- Cách nhìn nhận của ông về hôn nhân có gì thay đổi qua thời gian?
- Ngay từ khi còn nhỏ, ba tôi đã căn dặn anh em tôi: "Tụi con, không đứa nào sau này được phép lấy 2 vợ". Tôi đã được giáo dục về hôn nhân như thế từ cả hai phía: Học đường và ba mẹ tôi.
Thế nhưng, khi đã trải qua hơn nửa cuộc đời trong một thời thế nhiều biến động và thay đổi, chứng kiến nhiều bi kịch hôn nhân xảy ra ngay xung quanh và sát bên cạnh mình, hôn nhân đối với tôi không còn ý nghĩa như khi còn trẻ nữa. Đừng vội đổ lỗi cho chủ nghĩa thực dụng ngày nay là nguyên nhân chính cho sự thay đổi cách nhìn nhận những giá trị hôn nhân đã có từ bao đời của người Việt. Chính chủ nghĩa tự do và tiến bộ khoa học làm lộ ra bộ mặt của hôn nhân: ràng buộc và đạo đức giả.
![]() |
Họa sĩ Trịnh Cung và cô vợ trẻ Phương Lan. |
- Nhưng ông từng lấy vợ và sống rất hạnh phúc, ông nói sao về điều này?
- Chỉ là do may mắn thôi. Bà xã tôi, lúc còn sống, là một người vợ hiền khó kiếm. Không bao giờ tiêu xài riêng cho mình (kể cả mỹ phẩm và đồ lót), tất cả tiền bạc có được đều dành chăm lo cho cuộc sống của chồng con. Ngoài ra, còn rất hiếu khách và lễ độ, nhất là dành cho tôi một chế độ tự do tuyệt đối trong sinh hoạt văn nghệ. Đó là những đức tính mà vợ tôi thể hiện suốt 25 năm chung sống trước khi vĩnh viễn ra đi vì bệnh ung thư (1997).
Như thế, tất nhiên, tôi không thể làm gì khác hơn là sống nghiêm túc và yêu thương bà ấy hết lòng mặc dù biết rằng việc sáng tác của tôi sẽ bị hạn chế phần lớn vì lẽ đó. Tôi đã nhiều lần quay lưng lại với các cơ hội mặc cho sự lãng mạn trong tôi thời ấy đang ở cao trào.
Trách nhiệm và đạo đức kiểu người phương Đông có gia đình, dù anh hay chị có là nghệ sĩ thì cũng vì đó mà khó đạt tới một cuộc dấn thân 100% trên con đường sáng tạo như người phương Tây. Và tất nhiên, chúng ta đã phần nào sống không thật, thậm chí thường phải lừa dối khi hôn nhân ấy một ngày nào đó có vấn đề.
- Sắp tới họa sĩ sẽ tiến thêm bước nữa, ông có thể nói về điều này?
- Đây thật sự là một áp lực đối với tôi và cả với cô ấy. Phía trước chúng tôi là cả một tương lai đầy thách thức và sau lưng là cả một làn sóng đố kỵ.
Nhưng chúng tôi sẽ làm tất cả những gì có thể làm được để tình yêu của chúng tôi được vinh danh và nhất là sự an bình cho đứa con của chúng tôi khi nó chào đời. Nếu đây là một cuộc hôn nhân lần nữa thì nó hoàn toàn được ý thức, không phải là một phụ nữ nào cũng có khao khát một lần được mặc áo cưới. Cô ấy cũng không là một ngoại lệ. Để cô ấy nghĩ rằng mình là một người không may mắn khi phải trở thành người vợ "không xe hoa" sẽ là một cái tội của tôi, mặc dù cô ấy không hề đòi hỏi.
Nhân đây, tôi muốn kể một câu chuyện có thật của người bạn đã quá cố, nhà báo C.. Nhiều tháng trước khi căn bệnh ung thư tái phát, anh ấy thường tâm sự với tôi về việc chọn thời điểm để tổ chức đám cưới cho T. - người vợ trẻ đã có với anh một bé gái 3 tuổi. Anh nói: "T. rất thích được mặc áo cưới một lần và tôi cũng muốn làm một bữa tiệc nhỏ thân mật để giới thiệu T. với gia đình và bạn bè...". Đáng tiếc thay, căn bệnh khủng khiếp ấy không chỉ đã cướp đi một tình yêu mà còn làm tan vỡ giấc mơ mặc áo cưới dù có muộn của T. và dự định đẹp đẽ của anh nhà báo vang danh nọ.
(Theo Mỹ Thuật)