Tăng trưởng của đài TVB, Hong Kong không còn được tốt trong những năm gần đây. Điều này được phản ánh qua việc giá cổ phiếu của công ty giải trí lớn nhất Hong Kong này đã giảm 70%, so với mức cao nhất - thời điểm năm 2017. Báo cáo tài chính hàng năm được công bố cho thấy khoản lỗ ròng 280 triệu HKD năm 2020, đánh dấu năm thứ ba liên tiếp công ty này ghi nhận lỗ.
Cổ đông lớn nhất kiêm chủ tịch hội đồng điều hành của TVB - ông Lê Thụy Cương (Li Ruigang) - hôm đầu tháng 4 chỉ trích gay gắt việc đài này mất phương hướng trong suốt 10 năm qua. Ông trùm truyền thông, người được mệnh danh là Rupert Murdoch của Trung Quốc do có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực phát thanh truyền hình Trung Quốc, đã sở hữu cổ phần của mình tại TVB từ năm 2015. Ông Lê chỉ ra các vấn đề, từ các chương trình của đài, đội ngũ quản lý, hình ảnh và hoạt động của đài đều đang già đi. Văn hóa làm việc độc hại với bè phái cùng sự thiên vị lộ liễu đang cản trở khả năng đổi mới của đài, đồng thời kìm hãm sức trẻ.
Tin rằng TVB có trách nhiệm hỗ trợ quảng bá, giới thiệu nền văn hóa Hong Kong, ông Lê chỉ trích nặng nề về tình trạng bế tắc của đài - liên quan đến bốn công ty âm nhạc lớn nhất - cũng như việc cấm nhiều ca sĩ xuất hiện trên nền tảng của họ, trong khi chỉ tập trung quảng bá các ca sĩ đã ký hợp đồng với đài.
Ông Lê đồng thời lên án hoạt động của Big Big Shop của TVB lẫn các liên doanh thương mại điện tử khác. Ông cho biết nhiều bạn bè của ông đã phản hồi tiêu cực, sau khi sử dụng các dịch vụ thương mại điện tử mà TVB cung cấp. Ông cho rằng các hoạt động thương mại điện tử của TVB không nên được kiểm soát bởi các nhà quản lý truyền thông của đài, mà cần một đội ngũ chuyên nghiệp, có am hiểu về các hoạt động thương mại điện tử.
Cho rằng TVB đã "chạm đáy" và cần phải cải tổ ngay lập tức, ông Lê tin rằng nếu những nỗ lực của TVB không được cải thiện, công ty sẽ phá sản.
Những lời chỉ trích của ông Lê được đưa ra trong bối cảnh TVB gặp rất nhiều khó khăn về hướng đi. Theo tờ HK01, giám đốc điều hành của TVB, ông Mark Lee gần đây cho biết sẽ từ chức, quyết định sẽ được đưa ra tại cuộc họp cổ đông diễn ra vào 26/5. Kể từ khi trở thành giám đốc điều hành vào năm 2015, ông Mark Lee được cho là đã có nhiều nỗ lực để thúc đẩy mạng lưới của TVB tiếp cận với nhiều khán giả hơn. Ông đã triển khai nền tảng dịch vụ OTT cho nhiều kênh TVB, bao gồm myTV Super, Big Big Shop và TVB Anywhere. Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực số hóa này, TVB vẫn báo cáo năm thứ ba liên tiếp lỗ, cùng với giá cổ phiếu giảm mạnh.
Là một phần của những thay đổi mới cho đài, diễn viên, nhà sản xuất Tằng Chí Vỹ (Eric Tsang) và diễn viên Vương Tổ Lam (Wong Cho Lam) hồi đầu năm đã được bổ nhiệm làm quản lý, nhằm cải thiện chất lượng chương trình và thu hút lượng người xem tại thị trường Đại lục.
Hiện tại, Tằng Chí Vỹ giữ chức phó tổng giám đốc của TVB kiêm cố vấn đặc biệt cho mảng hành chính. Anh được giao nhiệm vụ phụ trách các chương trình tạp kỹ, đồng thời đào tạo, ươm mầm thế hệ nghệ sĩ trẻ cho nhà đài. Trong khi đó, Vương Tổ Lam đảm nhận vai trò giám đốc sáng tạo, hỗ trợ Tằng Chí Vỹ phát triển các nội dung đa dạng và thông tin giải trí cho đài. Chia sẻ về trách nhiệm mới của mình, Tằng Chí Vỹ nói: "Tôi muốn kết hợp một số ý tưởng mới vào việc ươm mầm những tài năng trẻ, nhằm cung cấp nội dung chất lượng cao hơn và các chương trình đa dạng hơn cho đài".
Vương Tổ Lam thì cho biết bản thân đang tìm hiểu thêm về các nền tảng và hoạt động kỹ thuật số, bao gồm phát sóng trực tiếp, thương mại điện tử và sản xuất các chương trình thực tế ảo... Anh cho biết đã làm quen với các đội sản xuất hàng đầu từ nhiều nơi trên thế giới như Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản. Vương Tổ Lam hy vọng sẽ sử dụng kiến thức mới học được và nhiều sáng tạo khác nhau trong công việc tại TVB.
Một nguồn tin cũng cho hay, chủ tịch TVB - ông Hứa Đào (Thomas Hui) - sẽ tiếp quản vị trí của ông Mark Lee. Tuy nhiên, một nguồn tin khác thuộc đài lại tiết lộ rằng việc kế nhiệm này sẽ không thể thực hiện được, do chính sách của công ty quy định rằng một người không thể đồng thời kiêm nhiệm cả chủ tịch và giám đốc điều hành. Do đó, nhiều người đồn đoán rằng TVB sẽ tuyển dụng một người có trình độ phù hợp để đảm nhận vị trí này.
Lịch sử của nhà đài TVB bắt đầu từ khoảng cuối thập niên 1960. Lúc này, ông Thiệu Dật Phu - một doanh nhân trẻ có chí hướng - tham gia vào lĩnh vực truyền hình. Năm 1967, Thiệu Dật Phu cùng một số cổ đông khác thành lập Đài phát thanh, truyền hình Hong Kong (TVB). Năm 1971, ông mở lớp đào tạo nghệ sĩ đầu tiên. TVB về sau trở thành nơi sản sinh ra những ngôi sao hàng đầu của xứ Cảng thơm và cả khu vực châu Á. Với vai trò chủ tịch TVB, Thiệu Dật Phu đưa lịch sử phim ảnh Hong Kong lên một tầm cao mới, ảnh hưởng sâu rộng tới ngành công nghiệp giải trí khu vực.
Trong suốt những năm phát triển, TVB cho ra đời nhiều lứa diễn viên xuất sắc, cùng các tác phẩm kinh điển như Bến Thượng Hải (1980), Phượng Hoàng Lửa (1981), Anh Hùng Xạ Điêu (1983), Lộc Đỉnh Ký (1984), Thần Bài (1989), Đại Thời Đại (1992), Nguyên Chấn Hiệp (1993), Hồ Sơ Trinh Sát (1995)... Tuy nhiên, từ năm 2008, khi ông Thiệu Dật Phu lâm bệnh nặng, tình hình của đài bắt đầu rối ren. Năm 2011, ông Thiệu bán toàn bộ cổ phần của mình, chính thức chuyển giao "đế chế" vào tay người khác.
Nguyễn Hương (Theo ON)