Vào những năm 1980, khắp Nhật Bản bao trùm một nỗi sợ hãi mang tên "kẹo độc", được gieo rắc bởi một nhóm người nhằm tống tiền các công ty kẹo lớn nhất đất nước.
Những kẻ này tự xưng là "Người đàn ông bí ẩn với 21 khuôn mặt", đưa ngành công nghiệp sản xuất kẹo của Nhật Bản rơi vào khủng hoảng. Họ tuồn vào siêu thị các viên kẹo chứa độc, viết thư trêu ngươi cảnh sát. Đến nay sau hơn 30 năm, cảnh sát vẫn chưa thể tìm ra họ là ai.
Ngày 18/3/1984, ông Katsihisa Ezaki, Chủ tịch Công ty Thực phẩm Ezaki Glico nổi tiếng với việc sản xuất đồ ngọt như kẹo Glico, chocolate Pocky, bánh pudding Pucchin, trị giá hàng triệu USD tại thành phố Osaka, trở về nhà sau một ngày làm việc ở văn phòng. Vừa ngâm mình trong bồn tắm vài phút, ông Ezaki nghe thấy âm thanh của một cuộc xô xát trong nhà. Đột nhiên, hai người đàn ông có vũ trang, đội mũ trùm đầu, xông vào phòng tắm và kéo ông Ezaki ra ngoài.
Ngay khi kêu lên cầu cứu, ông chủ của Glico nhận ra vợ và con gái cũng bị trói chặt, dây điện thoại trong nhà bị cắt. Những tên này thậm chí còn đột nhập vào ngôi nhà của mẹ ông Ezaki bên cạnh và trói bà theo cách tương tự.
Ông Ezaki sau đó bị bắt mặc một chiếc áo khoác và mũ trùm kín rồi đưa ra khỏi nhà, tới một nhà kho bỏ hoang, cô lập. Ngày hôm sau, cảnh sát tìm thấy trong một bốt điện thoại tờ giấy yêu cầu tiền chuộc 1 tỷ Yên (khoảng 4,3 triệu USD Mỹ theo tỷ giá năm 1984) và 100 kg vàng thỏi đổi lấy mạng sống ông Ezaki.
Sau hai ngày bị giam cầm, ông Ezaki tự trốn thoát. Mọi người đều hy vọng thủ phạm sẽ bị bắt và kết thúc vụ việc. Nhưng không phải vậy, bởi mọi chuyện mới chỉ là khởi đầu.
Ba tuần sau, các văn phòng báo chí khắp Nhật Bản nhận được bản photo của một bức thư kỳ lạ. Trong thư viết: "Gửi lũ cảnh sát ngu ngốc. Chúng mày có phải là những kẻ dốt nát không đó? Nếu chúng mày chuyên nghiệp, hãy bắt chúng tao. Để chấp chúng mày, bọn tao sẽ đưa ra vài gợi ý".
Nhóm tội phạm trên nêu một vài chi tiết như chiếc xe màu xám, thức ăn mua từ Siêu thị Daiei, một trong những chuỗi cửa hàng lớn nhất Nhật Bản thời bấy giờ. Sau đó, chúng tự hỏi "Có nên bắt cóc cảnh sát trưởng của tỉnh không" và ký tên kaijin nijuichi menso - có nghĩa "người đàn ông bí ẩn với 21 khuôn mặt".
Các tờ báo lập tức đăng tải lá thư. Vài tháng tiếp theo, các tòa soạn đăng thêm hàng chục bức thư khác với nội dung chứa đầy lời chế nhạo cảnh sát, các câu chuyện cười và nhiều manh mối chẳng đi đến đâu.
Đặc biệt, trong một bức thư được gửi vào giữa tháng 5, băng nhóm này tiết lộ đã tẩm xyanua vào một số gói kẹo của Glico nhưng không nói rõ loại nào. Công ty Glico lập tức thu hồi tất cả số kẹo. Dù thử nghiệm âm tính với xyanua, họ vẫn không thể cứu vãn được danh tiếng. Nhiều người dân Nhật Bản bắt đầu tẩy chay Glico.
"Điển hình của trào lưu tẩy chay là một nhân viên văn phòng ở Tokyo đã tặng cho đồng nghiệp chocolate kèm chú thích hãy yên tâm vì một công ty khác đã sản xuất loại chocolate này", tờ New York Times viết.
Sự việc xảy ra khiến giá trị tài sản của Glico bị sụt giảm và công ty phải sa thải 1.000 công nhân.
Nhóm tội phạm này ngày càng khiến công chúng sợ hãi bằng việc vẽ ra nhiều câu chuyện ly kỳ. Một lần, nhóm này yêu cầu nhân viên Glico xuất hiện tại một bốt điện thoại cụ thể để chờ tin nhắn. Tuy nhiên, khi cảnh sát cải trang tới đó, họ không nhận được cuộc gọi hay tin nhắn nào.
"Các người nghĩ chỉ cần cải trang bằng quần áo của những kẻ làm công ăn lương rồi hành động như họ là có thể lừa được bọn ta sao. Đôi mắt của các người đã tố cáo tất cả", "người đàn ông bí ẩn với 21 khuôn mặt" viết thư ngay ngày hôm sau.
