Theo bà Võ Hạnh Phúc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có ý định tìm kiếm một số nơi để ông an nghỉ khi qua đời. Ban đầu, ông có ý định về căn cứ địa Việt Bắc (ở Thái Nguyên) hoặc ở đâu đó vùng Sơn Tây cho gần Bác Hồ. Tuy nhiên, cuối những năm 1990, sau nhiều lần về thăm quê hương Quảng Bình, ông nghĩ mình sẽ về với quê hương. Khi đó, gia đình cũng đã đi xem xét nhiều nơi trong tỉnh nhưng cuối cùng ông chọn vùng Vũng Chùa - Đảo Yến thuộc huyện Quảng Trạch.
Khi ông mất, trả lời Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị về vấn đề tổ chức tang lễ, đại diện gia đình bày tỏ rằng, suốt đời Đại tướng không có yêu cầu gì và đây là yêu cầu duy nhất. "Ông muốn về với miền Trung, miền đất nghèo khó nhưng giàu truyền thống anh hùng. Quyết định về Vũng Chùa - Đảo Yến có từ năm 2006. Ông có bút tích để lại về việc này", bà Võ Hạnh Phúc chia sẻ
Cũng theo bà Phúc, mong muốn của ông là được về Quảng Bình nhưng không nhất thiết là ở quê, làng An Xá (nơi ông sinh ra). Nơi an nghỉ của ông nằm ở khu vực đất liền, chứ không phải ngoài đảo, để người dân thuận tiện đến thăm viếng.

Bà Võ Hạnh Phúc xúc động trước tình cảm người dân dành cho cha mình.
Chia sẻ thêm về tình cảm cha - con, bà Phúc cho biết, trong gia đình ông là một người cha rất hiền hậu nhưng cũng rất nguyên tắc. Trong dạy dỗ con cái, ông và bà rất có ý thức rèn luyện cho tất cả con cái tự lập từ nhỏ và không nhờ vả hay đòi hỏi bất kỳ sự giúp đỡ hay ân huệ gì khi có khó khăn. Ông không phải là người cha nghiêm khắc mà là người cha nhân hậu, đôn hậu rất thương các con nhưng không nuông chiều. Ông và bà không bắt buộc ai trong số các con phải lựa chọn ngành nghề mà để tự quyết định nhưng đã làm việc gì thì phải hết sức.
Bà kể: "Con gái tôi, cháu Ngọc Anh, khi 13 tuổi rưỡi bị bệnh hiểm nghèo, bệnh máu trắng. Trong một lần gia đình tụ họp, quây quần, ông có căn dặn các cháu phải học tập thật tốt ít nhất phải 7-8 điểm, riêng Ngọc Anh chỉ cần 5,5. Khi các cháu khác thắc mắc vì sao Ngọc Anh chỉ cần 5,5, ông trả lời vì Ngọc Anh còn nhiệm vụ khác là rèn luyện sức khỏe cho ngày càng tốt lên. Ông nói thêm vì 5,5 đã là điểm trung bình khá. Tôi nghĩ là ông đã rèn cho chúng tôi tính tự lập cao, tự làm mọi việc, luôn tìm hiểu để giải quyết vấn đề khó khăn như thế nào. Những lúc cần, lúc nào chúng tôi cũng có thể tìm được lời khuyên từ ông bà. Hai ông bà luôn trả lời những câu hỏi, thắc mắc của chúng tôi nhưng không làm thay".
Bà Phúc thay mặt gia đình gửi lời cảm ơn sâu sắc tới toàn thể nhân nhân, tới đồng đội của ông, đặc biệt là các bác tuy tuổi cao sức yếu vẫn dành thời gian quý báu tới thăm viếng, dành sự thành kính đối với Đại tướng.
"Trong những ngày qua, gia đình chúng tôi rất cảm động vì tình cảm của nhân dân. Sau khi ông ra đi, tối 4/10, nhiều bạn trẻ đã, đứng bên kia đường, bên hàng rào ở nhà 30 Hoàng Diệu, thắp nến đặt hoa tưởng niệm ông. Tang lễ không thể đáp ứng được hết tình cảm của nhiều thế hệ nên đến ngày 5/10 khi lập bàn thờ gia đình mới có ý nghĩ mở cửa cho nhân dân đến tưởng niệm ông. Khi bắt đầu mở cửa, thấy tình cảm của nhân dân, gia đình rất cảm động khi chứng kiến dòng người đứng xếp hàng. Có nhiều người lính là chiến sĩ cũ của ông, các cựu chiến binh, đủ mọi thành phần lớp nhân dân. Tình cảm của người dân khiến chúng tôi thật xúc động", bà cho biết.
Gia đình quyết định thời gian viếng chỉ kéo dài đến 11h trưa ngày 11/10 để mọi người còn chuẩn bị cho lễ viếng chính thức vào sáng hôm sau. Sáng 8/10, sau khi gia đình và Ban tổ chức lễ tang thống nhất vị trí an táng thi hài Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông Võ Điện Biên (con trai Đại tướng) và lãnh đạo tỉnh Quảng Bình đã đến Vũng Chùa - Đảo Yến (xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch) chuẩn bị cho Lễ an táng. Sở Giao thông Vận tải Quảng Bình đã điều động lực lượng, phương tiện sửa chữa và mở tuyến đường cơ động dài khoảng 1 km vào vị trí an táng, dự kiến hoàn thành trong hai ngày. Hiện, toàn bộ khu vực đã bị phong tỏa để phục vụ việc thi công.
Các bên liên quan đã thống nhất sử dụng máy bay ATR72 của Vietnam Airlines đưa linh cữu Đại tướng về quê. Ngoài ra, sẽ có thêm một chiếc A321 phục vụ cho gia đình Đại tướng cùng Ban lễ tang.
Theo kế hoạch, sau lễ truy điệu sáng 13/10, đoàn xe rước linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ đi theo lộ trình từ Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông qua các phố Tràng Tiền, Tràng Thi, Điện Biên Phủ qua nhà của Đại tướng ở số 30 Hoàng Diệu. Sau đó, đoàn xe đi theo về hướng Kim Mã, Cầu Giấy ra sân bay Nội Bài. Linh cữu của Đại tướng sẽ được chuyển lên máy bay để đưa về sân bay Đồng Hới (Quảng Bình). Từ sân bay Đồng Hới, linh cữu Đại tướng tiếp tục được đưa bằng ôtô trên quãng đường khoảng 60 km đến địa điểm an táng tại khu vực Vũng Chùa - Đảo Yến (thuộc xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch). Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần lúc 18h09 ngày 4/10 tại Bệnh viện quân y 108. Tang lễ ông sẽ được tổ chức theo nghi thức Quốc tang. Lễ viếng được tổ chức tại Nhà tang lễ quốc gia số 5 Trần Thánh Tông từ 7h30 ngày 12/10. |
Theo Tiền Phong