Những ngày ở nhà chống dịch, Trương Ngọc Ánh lật giở lại nhiều cuốn phim xưa cũ của mình. Sau Em và Michael Jackson, bộ phim đầu tiên đóng chính cách đây 29 năm, cô tìm lại cả bầu trời ký ức với Đồng tiền xương máu. Không chỉ là tác phẩm tiêu biểu trong sự nghiệp của cô, đó còn là series phim kinh điển tạo làn sóng yêu thích rầm rộ trên truyền hình Việt Nam 23 năm trước. 17 tập phim gói gọn nhiều vấn đề gia đình và xã hội thời mở cửa kinh tế thị trường, thông qua câu chuyện của gia đình ông Khải, một giám đốc nhà máy mang tư tưởng cố hữu, đối lập những đứa con khao khát làm nên đột phá.
Trong phim, Trương Ngọc Ánh vào vai Lan Anh, con gái út của ông Khải (NSND Lâm Tới). Từ bỏ cuộc sống nhung lụa và cơ hội việc làm bố sắp sẵn cho mình, Lan Anh cưới kỹ sư nghèo tên Huy (Quyền Linh), theo anh lên Tây Nguyên làm kinh tế mới, bất chấp sự phản đối của gia đình.
Tin đồn phim giả tình thật
Trong các cặp tình nhân của Đồng tiền xương máu, Quyền Linh - Trương Ngọc Ánh được yêu thích nhất bởi câu chuyện của họ kết viên mãn sau nhiều tiếng cười lẫn nước mắt. Quyền Linh để râu, ăn mặc lôi thôi, rất ra dáng người đàn ông bất đắc chí. Trương Ngọc Ánh thì mang vẻ thanh lịch, mạnh mẽ từ đời vào phim. Tưởng như "lệch tone", vậy mà họ vô cùng xứng đôi trên màn ảnh.
Trương Ngọc Ánh bảo: "Đến giờ, nhiều người vẫn tưởng tôi và anh Linh là một cặp. Nhưng tôi công nhận hai anh em vào vai quá ngọt, chân thành và tự nhiên. Tôi nhớ nhất cảnh anh Linh lẻn vào phòng tôi và trốn dưới gầm giường ở tập 1. Cái giường vừa nhỏ vừa thấp, anh Linh thì to con, khó khăn lắm mới đậy vừa tấm dát giường".
Đối với Trương Ngọc Ánh, Quyền Linh là một bạn diễn đáng quý. Hậu Đồng tiền xương máu, khán giả rất mong chờ họ tái hợp. Nhưng cả hai đều có những ngã rẽ riêng. Quyền Linh phát triển vai trò MC, chuyên tâm cho chương trình truyền hình và các hoạt động thiện nguyện. Trương Ngọc Ánh thì tạo dựng "đế chế" điện ảnh của riêng mình. Cô nói đùa rằng chưa có kịch bản nào đủ hấp dẫn để hai người tiếp tục là một cặp trên phim.
Trải nghiệm làm gái Tây Nguyên
Theo kịch bản Đồng tiền xương máu, vai Lan Anh chủ yếu xuất hiện ở Buôn Mê Thuột. Trương Ngọc Ánh và Quyền Linh đã "đóng đô" hai tháng tại đây để vào vai cặp vợ chồng phố núi. Cái nắng gắt, nóng khô của Tây Nguyên ám ảnh Trương Ngọc Ánh đến tận bây giờ. Một ngày ba bữa, cô quay vòng trứng chiên hoặc trứng luộc ăn kèm nước tương và cơm trắng, do đồ ăn địa phương không hợp khẩu vị của cô.
Nữ diễn viên kể: "Ngày ấy, kinh phí sản xuất và điều kiện làm phim còn hạn chế, diễn viên rất vất vả nhưng vui lắm. Xong phim trở về nhà, tôi đen thui, gầy nhom. Cả nhà bảo tôi đen như khỉ. Nhưng tôi nghĩ phải như vậy mới đúng chất nhân vật. Đóng bà chủ tiệm máy cày mà trắng trẻo nõn nà, ăn mặc diêm dúa thì làm sao thuyết phục khán giả!".
Trong phim, vợ chồng Huy - Lan Anh có hai cửa tiệm máy cày. Theo tiết lộ của Trương Ngọc Ánh, cửa tiệm nhỏ được dựng hoàn toàn, cửa tiệm lớn về sau vốn là tiệm máy cày thật hiện tại vẫn buôn bán. Lần đầu đến đây, đứng giữa không gian đầy sắt thép, Trương Ngọc Ánh trăn trở liệu mình có diễn ra chất của một bà chủ tiệm máy cày thứ thiệt hay không. Cô tìm hiểu từng thứ về máy móc để dễ học thoại, đồng thời tập dáng đi, cử chỉ của một bà bầu, chuẩn bị cho vai diễn một cách chu đáo.
