Với hai suất mới nhất do công của đô vật Vũ Thị Hằng (hạng 48kg) và tuyển thủ đi bộ Nguyễn Thành Ngưng, thể thao Việt Nam có tổng cộng 9 đại diện giành quyền chính thức tới Olympic 2016 tranh tài. Trong đó, cử tạ là môn thành công nhất khi đã có ba suất của nam và gần như chắc chắn sẽ có thêm một suất của nữ.
Vật nữ là môn gây bất ngờ nhất khi lần đầu đoạt tới hai suất, trước Vũ Thị Hằng là gương mặt quen thuộc Nguyễn Thị Lụa (hạng 53kg).
Xét về cá nhân, trường hợp của Nguyễn Thành Ngưng thực sự là một thành quả nằm ngoài dự kiến. Trước khi lập kỳ tích tại giải vô địch châu Á cũng là vòng loại Olympic, Ngưng chỉ luôn đóng vai “quân xanh” cho người chị ruột nổi tiếng Nguyễn Thị Thanh Phúc và thông số cao nhất của anh cũng cách xa chuẩn Olympic nội dung đi bộ nam tới cả chục phút. Tuy nhiên, cuối cùng Ngưng lại thành công ngoạn mục còn niềm hy vọng Thanh Phúc thậm chí còn không được tính thành tích vì bị phạm quy tới ba lần.
Các chuyên gia dự báo, từ giờ đến khi các cuộc đấu loại khép lại, Việt Nam sẽ có thêm ít nhất 5 suất chính thức nữa, của Nguyễn Tiến Minh, Vũ Thị Trang (cầu lông), Phan Thị Hà Thanh, Phạm Phước Hưng (thể dục dụng cụ), Vương Thị Huyền (cử tạ). Ngoài ra, niềm hy vọng mong manh còn được đặt ở một vài môn khác như taekwondo, boxing, canoeing và rowing.
Việc đoạt được một suất chính thức Olympic với thể thao Việt Nam khó hơn rất nhiều so với giành HC vàng SEA Games, thậm chí một số môn, nội dung, thử thách còn khó hơn cả huy chương Asiad. Tuy nhiên, các tuyển thủ xuất sắc lại đang phải chấp nhận thua thiệt khi không có một đồng tiền thưởng cho suất Olympic chính thức của mình. Theo quy định về các mức thưởng của nhà nước, việc đoạt suất Olympic không có trong danh mục. Ngành thể thao cũng chưa có một cơ chế hay nguồn kinh phí riêng để có thể thưởng riêng cho đối tượng đặc biệt này.
Hiện tại mới chỉ có Nguyễn Thành Ngưng được Liên đoàn điền kinh Việt Nam công bố thưởng 50 triệu đồng.
Thư Minh