Ngày ấy, khi tôi vẫn còn đang ngất ngây trong men hạnh phúc ngọt ngào, đã nghĩ ngay đến cái đận hãy còn chưa quyết định vào chung kết, em chỉ giận tôi và im lặng độ vài chục phút đã thấy nặng nề như trời sắp có bão.
Trong suy nghĩ thơ ngây của tôi ngày ấy đã xuất hiện ý nghĩ có lẽ chỉ sắp chia tay nhau, người ta mới im lặng và không nghe nhau nói gì. Tôi đã nghĩ thế và cho rằng ông anh hoặc là đùa tôi hoặc là đã quá chén nên lảm nhảm cho ra vẻ kẻ từng trải mà thôi. Nhưng, trải qua thời gian sống cạnh người mà tôi vẫn cho vào danh bạ điện thoại với cái nick là "vợ yêu", tôi mới thấy đúng là người xưa dạy cấm có sai "khôn đâu đến trẻ, khoẻ đâu đến già".
Thực ra, mẹo của bậc đàn anh không phải là kết quả của một phương pháp tư duy hoành tráng hay của một bộ óc siêu thông minh, chẳng qua cũng chỉ là kết quả của một kẻ từng trải biết đúc rút kinh nghiệm mà thôi. Nguyên tắc của lý luận ấy chính là thói thích kiểm tra, thể hiện khả năng sở hữu và tò mò, nghi ngờ ở mức cao độ của bất kỳ ai được gọi là vợ. Tất nhiên, tận bây giờ tôi mới biết chân giá trị của nó, vì tôi cũng đúc rút kinh nghiệm như bậc đàn anh.
Nếu ai từng có gia đình thì đều phải biết rằng khi vợ nói mà mình chăm chú lắng nghe, y trang ở các hội nghị: các diễn giả vẫn đăng đàn diễn thuyết, thính giả chăm chú lắng nghe, thậm chí hí húi ghi chép sẽ như là một liều kích thích khiến diễn giả càng hăng. Càng hăng, thì nói càng lắm, thời gian nghe càng kéo dài. Nàng cũng vậy. Nguyên tắc hoạt động của diễn thuyết là như vậy, nhưng dù sao cũng phải có chiến thuật vô cùng thích hợp để từ từ hiện thực hoá chiến lược "vô vi".
Ví dụ như đi đêm về muộn, chị vợ đứng sẵn ở cửa để chỉ đợi thò cái mặt đầy tội lỗi ra là "xuất" hàng tá đơn vị ngôn ngữ được đo theo khối lượng riêng của loại nặng hơn chì. Thói đời, thằng nào có lỗi chẳng thanh minh, thôi thì có cả vài chục lý do được đưa ra nào là thằng A. nó quý mình quá nên giữ lại mãi, nào là thằng B. nó trân trọng tài của mình nên cố làm thêm vài ly rồi nấn ná mãi mỡi cho về, nào là hôm nay anh C. ở nước ngoài mới về nên lâu ngày đoàn tụ. Cứ lý luận thế là có ngày chết. Cái chết được báo trước như vậy được thể hiện ở hai chỗ, một là không phải lần nào cũng đúng là thằng A. hoặc thằng X., bởi có khi chẳng có thằng nào cả, hai là sau khi vợ biết nguyên nhân từ thằng A., thằng B. là y như rằng thằng đó tới số vì dính đạn do "vợ yêu" bắn liên thanh. Sau vài lần bị bắn không thương tiếc, ngay cả trong trường hợp có đi chơi và bị thằng A. giữ lại thật mà "vợ yêu" có check lại thì bố nó có chết rồi mà sống lại, nó cũng chối bay, chối biến.
Tai hại biết bao nhiêu khi rõ ràng thằng chết tiệt đó giữ mình lại (có nhiều người làm chứng hẳn hoi) mà hôm sau, vừa mới bảnh mắt ra nó lại xoen xoét cho rằng vợ mình đổ điêu cho nó. Cơn điên ngược ấy sẽ khiến cho ta lãnh đủ: đã la cà về muộn lại còn nói điêu, vợ chồng với nhau mà không chân thành thì chẳng bằng thằng hàng xóm, hay là hôm qua đi với con nào mới loanh quanh như thế chứ. Tóm lại là hi sinh tại trận.
