Thanhnkn
Ngày xửa ngày xưa, đã lâu lắm rồi... vịnh Hạ Long được lịch sử kiến tạo địa chất, trải qua khoảng 500 triệu năm với những kỳ cổ địa lý rất khác nhau cùng với quá trình tiến hóa carxto đầy đủ. Quãng thời gian dài đằng đẵng, hơn 20 triệu năm với sự kết hợp các yếu tố như tầng đá vôi dày, khí hậu nóng ẩm... ngày nay, chúng ta mới được chiêm ngưỡng một trong 7 kỳ quan mới của thế giới - vịnh Hạ Long.
Truyền thuyết kể lại rằng khi người Việt mới lập nước đã bị giặc ngoại xâm. Ngọc Hoàng sai rồng mẹ mang theo một đàn rồng con xuống hạ giới giúp người Việt đánh giặc. Thuyền giặc từ ngoài biển ào ạt tiến vào bờ vừa lúc đàn rồng hạ giới. Đàn rồng lập tức phun ra vô số châu ngọc và thoắt biến thành muôn nghìn đảo đá trên biển như bức tường thành vững chắc chặn bước tiến của thuyền chiến giặc. Đoàn thuyền giặc đang lao nhanh, bị chặn đột ngột đã đâm vào các đảo đá vỡ tan tành. Từ đó, người ta mới đặt tên là "Hạ Long - nơi rồng thiêng ngự trị".
Trong văn thơ ngày trước, cách đây hơn 500 năm, bài Lộ nhập Vân Đồ - Nguyễn Trãi cũng viết về Vịnh Hạ Long: "Kỳ quan đá dựng giữa trời cao" . Tiếp đến Huy Cận trong bài Đoàn thuyền đánh cá cũng viết:
Cá nhụ, cá chim cùng cá đé
Cá song lấp lánh đuốc đen hồng
Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe
Đêm thở sao lùa nước Hạ Long
Nếu chúng ta ví dải đất hình chữ S - Việt Nam, xinh đẹp như một nàng tiên giáng trần thì vịnh Hạ Long được xem như một chuỗi ngọc vô giá lấp lánh đeo trên cổ nàng với hơn 2000 viên ngọc, tượng trưng cho hơn 2000 hòn đảo lớn nhỏ mà thiên nhiên ban tặng cho đất nước. Chính từ những điều đó, cộng thêm hàng trăm tiêu chí khắt khe mới có thể thuyết phục thế giới công nhận vịnh Hạ Long kỳ quan như thế. Vậy hậu "kỳ quan thế giới" chúng ta thấy được gì?
Ảnh: Victoryhalong. |
Tôi được biết với số lượng hơn 24 triệu người bình chọn cho vịnh Hạ Long thì đây là con số thắng lợi và cũng là 1/4 điều lo. Vì sao tôi sử dụng số 1/4 như vậy bởi nếu so sánh 24 triệu người với gần 90 triệu dân Việt Nam thì quả là điều đáng lo, chưa tính đến chuyện trong số 24 triệu người nhắn tin bình chọn, mỗi một cá nhân có quyền được nhắn tin nhiều lần mà không bị hạn chế. Liệu những người còn lại họ thể hiện điều gì với tình yêu đất nước mình?
Họ là những người đứng ngoài cuộc, ngoảnh mặt làm ngơ với "thương hiệu quê hương" vì có thể họ chưa thấy được ý nghĩa của nó hay còn vì lý do nào khác thuộc về tình yêu đất nước? Họ đổ tại giá cước tin nhắn đắt hơn so với các tin nhắn thông thường, sợ bị móc túi từ nhà mạng. Họ thanh minh rằng có bình chọn hay không thì vịnh Hạ Long vẫn đẹp, dù cho không vượt qua cuộc thi, vịnh Hạ Long vẫn tồn tại? Họ ngờ việc bầu chọn cho kỳ quan chính là làm giàu cho ông chủ Weber - người sáng lập?
Họ đâu nghĩ rằng chỉ vì tiếc chưa tới nghìn đồng một tin nhắn, chỉ vì sự nghi ngờ nhỏ nhặt... để tham gia một sân chơi được thế giới công nhận là hợp pháp mà dẫn đến việc người khác có thể suy ra thái độ của họ với dân tộc ra sao? Xin để ngỏ sự đánh giá những người ngoài cuộc dành cho bạn đọc.
Thế giới này không chỉ có truyền miệng nữa rồi mà còn phụ thuộc rất nhiều vào cách truyền tin, đó là công nghệ. Việc chúng ta hô hào nhắn tin, quảng bá trên ti vi là đúng vì chỉ có như vậy du lịch Việt Nam mới được bạn bè chú ý và đem lại lợi ích cho đất nước. Nhưng người ta làm còn hấp tấp, còn thiếu, "nước đến chân mới nhảy", đó là thiếu sự thay đổi mạnh mẽ trong cách quản lý khi để các dịch vụ đi kèm còn nhếch nhác, môi trường xung quanh chưa được xử lý triệt để... người ta quảng bá kiểu ăn sổi.
Đáng lẽ nên làm song song bốn việc: giữ gìn - bảo tồn - cải tạo - nâng cấp các danh lam thắng cảnh (nói chung quy lại là bảo vệ môi trường, gìn giữ thiên nhiên chứ không chỉ riêng các kỳ quan) hay các dịch vụ đi kèm. Dạy ý thức tôn trọng thiên nhiên cho người dân, quảng bá hình ảnh qua các phương tiện: tivi, internet... chỉ có như vậy mới mong thuyết phục được du khách năm châu ghé tới Việt Nam.
Còn tôi ư? Dĩ nhiên là tôi đã bình chọn cho vịnh Hạ Long, tôi ít khi xả rác bừa bãi nơi công cộng, mỗi một ngày tôi dành một giờ trái đất không đèn, không sử dụng điện... Tôi mỉm cười hạnh phúc vì Hạ Long trở thành kỳ quan thế giới cũng có phần đóng góp của tôi mặc dù rất đỗi nhỏ bé. Tôi cũng mừng vì thế hệ sau này sẽ được kế thừa những giá trị từ "thương hiệu vịnh Hạ Long" - một trong 7 kỳ quan của thế giới mà cha ông để lại.
Hy vọng rằng sau sự kiện này, người dân Quảng Ninh nói riêng và cả nước nói chung đừng "ngủ quên" trên chiến thắng, hãy ý thức được vai trò của mình, cùng bắt tay để xây dựng lên một Việt Nam thật sự tươi đẹp.
Vài nét về blogger:
Bài đã đăng: Khi chuột giật mình, Thư của học trò 'hư' gửi thầy, Chuột 84 yêu rắn 89.