"Hạ nhiệt độ" hết mức có thể
Nếu ông Trương Phi đến chơi nhà bạn, phải tìm mọi cách tống khứ ông ý đi. Tạm gác mọi chuyện lại để khi thật bình tĩnh mới nói tiếp. Đi dạo một vòng, chơi với chú cún ở nhà, xem phim, nhảy nhót la hét theo tiếng nhạc... là vài gợi ý cho bạn. Khi đã OK, khi đã sẵn sàng lắng nghe anh ấy và anh chàng cũng sẽ sẵn sàng lắng nghe bạn nỉ non thôi.
Hành động vs lời nói
Lúc đã bình tĩnh, việc quan trọng nhất là nói thẳng tuột mọi thứ khiến bạn thấy khó chịu. Loại hoàn toàn suy nghĩ sẽ sử dụng các chiêu thức giận dỗi cổ điển của phe XX để khiến đối phương chùn bước đi nhé! Không nhiều anh chàng nhận ra bạn gái mình đang "chiến tranh lạnh" đâu, có khi tưởng bạn đang đau bụng ấy chứ!.
Cô nàng Liên (20 tuổi, quận 3) chia sẻ: "Mỗi lần giận nhau, tôi để cho anh ấy tha hồ gọi điện thoại, nhắn tin. Để chế độ rung và cố gắng không ngó ngàng đến cái tít tít. Nhưng mãi rồi anh ấy cũng chán, không gọi điện hay năn nỉ tôi làm gì nữa. Cuối cùng thì cái tính trẻ con khiến tôi phải đi làm lành trước".
Coi chừng lạc đề
Khi xả cơn tức giận của mình, thế nào bạn cũng sẽ lôi những chuyện cũ (đã được giải quyết xong) hoặc những chuyện có liên quan (dù chỉ một ít) ra để viện trợ cho mình. Gene XY vốn không thích nghe nhiều. Nói dài, nói dai, thế nào cũng nói lạc đề. Chú ý tập trung vào chủ đề chính - tức là vấn đề đã châm ngòi nổ chiến tranh. Giải quyết dứt điểm thế thôi. Cộng gộp mọi thứ lại có thể khiến bạn nổi điên lên rồi cuối cùng có khi lại tức giận vì cái chuyện từ hồi năm ngoái.
Đừng để "cọng rơm làm gãy lưng lừa"
"Mình từng để dành mấy chuyện nhỏ nhỏ lại, dù giận lắm nhưng chỉ giữ im lặng vì không muốn hai đứa suốt ngày cứ lục đục. Đến khi không còn chịu nổi được nữa, mình đem tất cả ra nói. Như một giọt nước làm tràn ly, mọi thứ không thể cứu vãn được nữa. Ex của mình thậm chí không nhớ được anh ta đã từng làm nhiều việc khiến mình buồn như vậy...", Thanh Phương, 19 tuổi, chia sẻ chuyện buồn. Vài chuyện nhỏ gom lại to chuyện như chơi. Các anh chàng không biết mô tê gì nếu bạn không nói rõ ngọn ngành ngay sự việc xảy ra đau.
Chiến tranh fair play
Nghĩa là phải biết cách "chơi đẹp" dù bạn đang... sôi máu. Khi yêu một người nào đó càng lâu thì bạn càng biết cách làm thế nào cho anh ta đau một trận ra trò. Làm vậy chỉ khiến tình hình thêm rối rắm. Chịu nhịn một bước để tiến chục bước.
"Con trai thì dễ bị nhũn ra trước những lời lẽ nhẹ nhàng tình cảm lắm. Nhiều khi tôi là người có lỗi, nhưng anh ấy thú nhận cứ nghe tôi tỉ tê trình bày là bực dọc cứ vác ba lô ra đi hết.", Trang Anh, 21 tuổi. Xả giận sẽ làm bạn thoả mái lúc đó nhưng người xả giận lại đang ôm một cục tức khác. Hãy giúp anh ấy thấy chỉ số thông cảm và tha thứ của bạn rất cao đừng chằm chặp nhắm vào điểm yếu và lỗi sai của anh ấy nhé.
Loại ngay cụm từ "Luôn luôn" và "không bao giờ".
Không phải chỉ vì tính chất không tưởng của nó, mà bởi vì cột chặt một chàng trai và lời hứa "Sẽ không bao giờ làm thế nữa" chỉ khiến bạn buồn hơn sau này thôi... Để cho chàng thoả mái và tự ý thức được phải làm gì để mật độ làm bạn buồn và giận thưa dần đi.
Sau mỗi cuộc chiến tranh lạnh, hãy ngồi lại với nhau và nói chuyện tìm ra ngọn ngành của "ngòi nổ" cả hai cùng khắc phục và cố gắng thì mọi chuyện sẽ đâu vào đấy thôi .
Nhưng nếu như hai bên cứ nổ súng liên tiếp với cường độ chóng mặt thì rõ là cần phải xem xét lại. "Một nửa của bạn phải là người cho bạn niềm vui khi ở cạnh nhau. Dù yêu nhau cỡ nào mà không hợp tính cách thì sớm muộn cũng đường ai nấy đi cho cả hai người dễ thở". (Kim Ngân)
(Theo Sinh Viên Việt Nam)