Trung tâm chế biến thủy sản bị bỏ hoang. |
Theo Thanh Niên, người phải chịu trách nhiệm đầu tiên về những khoản thua lỗ, nợ nần khổng lồ của Seaprodex VN phải kể đến chính là những lãnh đạo trực tiếp của các công ty thành viên làm ăn kém hiệu quả.
Trong số 6 công ty thành viên đang hoạt động cầm chừng hoặc ngưng hoạt động chờ phá sản, giải thể, người ta thấy có nhiều khoản tài chính quá mập mờ, khó hiểu, có những khoản nợ hàng tỷ đồng không còn hồ sơ gốc...
Điển hình ở Công ty Dịch vụ và Xuất nhập khẩu thủy sản Seaprodex, trong tổng số nợ phải thu khó đòi gần 300 triệu đồng tính đến 31/12/2003 có hơn 42 triệu do một nguyên phó giám đốc công ty thiếu, phần còn lại thuộc một cá nhân cùng làm việc trong ngành!
Nhưng ly kỳ hơn là vụ mua tàu Sea 08 của công ty này để dẫn đến khoản phải trả không có khả năng thanh toán lên đến trên 42 tỷ đồng. Tàu Sea 08 thực chất được sử dụng từ năm 1979, đến thời điểm cuối thập niên 1980 Công ty Dịch vụ và Xuất nhập khẩu thủy sản Seaprodex mua về đã quá cũ, nhưng không hiểu sao lãnh đạo công ty này vẫn vồn vã mua mà không cần lập luận chứng kinh tế - kỹ thuật, tính toán hiệu quả kinh tế...
Vì vậy, ngay khi đưa vào khai thác tàu Sea 08 đã... lỗ nặng, với tổng lỗ từ 1991 - 1997 là hơn 18,2 tỷ đồng. Không biết lãnh đạo công ty này báo cáo thế nào mà hồ sơ xin vay vốn của công ty được các cán bộ tín dụng của 2 ngân hàng xác nhận "Tàu đang hoạt động bình thường", "Doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả"... để trình lãnh đạo ngân hàng duyệt cho vay.
Hậu quả là đến cuối năm 2003, khi đoàn Thanh tra Nhà nước tiến hành kiểm tra thì số nợ Ngân hàng Đầu tư phát triển Hà Nội đã lên đến hơn 13 tỷ đồng, nợ Ngân hàng Ngoại thương Hà Nội hơn 1,4 triệu USD và 5,4 tỷ đồng. Chưa hết, chuyến đi cuối cùng của con tàu đã bị mắc cạn tại cảng Cửa Lò (Nghệ An) khiến tàu hư hỏng nặng, phải bán rẻ...
Bên cạnh trách nhiệm trực tiếp của lãnh đạo các đơn vị thành viên làm ăn kém hiệu quả, nhiều cán bộ, nhân viên Seaprodex VN cho rằng có phần trách nhiệm rất quan trọng của ban lãnh đạo Seaprodex VN.
Tháng 9/2000, Ban Cán sự Đảng Bộ Thủy sản cũng đã có cuộc họp và quyết định kiểm điểm một số người có trách nhiệm. Những tưởng sau đợt kiểm điểm này, nội bộ Seaprodex VN sẽ đoàn kết để vực dậy hoạt động sản xuất - kinh doanh của đơn vị, nhưng con tàu Seaprodex vẫn tiếp tục "trục trặc".
Sau đợt kiểm điểm, đơn thư tố cáo những sai phạm tại Seaprodex vẫn tiếp tục dày lên và đáng lưu ý là những đơn thư này do chính những người có trách nhiệm ở Seaprodex VN gửi đến các cấp lãnh đạo.
Được biết, trong tháng 7 này, Thanh tra Nhà nước sẽ chính thức công bố kết luận thanh tra Seaprodex VN. Những khuất tất, sai phạm về tài chính ở Seaprodex VN ở mức độ nào sẽ được làm sáng tỏ, được chuyển đến các cơ quan chức năng để tiếp tục xử lý đúng người đúng tội.
