Trang Hạ
Tôi quen vài nhà văn nữ, không thân, nhưng cũng coi là đủ quen biết và tin cậy để tâm sự chuyện đời. Phụ nữ, viết văn, đều làm vợ, làm mẹ, đều đã trải dăm ba chuyện đời khó nói, có những niềm hạnh phúc không câu chữ nào viết tới. Cũng có những lựa chọn cuộc đời, không phải họ chọn, mà là đời văn đã chọn hộ họ, đắng cay ngọt ngào chỉ người trong cuộc cảm nhận trọn vẹn.
Một người vừa chạm ngưỡng tuổi ba mươi, một tay bút mấy năm tay nghề. Tài sản là vài giải thưởng văn học nho nhỏ, nghề thì chân ở tòa báo, chân ngoài ngạch văn chương, tay với vào kịch bản phim ảnh, tay còn lại vịn gia đình. Một lần trong cuộc ra mắt một sách mới, cô mang chồng tới giới thiệu cho bạn văn biết mặt.
Một ông già béo ị tóc đã rụng hết và răng giả, nhìn ngoại hình đã biết mang bệnh cao huyết áp, sự nghiệp đã hết thời, dù đưa ra danh thiếp mang tên Tây với mác Việt kiều yêu nước, giáo sư... Một người đã làm hỏng cả cuộc vui, chỉ vì đã nói quá nhiều về bản thân ông ấy và những chuyện đâu đâu ở ngoài xã hội, khéo nói và hay khoe chuyện ở Mỹ chuyện ở Tây, chứ ko thèm bận tâm người khác muốn nghe gì.
Bạn bè hỏi khéo, cô nhà văn nói thật: "Chắc bạn cũng ngạc nhiên với mình như nhiều người khác, là vì sao mình lại chọn một ông chồng thiếu sức sống như thế. Nhưng anh ấy tốt lắm, và mình hồi xưa qua người mai mối, gật đầu lấy luôn từ lúc chưa gặp mặt, chẳng cần yêu đương gì, kể cả giờ sống với nhau 6 -7 năm cũng thấy tình yêu chẳng để làm gì, mình yêu mãi mà có lấy được ai đâu, trong khi anh này yêu con mình lắm, từ hồi có thằng cu đến giờ, anh ấy chỉ biết có con thôi. Anh ấy để yên cho mình có thời gian viết văn, ra sách, đi nước ngoài học, viết báo, viết kịch bản, mình viết những lúc nào mình muốn, chứ không cần phải bận tâm lúc nào dỗ chồng ngủ dỗ con ngủ, lúc nào phải làm vợ, làm dâu... Thế là đủ!".
Nghề văn nghề báo, nói thật, ở Việt Nam là những nghề có được mấy tiền. Thế mà cô nhà văn lại đang là người kiếm tiền chủ yếu trong gia đình, ông chồng ngoài danh nghĩa ra, không có thu nhập nào lớn, đã về hưu ở Mỹ từ lâu và chọn Việt Nam làm chỗ quay về, nhân tiện lấy vợ. Nhưng cô này yên tâm vì chồng để yên cho mà ngồi viết văn viết báo. Và, cô ấy yên ổn với cuộc sống bình yên ấy, vì cô ấy cho rằng, lấy người khác hoặc làm bất cứ điều gì khác, thì cô ấy sẽ mất nhiều hơn được. Mỗi năm ra một cuốn sách, tổ chức một cuộc họp báo, trả lời vài bài phỏng vấn là đủ thỏa mãn mục tiêu sống. Cô ấy đã hoàn tất mục tiêu đời mình là có chồng và có một con, giờ cô ấy sống tiếp theo mục tiêu của một nhà văn, là viết. Và hy vọng người khác để yên cho cô ấy làm nhà văn.
Nữ nhà văn thứ hai rất nổi tiếng, lấy chồng đã mười mấy năm. Hạnh phúc vô kể. Nhưng họ không có con chung.
