
Cầu thủ Iran im lặng trong thời gian thực hiện nghi lễ quốc ca trước trận vòng bảng World Cup 2022 gặp tuyển Anh tối 21/11. Ảnh: AFP
Tình hình ở Iran trở nên bất ổn từ tháng 9 sau vụ một phụ nữ 22 tuổi tên Mahsa Amin chết khi bị cảnh sát giam giữ. Làn sóng biểu tình phản đối chính phủ sau đó lan rộng trên toàn đất nước, bất chấp sự đàn áp của lực lượng an ninh. Hàng trăm người đã thiệt mạng vì bạo lực.
Từ chối hát quốc ca không phải hành động đầu tiên của Alireza Jahanbakhsh và các đồng đội để ủng hộ những người biểu tình. Hồi cuối tháng 9, họ từng mặc áo khoác đen để che đi màu cờ sắc áo của đất nước trong trận giao hữu với Senegal. Các đội tuyển bóng đá bãi biển, bóng nước, bóng rổ Iran cũng từ chối hát quốc ca trong những trận đấu gần đây.
Trước khi sang Qatar dự World Cup 2022, tuyển Iran có cuộc gặp mặt Tổng thống Ebrahim Raisi. Cuộc gặp này khiến những người biểu tình không hài lòng, họ đốt băng rôn, biểu ngữ cổ vũ đội tuyển ngay trước đêm giải đấu khai mạc. Trong một cuộc họp báo tuần trước, đội trưởng tuyển Iran Alireza Jahanbakhsh từ chối trả lời về việc họ có hát quốc ca hay không.
Trước trận gặp tuyển Anh, một một số CĐV Iran ở Qatar cũng thể hiện sự ủng hộ với những người biểu tình ở quê nhà. Họ mặc những chiếc áo phông có dòng chữ: "Phụ nữ, cuộc sống, tự do", khẩu hiệu phổ biến của phong trào phát sinh sau cái chết của Amin.
Trận đấu Anh - Iran kết thúc với chiến thắng 6-2 nghiêng về đội bóng xứ sương mù. Bellingham, Saka (lập cú đúp), Sterling, Rashford, Grealish là những người ghi bàn cho Tam sư. Hai bàn thắng của Iran đều được ghi do công của tiền đạo Mehdi Taremi. Thất bại này khiến tuyển Iran đối mặt với nguy cơ lớn không thể vượt qua vòng bảng World Cup 2022. Ở lượt trận tiếp theo, Iran sẽ đối đầu xứ Wales (tối 25/11) và Anh chạm trán Mỹ (rạng sáng 26/11).
Minh Khang (Theo Aljazeera)