Theo Lao Động và Tuổi Trẻ, do nhận định trường hợp bị nạn này chưa phải khẩn cấp, đồng thời, cũng do Trung tâm Cứu nạn KV2 hiện chỉ có tàu cứu hộ, tốc độ trung bình 15 hải lý/giờ, nhưng khoang nhiên liệu chỉ chứa được 16.000 lít dầu, tương đương vùng hoạt động 500 hải lý, do vậy với khoảng cách gần 400 hải lý - vị trí con tàu bị nạn (cả đi cả về 800 hải lý) là ngoài khả năng của tàu. Vì lý do này, Trung tâm quyết định chọn phương án thông báo với các cơ quan liên quan như UBND, Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Nam, Uỷ ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn và Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam nhằm điều động tàu đánh cá gần khu vực đó giúp đỡ.
Điều đáng nói là từ khi nhận được tin đề nghị giúp đỡ (ngày 14/5) đến 18/5, các cơ quan liên quan không liên lạc được với bất kỳ một tàu nào qua lại, hoặc ở gần khu vực tàu QN 9073 bị nạn, nhưng vẫn không đơn vị nào tìm giải pháp khác, hữu hiệu hơn. 23 thuỷ thủ cùng con tàu vẫn tiếp tục trôi dạt trên biển trong sự tuyệt vọng.
Mãi đến 9h ngày 18/5, khi không còn đủ kiên nhẫn chờ đợi sự giúp đỡ từ đất liền, 21/23 thuyền viên của tàu 9073 đã hoảng loạn, tự xuống thúng chai để tìm đường cứu mình. Và tình hình trở nên nghiêm trọng và cấp bách hơn khi chiều tối 18/5, một áp thấp nhiệt đới hình thành trên biển Đông, ngay trong khu vực tàu bị nạn nên họ lại quay trở về tàu.
Sáng 19/5, UBND tỉnh Quảng Nam đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp với các cơ quan liên quan tìm biện pháp ứng cứu tàu đánh cá 9073 cùng 23 ngư dân.
Bằng mọi cố gắng, 9h ngày 19/5, một cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Nam đã liên lạc được với tàu cá mang số hiệu 9198 QN-BTS của ông Nguyễn Năm (Hội An) đang hoạt động cách tàu bị nạn khoảng 30 hải lý để yêu cầu đến ứng cứu, UBND tỉnh sẽ chịu toàn bộ chi phí ứng cứu, lai dắt tàu bị nạn vào bờ. Tuy nhiên đến 14h 20 ngày 19/5 khi đã cập mạn được tàu bị nạn thì tàu này lại từ chối cứu nạn và bỏ đi, không rõ nguyên nhân.
Đến giờ này chiếc tàu đánh bắt hải sản xa bờ 9073 QN đang được đưa vào bờ... Theo tin từ Đài Thông tin duyên hải Đà Nẵng và ban chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Nam cho biết: Qua liên lạc với tàu đánh cá biển số Qna – 9198-BTS của ông Nguyễn Năm làm chủ tàu cho biết đã hoàn tất công tác cứu nạn, cứu hộ vào lúc 13h15 ngày 20/5 và đã nhổ neo đưa toàn bộ 23 thuyền viên vào bờ.
Theo tính toán khoảng cách từ khu vực tàu bị nạn về đất liền khoảng 380 hải lý, nếu thời tiết thuận lợi, không có sự cố xảy ra trên đường vào, thì ít nhất 8 ngày đến mới vào được đất liền. Điều lo lắng nhất hiện nay là thời tiết vùng biển này thay đổi thất thường và lượng lương thực, nước uống trên tàu liệu có đảm bảo cho hơn 50 thuyền viên trên cả 2 tàu.
Hiện tỉnh Quảng Nam đang triển khai phương án cho 2 tàu đánh bắt xã bờ của ngư dân trong khu vực tổ chức tiếp cứu trên đường vào. Mọi phí tổn cho công tác cứu hộ, cứu nạn này sẽ được UBND tỉnh tiếp tục xem xét hỗ trợ khi người và tàu bị nạn đã vào bờ an toàn.
Theo ông Vương Ngọc Châu, giám đốc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn khu vực 2, xưa nay việc đánh bắt xa bờ trên 150 hải lý, các tàu đánh cá thường đi có bạn (tức ít nhất cũng có 2 tàu trở lên) để hỗ trợ khi có diễn biến xấu. Nếu xa khơi một tàu sẽ dễ gặp bất trắc khó lường trước. Tuy nhiên hiện chưa có quy định nào buộc các tàu xa bờ phải đi có đôi, có cặp mà chỉ dừng lại ở mức độ khuyến cáo. Sau sự vụ này, chúng tôi sẽ kiến nghị với bộ đội biên phòng các cửa khẩu nên quy định chặt chẽ hơn đối với tàu xa bờ.