Tuy nhiên, quá trình diễn ra những sai phạm tài chính, quản lý ở Seaprodex VN kéo dài suốt một thập niên với rất nhiều đơn thư tố cáo, dư luận không thể không đặt câu hỏi: cơ quan chủ quản là Bộ Thủy sản đã ở đâu trong vụ việc này để một tổng công ty hàng đầu trượt dài đến kết cục như hiện nay?...
Tổng giám đốc Seaprodex VN Nguyễn Đình Phương khẳng định với Thanh Niên: "Mất vốn chủ yếu là từ những đơn vị trước khi sáp nhập".
Về nguyên nhân của con số thua lỗ: chủ yếu là do những đơn vị trước khi sáp nhập, tiếp nhận vào tổng công ty từ trước 1995 đã hoạt động không hiệu quả, nợ phải thu khó đòi, nợ phải trả không có khả năng thanh toán... chưa được các cấp có thẩm quyền xử lý.
Cụ thể tổng công ty đã đề nghị xử lý các tồn tại về tài chính khi tiếp nhận 17 doanh nghiệp thành viên tại thời điểm giao vốn 1/1/1995 là 137,99 tỷ đồng và khi tiếp nhận 11 thành viên thời điểm 1997 là 18,44 tỷ đồng nhưng không được các cấp có thẩm quyền xử lý nên đã phát sinh thêm chênh lệch tỷ giá, lãi vay...
Tuy nhiên, Seaprodex VN vẫn có lãi: năm 1998 lợi nhuận là 20 tỷ đồng, năm 2003 lợi nhuận là 60 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần.
Theo phương án cổ phần hóa (Công ty Xuất nhập khẩu thủy sản đông lạnh 4, Công ty Xuất nhập khẩu thủy đặc sản, Công ty cổ phần Minh Hải) đã được Bộ Thủy sản phê duyệt thì tiền bán cổ phần được giữ lại để đầu tư cho Trung tâm Chế biến thủy sản xuất khẩu.
Tuy nhiên trong quá trình thực hiện có một số văn bản hướng dẫn chưa được rõ ràng, vì vậy đến năm 2003 Chính phủ đã ban hành Nghị định 64 cho phép tổng công ty được giữ lại tiền bán cổ phần tại các doanh nghiệp thành viên khi thực hiện cổ phần hóa.
Ông Phương cho biết: "Chúng tôi đã kiến nghị Bộ Tài chính xác định đúng số tiền phải nộp vào Quỹ Sắp xếp doanh nghiệp trung ương. Chúng tôi đã nộp vào quỹ này 8,1 tỷ và nếu trừ các khoản đầu tư vào Trung tâm Chế biến thủy sản ở Sóng Thần, tiền trợ cấp người lao động mất việc thì chúng tôi chỉ còn phải nộp hơn 4,7 tỷ đồng nữa thôi, chứ không lên đến 43 tỷ như thanh tra tính toán".
Ngoài ra, về đầu tư vào Trung tâm Chế biến thủy sản Sóng Thần: theo phương án cổ phần hóa các công ty đã được phê duyệt thì việc chúng tôi sử dụng vốn đầu tư hơn 16 tỷ đồng từ tiền bán cổ phần là đúng, việc HĐQT điều động vốn đầu tư vào trung tâm này cũng đúng theo quy định và quy chế hoạt động.
Còn việc phải tạm ngưng đầu tư tiếp trung tâm này là do thiết kế kỹ thuật và dự toán có nhiều sai sót nên không lập được hồ sơ mời thầu; tổng công ty đã mời Công ty Tư vấn CC thiết kế và lập tổng dự toán nhưng đơn vị này không thực hiện được; đồng thời xét thấy tính hiệu quả của dự án không khả thi, do đó đến tháng 3.2003 HĐQT có nghị quyết tạm ngưng việc triển khai dự án. Quyết định của HĐQT là phù hợp tình hình thực tế và theo quy định của Nghị định 52.