Tầm quan trọng của vitamin D
Roxana Ehsani, chuyên gia dinh dưỡng thể thao tại Miami, giải thích rằng vitamin D là một trong bốn loại vitamin tan trong chất béo (A, E và K là những loại còn lại). Ehsani cho biết thêm, đó cũng là loại hormone mà cơ thể tạo ra sau khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và đóng nhiều vai trò, bao gồm hỗ trợ hệ thống miễn dịch, chức năng cơ và thần kinh, khả năng hấp thụ canxi và hơn thế nữa.
Mặc dù vitamin D rất quan trọng đối với sức khỏe tổng thể, nghiên cứu cho thấy ước tính có khoảng 25% người Mỹ bị thiếu vitamin D. Điều này có thể nguồn thực phẩm và nhiều người không được tiếp xúc ánh nắng trong mùa đông, sống ở những vùng ít nắng hoặc che chắn làn da khi ở ngoài trời.
Lượng vitamin D hàng ngày được khuyến nghị cho người lớn trung bình là 20 microgam (800 IU). Trừ khi bạn dùng một thìa dầu gan cá tuyết (34 mcg) hoặc cá hồi hàng ngày, bạn có thể khó đạt được mức đó chỉ thông qua thực phẩm, vì hầu hết các nguồn thực phẩm chứa vitamin D đều cung cấp một lượng nhỏ.
Ở Mỹ, mọi người nhận được hầu hết vitamin D trong chế độ ăn uống từ sữa tăng cường, chứa từ 100 đến 150 IU mỗi khẩu phần khoảng 250 ml. Nhưng bạn cần uống một lít sữa trở lên mỗi ngày để đạt được mức khuyến nghị, trong khi mức tiêu thụ sữa đã giảm trong những năm gần đây, theo một số chuyên gia khi thảo luận về tình trạng thiếu vitamin D gia tăng.
Đó là lý do tại sao nhiều người quyết định uống thuốc bổ sung vitamin D. Tuy nhiên, bạn không chỉ muốn đảm bảo mình đang dùng đúng liều lượng mà còn muốn biết cơ thể hấp thụ nó đúng cách hay không.
Có hai loại vitamin D là D2 và D3. Thực vật, nấm và thực phẩm tăng cường tia cực tím cung cấp D2, trong khi chúng ta nhận được D3 từ ánh sáng mặt trời và các thành phần có nguồn gốc động vật. Mặc dù cả hai đều quan trọng và có lợi, vitamin D3 có khả dụng sinh học cao hơn vitamin D2. Điều này có nghĩa là cơ thể bạn sử dụng vitamin D3 hiệu quả hơn.
Trước khi bắt đầu bất kỳ chế độ bổ sung mới nào, hãy nói chuyện với nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe về loại vitamin D tốt nhất cho bạn.
Uống vitamin D sáng hay tối?
Theo sự đồng thuận khoa học hiện nay, Ehsani nhất trí rằng việc bổ sung vitamin D vào thời gian nào trong ngày không quan trọng.
Nhiều người thấy việc bổ sung vitamin D vào buổi sáng hữu ích. Những người khác thích dùng vitamin D sau khi dọn dẹp bữa tối. Nó sẽ không tạo ra sự khác biệt đáng kể về tỷ lệ hấp thụ dù bạn đổi từ thời điểm này sang thời điểm kia.
Có nên uống vitamin D cùng bữa ăn không?
David Davidson, chuyên gia dinh dưỡng, bác sĩ tim mạch của Tập đoàn Y tế Endeavour Health ở Chicago, xác nhận: "Thời điểm bổ sung vitamin D không quan trọng, nhưng nên uống cùng với thức ăn. Bởi nó là một loại vitamin tan trong chất béo nên thực phẩm, đặc biệt là chất béo lành mạnh, giúp hấp thụ vitamin D".
Ví dụ, nếu bạn có xu hướng ăn bánh mì nướng bơ hạnh nhân vào mỗi buổi sáng, hãy cân nhắc dùng nó trong bữa ăn đó vì bơ hạnh nhân chứa chất béo lành mạnh, theo Ehsani. Hoặc, nếu bạn muốn ăn tối bằng món salad kèm một ít quả óc chó và rưới dầu giấm, hãy uống vitamin D trước khi ngồi xuống bàn.
Ehsani thừa nhận: "Có thể không thực tế nếu bạn dùng nó trong bữa ăn nếu bạn ăn phần lớn các bữa ăn ở xa nhà và không thể mang theo thuốc bổ sung vitamin D mọi lúc mọi nơi".
Vì vậy, nếu đề xuất trên có thể khó thực hiện, hãy nói với bác sĩ về lịch trình của bạn và thời điểm bạn nghĩ sẽ phù hợp hơn.
Có thời điểm uống vitamin D tốt nhất không?
Giống như bất kỳ loại thuốc hoặc chất bổ sung mới nào, điều quan trọng là phải kiểm tra với nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe để xác định thời điểm tốt nhất cho bạn. "Tuy nhiên, theo nguyên tắc chung, thời điểm 'tốt nhất' là lúc phù hợp nhất với bạn", Ehsani nói.
Lý tưởng nhất là bạn nên bổ sung vitamin D trong bữa ăn chính hoặc bữa ăn nhẹ có chất béo. Nhưng nếu bạn cảm thấy cách này khó thực hiện hoặc bị buồn nôn, táo bón, thay đổi sự thèm ăn hoặc các triệu chứng bất lợi khác sau khi dùng thực phẩm bổ sung, hãy nói với bác sĩ.
Một số lưu ý
Đầu tiên, một số tình trạng có thể ảnh hưởng đến mức vitamin D (hoặc nhu cầu) của một cá nhân. Chúng bao gồm loãng xương, trầm cảm, bệnh thận hoặc gan và có tiền sử gia đình mắc các bệnh về thần kinh.
Theo Davidson, "những người có vấn đề về hấp thu, như bệnh viêm ruột hoặc sau phẫu thuật cắt dạ dày" phải làm việc với bác sĩ để điều chỉnh liều lượng và nhận được hướng dẫn về thời điểm dùng vitamin D.
Kích thước cơ thể cũng có thể thay đổi khả năng hấp thụ và liều lượng vitamin D, vì vậy hãy nhớ hỏi bác sĩ để có khuyến nghị riêng.
Hướng Dương (Theo Eating Well)