Xem phóng sự được phát trên kênh truyền hình ANTV, nhiều khán giả nghĩ người phụ nữ và đứa bé trong khung hình chính là sản phụ Trần Thị Nga bị ung thư giai đoạn cuối và con của chị. Tuy nhiên từ tháng 9/2014, trong chùm ảnh hậu kỳ của phóng sự này, đạo diễn Binh Nguyên đã nêu rõ "đây chỉ là phim tái hiện'.
"Với sự giúp đỡ tận tình của các bác sĩ Bệnh viện Quân đội 175, chúng tôi đã tái hiện thành công ngoài mong đợi bản demo thứ hai "Con phải sống" của loạt phim tài liệu "Khoảng khắc sinh tử", ông Binh Nguyên chia sẻ trên Facebook.
Cũng theo vị đạo diễn này, chỉ là tái hiện lại câu chuyện đã xảy ra hai năm trước, nhưng gần như các bác sĩ quân đội tham gia đều muốn rơi nước mắt bởi họ nói "thật đến từng centimet". Hy vọng serie phim này sẽ thành công, được nhiều người đón nhận. Cùng với những dòng chia sẻ, đạo diễn cũng công khai với bạn bè trên Facebook cá nhân hình ảnh của đoàn làm phim và các bác sĩ tham gia tái hiện lại ca mổ đặc biệt.
Đạo diễn Binh Nguyên nói: "Sáng nay nhiều báo, đài, nhiều người gọi điện thoại hỏi, để xin share lại bản chính. Dù ending trong phim không chạy tên êkip sản xuất, nhưng nhiều người đoán ra phim của mình. Thông thường phim được nhiều người quan tâm phải vui, mà sao rất mệt mỏi và buồn kinh khủng, không nói nên lời".
Đạo diễn chia sẻ trên Facebook: "Sau khi phim được share một cách vô tội vạ, thì lại đến màn bình luận và ném đá vì cho rằng phim này là điện ảnh, làm phim giả tạo, cố tạo tình huống để lấy nước mắt, và đây không phải thể loại báo chí.... và phân tích loạn xạ trên mạng. Tôi xin nói lại lần cuối về chuyện này, đây là thể loại phim tài liệu - tái hiện từ câu chuyện có thật diễn ra vào năm 2012 và được êkip chúng tôi tái hiện vào năm 2014. Và khẳng định đây là phim tài liệu (chứ không phải một số người nhầm lẫn hay cố tình nhầm lẫn đây là tác phẩm điện ảnh, để cố tình quy chụp cho việc ekip cố tình dàn dựng để lấy nước mắt người xem).
Trong thể loại phim tài liệu, việc tái hiện lại câu chuyện có thật là rất bình thường với truyền hình thế giới, ví dụ như series phim tài liệu rất nổi tiếng "Seconds from Disaster" (Vài giây trước thảm họa) của kênh National Geographic, họ tái hiện cả tình huống nghiệt ngã trước cái chết trong khoang khi máy bay rơi... không lẽ phải bắt buộc người quay phim phải có mặt trong khoang khi máy bay rơi chăng? Nếu nói anh em chúng tôi tái hiện chưa đạt, làm phim chưa tốt thì rất chân thành cám ơn sự góp ý này".
Trò chuyện với bạn bè, diễn viên vào vai người mẹ bị ung thư cũng cho biết bộ phim này dựa vào câu chuyện có thật và được dựng lại, cô chỉ là một nhân vật. Dù vậy, cô cảm thấy không vui lắm khi "phim chưa phát sóng đã bị phát tán tùm lum".
Sáng 10/3, các bác sĩ ban giám đốc Bệnh viện quân y 175 (Gò Vấp, TP HCM) khẳng định đây là câu chuyện có thật và việc tái hiện hoàn toàn căn cứ vào lời kể của các bác sĩ tham gia chăm sóc cho bệnh nhân cũng như trực tiếp tham gia ca mổ. "Phim được bệnh viện phối hợp chặt chẽ với công ty dựng phim thực hiện", một bác sĩ nói.
Còn về phía gia đình bệnh nhân, chiều nay, anh Quyết chồng của sản phụ Trần Thị Nga, người bị ung thư trong câu chuyện cho biết, anh biết ơn các bác sĩ đã giúp đỡ tận tình cho vợ mình và cứu sống con mình. Tuy nhiên anh không muốn nhắc lại chuyện cũ. "Giờ con tôi khỏe mạnh, gia đình đã tạm nguôi ngoai những chuyện đã qua nên tôi không muốn nhắc đến nữa", người chồng nói.
Dài 15 phút, đoạn phim nói về chị Trần Thị Nga đang mang thai con đầu lòng nhờ thụ tinh nhân tạo thì phát hiện mình bị ung thư giai đoạn cuối. Với nỗ lực của các bác sĩ, chị Nga đã sống đến tháng thứ bảy của thai kỳ thì bệnh tình trở nên nguy kịch. Các bác sĩ quyết định thực hiện ca mổ cứu thai nhi. Việc phẫu thuật thành công nhưng chị Nga sau đó chỉ còn được sống bên con vài ngày.
Thiên Chương