Một lần cà phê, tôi hỏi thật lòng, vì sao hai người yêu nhau đến thế mà không đẻ con chung. Cô nhà văn nói, cô muốn lắm chứ, phụ nữ mà, ai mà chẳng muốn đẻ con với người mình yêu. Nhưng ông chồng nói rằng, đẻ con thì cũng vui thật đấy, thích lắm, nhưng có một đứa con đồng nghĩa với một, hai năm túi bụi, ảnh hưởng tới việc viết, có con tức là phải hy sinh việc viết lách, tương đương với hai cuốn tiểu thuyết. Thế thì quá phí, nên ông chồng chọn hai cuốn tiểu thuyết, chứ không chọn con, và bà vợ cũng nghe theo chồng.
Chắc chỉ phụ nữ mới cảm nhận được, có khi viết văn còn quan trọng hơn là việc, ngủ với một tay đàn ông đẹp giai, cưới một ông chồng đại gia giàu có. Ảnh: Facebook Trang Hạ. |
Chị nhà văn thứ ba tôi rất ngưỡng mộ, đã lấy chồng Việt kiều và giờ đây hàng ngày ngồi nhà viết lách, thi thoảng về nước họp báo ra mắt sách, nếu không, chị cũng chỉ sáng sáng ra vườn tưới hoa vài phút, rồi lại vào nhà ngồi đọc và viết. Ông xã tôn trọng cô vợ làm nghề “văn chương nghệ thuật” nhưng gia trưởng, đã bắt chị chấm dứt việc viết kịch bản và các việc liên quan đến nhóm đông các người trong giới văn nghệ sĩ "nhàn cư vi bất thiện", chỉ còn cho phép chị ngồi một chỗ tưới hoa và viết văn, hai việc an toàn (đối với ông). Và một người đàn bà, cả tuổi trẻ lẫy lừng tình trường như thế, mà 50 tuổi lại chấp nhận làm bình hoa trang trí trong phòng của một ông chồng lạnh lùng? Hay bởi vì chí ít ông này còn cho phép chị viết văn (mà không bắt đi xới tuyết cho xe ô tô của ông này chạy khỏi gara buổi sáng?) hoặc bắt chị ra đường kiếm tiền nuôi ổng?
Chị nhà văn thứ tư thì đã bị chồng bỏ, lâu rồi, vì chị quá trẻ, còn chưa muốn ràng buộc, mà ông chồng đã ở đoạn cuối của hành trình chinh chiến trong đời một người đàn ông, rất cần đứa con trai, để chứng tỏ sự thành đạt vẹn tròn của một người đào hoa “đánh đâu thắng đó, muốn gì được đó”. Chị nhà văn thứ tư này giờ vui vẻ với việc làm từ thiện và ngồi nhà viết văn, ra quán cà phê viết văn, lên mạng viết văn... Chị chọn tự do, dù là thứ tự do chua chát, để còn thấy cuộc đời vẫn tuyệt vời vì dù không ai yêu và không yêu ai, chí ít vẫn có quyền thong thả ngồi viết văn.
Hình như, đàn bà viết văn khó hạnh phúc hơn những người đàn bà khác? Thấy tôi tập tọng cầm bút viết văn, được đăng nọ kia, có người bảo: "Đàn bà, đã đẹp rồi, đủ để đàn ông tử tế theo rồi, thì cần gì tới văn chương nữa?".
Họ nói như thể, đám đông nghĩ viết văn là son phấn của phụ nữ xấu, là chiêu kén chồng. Còn phụ nữ đẹp, có viết cũng sẽ chẳng để làm gì. Chắc chỉ phụ nữ mới cảm nhận được, có khi viết văn còn quan trọng hơn là việc, ngủ với một tay đàn ông đẹp giai, cưới một ông chồng đại gia giàu có.
Vài nét về tác giả:
Trang Hạ là một nhà văn viết truyện ngắn nổi tiếng ở Hà Nội. Chị từng là quán quân của Hội bút Hương đầu mùa báo Hoa Học Trò thập niên 1990.
Bài đã đăng:Tình yêu bắt đầu từ chiếc quần bục chỉ, Trang Hạ: 'Đừng bao giờ đứng yên một chỗ', Lý do Thị Nở có người yêu, còn bạn thì không, Đâu mới là người phụ nữ hạnh phúc, Đàn bà khôn học cách yêu mình.