![]() |
Đình Cương đã ăn mừng chiến thắng, nhưng.... |
Về đích với thành tích 3 phút 49 giây, tưởng như Đình Cương đã mang lại chiếc huy chương vàng thứ 8 cho đội tuyển điền kinh Việt Nam trong buổi chiều thi đấu cuối cùng. HLV Từ Tâm, phụ trách cự ly trung bình của đội tuyển điền kinh cũng không giấu được niềm vui khi 4 trong 5 học trò của bà ở đội tuyển là Thanh Hằng, Đỗ Thị Bông, Lê Văn Dương và Đình Cương đã đóng góp đến một nửa số HCV của ĐT điền kinh ở Đại hội lần này. Thế nhưng. niềm vui ngắn chẳng tày gang khi Ban tổ chức thông báo hủy bỏ kết quả của 2 VĐV Việt Nam do VĐV Lê Văn Dương đã phạm luật trên đường chạy. Cả ĐT điền kinh sững sờ, Trưởng bộ môn Dương Đức Thủy vội vàng chạy tới khiếu nại với trọng tài.
![]() |
Cương ngồi khóc vì bị tước mất HC vàng. |
Không ai ngờ rằng sự cố tụt giày của đồng đội Lê Văn Dương đã khiến nỗ lực tuyệt vời của Nguyễn Đình Cương đổ xuống sông xuống biển. Khi cả đoàn chạy được khoảng 50 m, Lê Văn Dương bị một vận động viên Malaysia giẫm vào vào gót trái khiến anh tuột giày. Bị bỏ lại đằng sau, Dương không chạy tiếp hoặc xin bỏ cuộc mà tiếp tục đứng lại chờ vòng sau để nhập vào đoàn đua để tiếp tục “kèm cặp” VĐV đối phương. Ban trọng tài của Liên đoàn điền kinh thế giới đã bắt lỗi này và loại cả 2 VĐV Việt Nam khỏi bảng thành tích và đưa đối thủ Myanmar tới chiếc HCV “từ trên trời rơi xuống”. Sau khi tham khảo ý kiến từ hội đồng trọng tài, Trưởng bộ môn Dương Đức Thủy trở về với khuôn mặt buồn bã và thừa nhận VN đã mất vàng và ĐT sẽ không khiếu nại về trường hợp của Cương.
Khi nhận được tin này, chàng trai Ninh Bình gần như đổ sụp xuống trên khán đài. Òa khóc tức tưởi trong vòng tay đồng đội, Cương mếu máo yêu cầu mọi người xem lại kết quả một lần nữa từ ban tổ chức. Chỉ ít phút trước, khoác trên mình lá cờ chiến thắng, chàng trai Ninh Bình còn tâm sự về sự tiếc nuối của mình khi ban huấn luyện yêu cầu Cương bỏ cự ly 800m để tập trung vào cự ly 1500 dù VĐV này xuất sắc ở cả 2 nội dung. Theo HLV Nguyễn Đức Nguyên, thoạt đầu ban huấn luyện đã chọn Trần Văn Thắng làm “chim mồi” cho Cương ở cự ly 1500 nhưng do VĐV này bị chấn thương sau khi đoạt huy chương bạc cự ly 3000m rào nên Lê Văn Dương được chọn thế chỗ. 2 ngày trước, cũng chính Dương cũng đã xuất sắc đoạt HCV cự ly 800m nam.
Chiến thắng kịch tính của Thu Cúc
![]() |
Thu Cúc. |
Đánh rơi chiếc huy chương vàng trong tay, đội tuyển điền kinh chỉ còn chờ đợi niềm hy vọng cuối cùng Nguyễn Thị Thu Cúc ở nội dung 7 môn phối hợp. Trước khi bước vào vòng thi chạy 800 m, Thu Cúc còn kém đối thủ người Thái Lan 148 điểm và chỉ có chạy nhanh hơn đối thủ 10 giây, Cúc mới có khả năng lật ngược thế cờ. Lỗi xuất phát trước khi trước hiệu lệnh của Cúc khiến ban huấn luyện một lần nữa thót tim lo lắng. Tuy nhiên, cô gái trẻ quê đất “gạo trắng nước trong” Cần Thơ đã bắt tốc độ cực tốt và nhanh chóng vượt lên dẫn đầu. Cho đến hết vòng thứ nhất, Cúc chỉ cách VĐV Thái Lan khoảng một chục mét.