Đó là chưa kể tới trường hợp, tần xuất xuất hiện của thằng bạn nào đó hơi cao là y như rằng hễ về muộn là điện thoại nhà nóng lên vì vợ sẽ check khắp nơi. Thằng thương mình hay cũng trong thân phận tôi đòi như thế, nhận đại đang đi với mình (nhưng anh ấy chạy ra ngoài!), hoặc nó vừa mới ra về, nhưng vô phúc mà có hơn một thằng thương mình là lên tàu không vé khứ hồi. Tệ hại hơn khi chính thằng A. lại nói dối vợ nó là đi với thằng nào đó (chứ không phải mình), hệ quả của hiện tượng hai bà "vợ yêu" thông cung với nhau, không có gì khác hơn là chết cả nút, nhưng sự hi sinh tập thể ấy hoàn toàn vô nghĩa, bởi có thể tránh được một cách hoàn toàn đơn giản nếu ta nhất định không khai đi đâu, đi với ai và vác bộ mặt ngơ ngác với hơi men nồng nặc rồi lăn quay ra giường là an toàn tuyệt đối.
Hôm sau, vợ hỏi vẫn nhất quyết chỉ nói loanh quanh, rồi khi bài giảng đạo đức bắt đầu được diễn, hoặc ta lăn ra nằm hoặc ngỗi ngáp với tốc độ phát/phút, diễn giả sẽ chán mà stop ngay tắp lự. Tất nhiên nếu chỉ có thế thôi mà thoát nạn thì ai mà chằng đã đặt cả hai chân vào lâu đài hạnh phúc! Muốn thành công, người ta phải đi từ dễ đến khó, đi từ đơn giản tới phức tạp. Ban đầu thì chỉ áp dụng biện pháp "nghe tai nọ bỏ tai kia" đối với những việc đơn giản thôi tỷ như cố gắng chơi game ở cơ quan để cề thật muộn khi vừa được dặn là ngày này, giờ này đi chơi ăn cơm với nhà anh bạn học cũ của vợ. Vợ vừa hẹn đi mua thứ đồ gì đó vào ngày nghỉ, hay đi đo để may quần áo lập tức tót đến nhà ông bà nhạc thăm thú tặng quà.
Tóm lại là lấy những việc hoàn toàn chính đáng để vợ không thể trách ta nhưng một thông điệp thật rõ ràng đã được ta phát đi: những lời vợ nói hoàn toàn ở ngoài tai ta. Sau đó tăng dần mức độ và cường độ. Mức độ là những sự việc quan trọng hơn ta cũng quên, cường độ là quên là chính, cái gì quan trọng thì láng máng rồi làm sai, hỏng. Lâu dần, diễn giả chán, hết hồi nặng nề, nhẹ nhàng, khuyên nhủ tất nhiên kết quả mong đợi sẽ phải đến: "Vợ yêu" sẽ chán không thèm bàn chuyện gì với ta nữa. Chỉ có điều, cùng với chính sách hạn chế tới mức thấp nhất những cuộc đối thoại không cần thiết, các "chế độc chính sách" và nghĩa vụ đóng góp sẽ phải duy trì ở mức ngày một tăng, Sự bất đồng hành đó cũng sẽ là một thông điệp rất rõ ràng: sự không cần thiết của các cuộc kiểm tra đối với cuộc sống gia đình và biết đâu ngoài việc không còn động lực để diễn thuyết, biết đâu đấy, có những bà vợ tỉnh táo còn nghĩ rằng đó là sự quấy rối không cần thiết cho cuộc sống gia đình.
Không thèm bàn, có nghĩa là không phải thường xuyên nghe, không phải nghe sẽ không có đối đáp, không có đối đáp tức là không có cơ hội cãi nhau mà không cãi nhau, không bị truy hỏi nhất định không bao giờ lương tâm ta phải cắn rứt vì đã nói không đúng sự thật: tôi cam đoan đó là mong ước của 100% đàn ông có vợ.
Im lặng được coi là vàng, vì thế tất nhiên không nghe thấy gì, không phản ứng gì, không biết gì để cả ta và nàng cùng im lặng được coi là giá trị gấp đôi: vàng hai lần vàng.
(Theo Đẹp)