Tháng 6/1984, trong một bức thư khác, nhóm "người đàn ông bí ẩn" thông báo sẽ tha cho Glico và sẽ đến một trong các thành phố của châu Âu như Geneva, Paris, London nhưng dọa sẽ trở lại vào tháng 1 năm sau. Tuy nhiên, những kẻ này đã quay lại sớm hơn dự định.
Ba tháng sau, chúng yêu cầu Morinaga, một công ty sản xuất sữa và kẹo lâu năm, 400.000 USD nhưng không được đáp ứng. Ngày 8/10, các tờ báo của Nhật nhận được một lá thư khác, viết rằng chúng đã đặt 20 hộp kẹo chứa xyanua trong các cửa hàng từ Hakata đến Tokyo.
Cảnh sát lập tức ập vào các cửa hàng tạp hóa trong và xung quanh nhiều thành phố như Kyoto, Osaka, Kobe và Tokyo để tìm kẹo chứa độc. Họ phát hiện một số hộp có dán thêm nhãn phụ: "Nguy hiểm, chứa chất độc. Bạn sẽ chết nếu ăn cái này. Người đàn ông bí ẩn với 21 khuôn mặt".
Lần này, kẹo được thử nghiệm dương tính với xyanua.
Cổ phiếu của Morinaga sụt giảm ngay sau đó. Nhóm giấu mặt tuyên bố nếu các siêu thị không tẩy chay Morinaga, các hộp chứa độc khác sẽ xuất hiện trong tương lai và lần tới sẽ không được dán nhãn cảnh báo. "Đó sẽ giống một cuộc săn tìm kho báu", "người đàn ông bí ẩn" viết.
Theo cảnh sát, những tên này có xu hướng thực hiện các vụ việc vào thứ bảy và chủ nhật. 40.000 sĩ quan, chiếm 20% toàn bộ lực lượng cảnh sát Nhật, được huy động để dành nhiều ngày cuối tuần liên tiếp canh gác tại các siêu thị. Họ đã xem video giám sát từ một trong các cửa hàng và phát hiện một người đàn ông tóc xoăn, đội mũ, đeo kính, đặt một thứ gì đó lên kệ.
Cảnh sát còn truy tìm cả nguồn gốc của chiếc máy đánh chữ được băng nhóm sử dụng và nghe đi nghe lại cuộc gọi tống tiền bằng giọng phụ nữ và trẻ em của chúng tới Morinaga. Nhưng mọi nỗ lực đều không thành công.
"Người đàn ông trong video có phải là một cảnh tượng tuyệt vời không?", băng nhóm nhạo báng cảnh sát trong bức thư tiếp theo, đồng thời tuyên bố cảnh sát sẽ không thể lần được bất kỳ dấu vết gì của chúng.
Chúng tiếp tục đòi tiền từ các công ty kẹo khác như: 100 triệu Yên từ Công ty Fujiya và 50 triệu Yên từ Surugaya.
Tháng 8/1985, cảnh sát trưởng quận Shiga, Shoji Yamamoto, đã tự thiêu bằng xăng. Ông tự đổ lỗi cho bản thân và cấp dưới đã không bắt được nhóm người bí ẩn.
5 ngày sau, cảnh sát nhận được lá thư cuối cùng của nhóm người bí ẩn. Một phần của nội dung lá thư được trích dẫn: "Kẻ thất bại Yamamoto đã chết như một người đàn ông thực thụ. Vì thế chúng tôi quyết định chia buồn và bỏ qua việc tra tấn các công ty sản xuất thực phẩm. Chúng tôi là những kẻ xấu".
Cùng với những lời cuối đó, "người đàn ông bí ẩn với 21 khuôn mặt" cũng biến mất.
Trong vài năm tiếp theo, cảnh sát vẫn truy tìm manh mối và theo dõi nhiều kẻ tình nghi trong nhóm xã hội đen Yakuza khét tiếng hay các phe cánh cực đoan. Cảnh sát đã điều tra 125.000 người, theo dõi trên 28.000 người nhưng không tìm thấy chút ánh sáng nào.
Tới năm 1995, thời hiệu truy cứu trách nhiệm kẻ bắt cóc ông Ezaki hết hiệu lực. Năm 2000, vụ án kẹo bị nhiễm độc cũng hết thời gian truy tố. Vì vậy, nếu bây giờ xác định được kẻ chủ mưu và đồng phạm, cảnh sát cũng không thể buộc tội được chúng.
Tới nay, vẫn chưa ai biết "người đàn ông bí ẩn với 21 khuôn mặt" là ai. Giống như họ từng viết trong một lá thư trong khoảng thời gian làm mưa làm gió: "Chúng tôi là ai ư? Đôi khi là một cảnh sát, đôi khi là một băng đảng xã hội đen, đôi khi là một công nhân, đôi khi là một kẻ bắt cóc... Nhưng danh tính thực sự của chúng tôi là... Người đàn ông bí ẩn với 21 khuôn mặt!".