Chẳng mấy khi có dịp lên Tây Nguyên làm việc, Trương Ngọc Ánh tranh thủ cơ hội ghé thăm bản Đôn, địa danh cô tò mò trong ca khúc thiếu nhi hay ngân nga ngày nhỏ. Hơn hai thập kỷ qua đi, nữ diễn viên vẫn cười khúc khích khi nhớ lại kỷ niệm chiêm ngưỡng chú voi bản Đôn phiên bản đời thực: "Nghe dân bản nói 'cụ' voi già nhất đàn sắp về, tôi háo hức lắm. 'Cụ' voi ấy to khủng khiếp. 'Cụ' vừa đi qua chỗ tôi, một tiếng 'bẹp' vang lên, như tiếng pháo nổ. Chúng tôi ngó ra, thấy một bãi to đùng. Đến giờ nghĩ lại, tôi vẫn không nhịn được cười".
Những ngày sống trong vòng tay hiền hòa của bà con Tây Nguyên, Trương Ngọc Ánh thích nhất cảm giác đi giữa đồn điền cà phê, xem dân bản địa thu hoạch, phơi, rang và xay cà phê. Cô rất mê vị cà phê Buôn Mê Thuột. Ngay cả những ly cà phê be bé ở quán nhỏ ven đường cũng mang sức hấp dẫn riêng mà những địa phương khác không có. Kết thúc vai diễn, Trương Ngọc Ánh giống như phải lòng miền đất này, ấp ủ ý tưởng bỏ phố về quê lập nghiệp.
Nỗi nhớ "ba má"
Nhắc đến đại gia đình Đồng tiền xương máu năm xưa, Trương Ngọc Ánh bồi hồi nhớ về NSND Lâm Tới và NSƯT Ánh Hoa, hai ngôi sao gạo cội vào vai ba má cô trong phim.
Trong ký ức của Trương Ngọc Ánh, nghệ sĩ Lâm Tới là bậc tiền bối đáng kính. Năm ấy ông bị tai biến, đi lại và nói chuyện khó khăn. Dù vậy, ông vẫn đóng Đồng tiền xương máu và cống hiến hết mình cho vai diễn. Hai năm sau khi phim chiếu, nghệ sĩ qua đời ở tuổi 63.
Đến bây giờ, Trương Ngọc Ánh vẫn gọi nghệ sĩ Ánh Hoa là "má Hoa". Cô bảo hai má con có duyên làm người nhà, từng đóng chung Giã từ dĩ vãng, Đồng tiền xương máu và vài phim khác. "Tôi thương má lắm. Má rất hiền, có đôi mắt đẹp, long lanh nước mắt. Ngày má mất, dù giữa dịch, tôi cũng phải đến tiễn má đoạn đường cuối".
Vai diễn huy hoàng
Trong số ít dự án phim dài tập từng tham gia, Trương Ngọc Ánh đánh giá Đồng tiền xương máu là dấu mốc "huy hoàng, rực rỡ" hơn cả. Bộ phim giúp cô khẳng định thực lực trong nghề diễn, mang về cho cô nhiều lời mời phim ảnh, quảng cáo, chụp hình.
Trò chuyện với Ngoisao.net, Trương Ngọc Ánh nhiều lần bày tỏ sự tâm đắc dành cho vai diễn Lan Anh. Cô tìm thấy ở nhân vật này đôi điều đồng điệu: "Tình yêu của Lan Anh dành cho Huy quá lớn và quá đẹp. Cô ấy là tiểu thư nhà khá giả, vậy mà dám vứt bỏ tất cả theo chồng đi xa, lập nghiệp từ hai bàn tay trắng. Cô ấy làm được như vậy bởi vì yêu chồng và tin vào khả năng của anh. Có lúc nhìn chồng nổi cơn gàn dở và chìm trong rượu, Lan Anh đơn độc, nhớ nhà, tự hỏi liệu mình có lựa chọn sai. Tôi từng đi qua cảm giác này trong những ngày đầu Nam tiến. Nhưng cuộc đời là vậy, có thăng trầm, thành bại. Tôi không trách cứ mà chỉ biết ơn. Mỗi điều xảy ra giúp tôi vững vàng và thêm trân quý bản thân cũng như mọi người".
Phong Kiều