Gạt mồ hôi đầm đìa trên trán, ông Dương Đức Thủy lo lắng thốt lên: “Gay quá, nếu Cúc không vượt thật xa để về đích sớm hơn 10 giây thì mình chỉ được bạc thôi”. Tuy nhiên, khi chỉ còn chưa đầy 200 m, Cúc băng băng vượt lên và về đích trước trước đối thủ cạnh tranh đúng 13 giây. Cả đội tuyển điền kinh vẫn chưa dám… ăn mừng cho đến khi Ban tổ chức thông báo kết quả chính thức, Thu Cúc đã chiến thắng đầy kịch tính với 5350 điểm, hơn VĐV Thái Lan vỏn vẹn 12 điểm. Như vậy, Cúc đã mang về chiếc HCV thứ 8 cho điền kinh Việt Nam, bảo vệ được chức vô địch SEA Games 22 đồng thời phá kỷ lục quốc gia (5343 điểm). Đội tuyển điền kinh đã khép lại chiến dịch SEA Games với thành tích xuất sắc đoạt 8 huy chương vàng, vượt chỉ tiêu trước lúc lên đường 2 chiếc đồng thời ra mắt “nữ hoàng tốc độ” mới của Đông Nam Á: Vũ Thu Hương.
HLV trường Dương Đức Thủy đã giải thích về trường hợp mất HCV của VĐV Nguyễn Đình Cương. - Nguyễn Đình Cương đã vượt trước đối thủ người Myanmar một khoảng cách đáng kể trước khi cán đích. Vậy tại sao ban tổ chức vẫn loại cả 2 VĐV Việt Nam do lỗi của mình Lê Văn Dương? - Đây là một trường hợp rất đáng tiếc. Hội đồng trọng tài cho rằng Dương đã cố tình cản trở đối phương để tạo thuận lợi cho đồng đội. Đây là một hành động không fail play, trái với tinh thần Olympic. Chính vì vậy ban tổ chức đã phạt rất nặng. - Theo ông, đây là lỗi của mình Dương hay ban huấn luyện đã sai lầm trong chiến thuật? - Việc cử một VĐV “mồi” hỗ trợ cho VĐV có hy vọng cao là hoàn toàn bình thường. Chúng ta cũng đã thành công trong chiến thuật này ở các cự ly 800m nữ và 1500m nữ khi Bông và Hằng kết hợp với nhau rất hiệu quả. Tôi cho rằng hậu quả này xảy ra do VĐV ta đã nắm luật quá ấu trĩ. Dương không cố tình phạm lỗi mà chỉ bởi anh đã quá nhiệt tình. - Vậy chúng ta phải làm gì để tránh những trường hợp đáng tiếc như trên? - Đây cũng là căn bệnh chung của điền kinh Việt Nam. Ở các địa phương, nhiều khi HLV vì chạy theo thành tích nên đã không chú ý giáo dục các VĐV về luật lệ thậm chí còn khuyến khích dùng tiểu xảo để chiến thắng bằng mọi giá. Rõ ràng đây chính là bài học đắt giá cho điền kinh VN. Lê Văn Dương: “Em rất buồn và ân hận”: Niềm vui với tấm HCV cự ly 800 m 2 ngày trước chẳng còn hiển hiện trên mặt Dương. Nhìn đồng đội khóc tức tưởi vì hụt mất chiếc HCV, Dương chỉ lặng lẽ ngồi một chỗ. Chỉ vào đôi giày chạy hiệu Mizuno có giá gần 200 USD đã rách toạc ở phần gót, Dương buồn bã nói với phóng viên VnExpress: “VĐV Malaysia chạy sau đã cố tình đạp thẳng vào gót em. Lúc đó, em đã cố xỏ giày chạy tiếp nhưng không kịp nên lại quyết định chạy sau một vòng. Em thực sự không biết là điều này đã phạm luật. Em rất ân hận và muốn gửi lời xin lỗi tới Cương”. |
Khánh Sơn (từ Manila)