc nói, khu đất ở hiện nay được tỉnh Phú Thọ cấp bán cho dân năm 1990. Đa số người sống nơi đây là công nhân viên cấp huyện, xã. Trước đây tỉnh có dự án di dời để làm chợ nhưng dân không chịu. Khi sự việc xảy ra, tỉnh càng muốn chúng tôi chuyển đi. Nhưng biết đâu khi được đền bù chuyển đi rồi, mỗi ông chiếm một suất thì biết kêu ai.
Trước cửa nhà ông Thịnh có một cái hố rộng 2-3m2. Mấy hôm trước, cầm ba cây tre thọc xuống không thấy đáy. Chính cái hố này kéo nghiêng và nứt nhà ông Thịnh. Ông cho đổ 13 xe ô tô cát xuống đây nhưng chẳng ăn thua. Cạnh nhà ông Thịnh là chi nhánh điện huyện Thanh Ba - cũng phải sơ tán đi nơi khác vì nhiều chỗ bị nứt. Giờ chỉ còn vài người thay nhau trực, đồ đạc gần như chuyển đi hết.
![]() |
Ba cây tre thọc xuống cái hố này không thấy đáy. |
Bác Phúc ở nhờ hàng xóm một thời gian rồi lại mang một số đồ cần thiết về vì không lẽ cứ ở nhờ mãi. Tuần vừa rồi mưa liên miên, chỉ lo mưa to đất sụt thêm. Bác Phúc trai đi làm ngày nào cũng gọi điện hỏi thăm vợ con vì sợ.
Hơn một tháng nay, hết đoàn này đi đến đoàn kia tới quay phim, chụp ảnh rồi bỏ đi đến giờ chưa có hồi âm. Họ chỉ nói di dời nhưng không nói gì đến tiền hỗ trợ. Đến nay mới chỉ có nhà chị Liên được đền bù 70 triệu đồng và 77m2 đất vì nhà chị nằm trong van hút nước. Còn khoảng trên dưới 20 hộ ít nhiều bị ảnh hưởng chưa được đền bù di dời.
Nhiều người dân kháo nhau Đồng Xuân là vùng có nhiều hang động ngầm, rất yếu. Trước đây xảy ra hiện tượng sụt đất. Có nhà đào giếng được 3-4m thì trời tối. Để cái thang lại mai đào tiếp, cái thang còn thò cả mét trên mặt đất. Vậy mà sáng hôm sau ra không thấy thang đâu. Có người tò mò soi đèn pin chỉ thấy sâu hun hút chẳng thấy đáy. Một hai ngày sau nước dâng lên đầy miệng giếng nhưng vẫn không thấy thang. Chính vì vậy, nhiều người đồ rằng dưới các nền nhà khu Ba bây giờ, trước đây có một con sông ngầm khá sâu, dài, lắm hang động. Cùng với thời gian, nó bị núi đồi lở, lấp đè nên. Lâu ngày dân không biết làm nhà trên đó.
Khi nhận được tin báo của người dân ở thị trấn Thanh Ba, Công ty Cổ phần Xây lắp Điện nước Hải Hà cho dừng ngay việc bơm nước. Sau đó Công ty phối hợp với Ban Quản lý Dự án Ngành cơ sở hạ tầng nông thôn Tỉnh Phú Thọ (chủ đầu tư), Công ty Tư vấn xây dựng Phú Thọ (nhà đầu tư thiết kế), Trung tâm Kiến trúc quy hoạch xây dựng đô thị và nông thôn Phú Thọ (nhà thầu giám sát thi công), Phòng Xây dựng công nghiệp huyện Thanh Ba, và Sở Tài nguyên-Môi trường, tiến hành đo đạc, xem xét, lập biên bản đưa lên các cấp, ngành chức năng có thẩm quyền.
Ông Nguyễn Mạnh - Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân xã Đồng Xuân, cũng đưa ra thông báo ngày 2/4 yêu cầu các hộ dân ở khu vực xung quanh giếng phải di dời ngay lập tức khỏi nơi nguy hiểm. Ông Mạnh cũng nhấn mạnh việc tăng cường tuần tra canh gác tránh kẻ gian lợi dụng tình hình chiếm đoạn tài sản của nhân dân. Tuy nhiên, thông báo không nói dân sơ tán đi đâu.
Cùng ngày hôm đó, Ban Quản lý Dự án ngành cơ sở hạ tầng nông thôn cũng ra văn bản gửi Công ty tư vấn xây dựng Phú Thọ, đề nghị xem xét lại hồ sơ thiết kế, đối chiếu với thực địa để có đánh giá chính xác về địa chất, địa tầng và địa thuỷ văn khu vực giếng khoan để chủ đầu tư trình Uỷ ban Nhân dân tỉnh xem xét phê duyệt. Các đoàn kiểm tra của Bộ Tài nguyên - Môi trường cũng lên kiểm tra, đo đạc nghiên cứu. Nhưng cho tới nay, hơn một tháng trôi qua mà chưa thấy cơ quan nào và các cấp chính quyền có kết luận cụ thể để người dân ổn định đời sống.