Theo quy định, tên doanh nghiệp phải viết được bằng tiếng Việt và không được có những từ mang tính khẳng định chất lượng. Vì vậy một công ty chuyên về dịch thuật tại TP HCM đã may mắn khi chộp được cơ hội đăng ký cái tên độc đáo B.E.S.T. Đương nhiên là có dấu chấm hay không có dấu chấm giữa các chữ cái thì thiên hạ vẫn gọi là công ty BEST (công ty Tốt Nhất) chứ không ai gọi là “bờ e sờ tờ”!
Một trường hợp khác, dấu chấm đã cứu một bàn thua trông thấy cho doanh nghiệp. Anh T. quyết định thành lập doanh nghiệp mang tên của thương hiệu thời trang mà anh đã gây dựng nên tên tuổi. Tuy nhiên quy định không cho phép đặt tên công ty là TONY. Riêng chữ TONY thì không cách gì dịch tiếng Việt được, thế là anh phải “chế biến” bằng cách thêm dấu chấm để chẻ thành chữ T.O.N.Y và diễn giải đây là tên viết tắt của các thành viên công ty. Đương nhiên bước tiếp theo anh sẽ phải hợp thức hoá sao cho trong hồ sơ phải có đủ danh sách có bốn cái tên kể trên.
Tại quận 9, TP HCM có một công ty tên là Công ty Thương mại và dịch vụ Vui Vẻ! Bốn chữ “dịch vụ vui vẻ” nghe đầy hấp dẫn! Tuy nhiên, lĩnh vực kinh doanh của công ty không liên quan gì đến giải trí mà chỉ chuyên cung cấp và sửa chữa xe tải.
Trường hợp tên tiếng Anh hay và có nghĩa thì việc chuyển thể sang tiếng Việt cũng gian nan không kém. Anh D. quyết định thành lập công ty tư vấn ngôn ngữ và quảng cáo có tên Openlad. Cái tên Openlad có âm điệu rất hay mà lại giàu ý nghĩa. Trong đó, chữ lad thể hiện được cả lãnh vực ngôn ngữ (language) và quảng cáo (advertisement). Anh D. đã dịch tên tiếng việt là công ty Khai Thông. Tuy nhiên sở Kế Hoạch và đầu tư TP HCM chỉ chấp nhận chữ open là mở chứ không chịu là “Khai Thông”! Anh D. phải ôm mấy cuốn từ điển chạy lên chạy xuống sở nhiều lần để thuyết phục thì mới “khai thông” được cái tên công ty.
Không phải trường hợp nào cũng đẹp đôi đường Anh - Việt. Nhà đầu tư người Hong Kong vào TP HCM với dự định mở một công ty giao nhận vận tải, lấy tên là Award shipping nhưng cuối cùng công ty chỉ được ra đời với tên gọi Giải Thưởng. Mặc dù vậy, đối tác cũng nhớ đến tên Award Shipping. Thậm chí công ty còn phải cố gắng né chữ “Giải Thưởng” nhiều chừng nào hay chừng nấy vì rất khó phát âm và trên email. Trên giấy tờ khi không bỏ dấu tiếng Việt thì cái tên này trong rất buồn cười.
Còn vô số công ty khác phải cắn răng chịu đựng một cái tên tiếng việt rất ầu ơ để có một cái tên tiếng anh có ý nghĩa. Đơn giản vì đối tác của những công ty này thường là các nhà đầu tư nước ngoài, các giao dịch quốc tế nên tên tiếng Anh quan trọng hơn.
Đương nhiên là tiếng Việt không thiếu những từ độc đáo, có ý nghĩa để đặt tên doanh nghiệp. Nhưng trên thực tế, tên nào hay thì đã bị đăng kí và thậm chí những tên như Rồng Vàng, Rạng Đông, Bình Minh, Thăng Long, Hồng Hà… thì có đến hàng trăm doanh nghiệp, văn phòng luật sư, nhà hàng khách sạn đua nhau đặt. Có gần 20 doanh nghiệp trên cả nước có chữ Alpha trong tên gọi, năm doanh nghiệp có tên Beta, mặc dù những từ này không thuần Việt gì cho lắm.
Để giải quyết chuyện trùng tên, tháng 4/2004, Nghị định 109 về đăng kí kinh doanh ra đời hướng dẫn cụ thể việc đặt tên cho doanh nghiệp. Sau đó một thông tư hướng dẫn chi tiết hơn được ban hành. Theo đó, tên doanh nghiệp không được trùng với tên doanh nghiệp cùng loại hình đã đăng ký kinh doanh trước đó. Như vậy, vẫn có thể tồn tại và phát sinh công ty TNHH A, doanh nghiệp tư nhân A, công ty cổ phần A…
Luật gia Nguyễn Thanh Long, văn phòng luật sư Phạm và liên danh, cho rằng: “Quy định như vậy hết sức nguy hiểm vì đến một lúc nào đó cơ sở sản xuất A thành lập trước, muốn chuyển thành công ty TNHH A nhưng đã có công ty TNHH A, hay công ty TNHH B muốn thành công ty cổ phần B thì giải quyết thế nào? Ai sẽ nhường ai?”
Hiện Sở kế hoạch và đầu tư cũng “né” bằng cách đá luôn trái banh sang cho doanh nghiệp. Sở đề nghị những doanh nghiệp khi đặt tên trùng phải kí tên vào một bản cam kết nếu doanh nghiệp khác có khiếu nạn về tên thì phải … đặt tên khác!
Ngoài ra việc đặt tên doanh nghiệp lại lấn cấn ở chỗ các doanh nghiệp chỉ bị rà soát trùng tên trong phạm vi tỉnh, thành chứ không bị rà soát trên toàn quốc. Nếu một doanh nghiệp A nào đó thành lập sau nhưng đăng ký độc quyền tên thương mại của mình thì các doanh nghiệp có tên A (khác loại hình doanh nghiệp) được thành lập trước có phải đổi tên hay không thì vẫn còn mù mờ.
Theo luật Doanh nghiệp 2005 (sẽ có hiệu lực từ 1/7/2006), quyền quyết định tên doanh nghiệp được “chuyển giao” về cho cơ quan đăng ký kinh doanh. Cơ quan này có quyền từ chối chấp nhận tên dự kiến đăng ký của doanh nghiệp và quyết định của cơ quan này là quyết định cuối cùng. Các qui định khác liên quan đến tên doanh nghiệp được lặp lại đúng như Nghị định 109.
Hiện vẫn chưa có quy định hay hướng dẫn mới. Nhiều doanh nghiệp vẫn đang mong có một hướng dẫn mới cụ thể, chặt chẽ nhưng thoáng hơn để doanh nghiệp có thể hoà hợp được tên tiếng Anh, tên tiếng Việt và tránh được những tranh chấp đáng tiếc.
(Theo Pháp Luật TP HCM)