Xem - Thứ hai, 2/8/2021, 00:00 (GMT+7)

Trương Ngọc Ánh kể chuyện đóng phim gần 30 năm trước

Lần đầu đóng vai chính, Trương Ngọc Ánh hay quay lưng vào máy quay, hoặc khóc nức nở khi bị đạo diễn bắt diễn cảnh sexy.

Năm 1992 - 1993, Trương Ngọc Ánh lần đầu nhận vai nữ chính trong phim Em và Michael Jackson. Cô vào vai nữ sinh Mai, tiểu thư một gia đình giàu có đem lòng yêu anh chàng đạp xích lô. Ước mơ của Mai là được sang Mỹ gặp thần tượng Michael Jackson một lần, còn gia đình cô thì muốn đưa cô đi du học để ngăn cản mối tình đầu của cô. Chàng trai nghèo rủ nhóm bạn đạp xích lô tập cùng tập điệu nhảy nổi tiếng của Michael Jackson để chứng minh cho Mai thấy dù ở Việt Nam, cô cũng có thể gặp được Michael Jackson của đời mình. Đóng cặp với Trương Ngọc Ánh là Huỳnh Anh Tuấn. Tài tử quá cố Lê Công Tuấn Anh cũng góp mặt trong phim, vào vai bạn thân của nam chính.

Áp phích vẽ tay và băng rôn quảng cáo phim Em và Michael Jackson trước một rạp chiếu ở Hà Nội gần 30 năm trước được Trương Ngọc Ánh chia sẻ lại gần đây.

- Gần đây, chị chia sẻ hình ảnh của phim điện ảnh ‘Em và Michael Jackson’. Giờ nhắc lại bộ phim ấy, chị nhớ những điều gì?

Trương Ngọc Ánh đầu thập niên 1990. Ảnh: Đoàn Minh Tuấn.

- Hồi ấy, tôi còn non kinh nghiệm, chỉ tập trung diễn, không quan tâm những thứ xung quanh, nhiều lúc còn quay lưng vào máy quay. Tôi cứ nghĩ các anh quay phim muốn lấy mặt tôi phải tự tính toán (cười). Trừ khi góc máy khó quá, đạo diễn Lưu Huỳnh mới nhắc tôi đánh mặt về đâu để "lợi mặt".

Tôi gặp một sự cố bi hài lúc quay cảnh đêm mưa đầy lãng mạn với anh Huỳnh Anh Tuấn. Tình huống kể về Mai trốn mẹ chạy xuống cửa nhà gặp người yêu, ôm anh khóc sướt mướt. Anh Lưu Huỳnh bảo con gái ở nhà không bao giờ mặc áo lót nên không cho tôi mặc. Tôi biết chuyện này rất thực tế nhưng tôi không chịu vì sợ lộ ngực. Tôi còn là học sinh, nếu để người nhà, bạn bè xem được thì tôi xấu hổ lắm.

Tôi khóc nức nở. Anh Lưu Huỳnh bảo tôi nếu không làm vậy thì ngày hôm sau về Hà Nội luôn. Chắc anh cũng điên tiết với tôi lắm. Thế rồi cả đoàn nghĩ ra cách cho tôi mặc hai chiếc áo lá để không có gọng áo lót nhưng đảm bảo tôi không lộ ngực hớ hênh. Lúc quay, tôi khóc thật lắm, khóc vì tức (cười).

Hồi ấy, anh Huỳnh Anh Tuấn khá nổi tiếng, rất đẹp trai, giống như tượng đài tôi không thể chạm tới. Mới diễn chung với anh ấy, tôi ngại, run lẩy bẩy. Anh Tuấn chủ động làm quen, chỉ dạy tôi rất nhiều. Anh rủ tôi đi chơi, ăn kem, trò chuyện để chúng tôi thân thiết, dễ vào vai hơn. Tôi nhớ lúc ấy, anh Tuấn mới về nước, nói tiếng Việt còn chưa sõi, không nói được "Tuấn" mà cứ "Tấng", rất mắc cười.

- Cơ duyên nào đưa chị đến với vai nữ chính trong ‘Em và Michael Jackson’?

Tài tử Huỳnh Anh Tuấn - bạn diễn cặp của Trương Ngọc Ánh trong Em và Michael Jackson.

-Em và Michael Jackson là phim thứ hai tôi đóng nhưng là lần đầu tôi đóng chính. Trước đó, tôi thể hiện vai thứ chính Diễm "xưa" trong phim Em còn nhớ hay em đã quên, đóng cùng anh Lê Công Tuấn Anh. Năm 1992, anh Lưu Huỳnh là một trong những đạo diễn Việt kiều đầu tiên về nước làm phim. Anh muốn tìm kiếm gương mặt mới cho phim Em và Michael Jackson.

Đoàn phim đã casting rất nhiều nữ sinh từ nam ra bắc. Tôi gần như là người cuối cùng của CLB Hoa Hồng (CLB quy tụ các người đẹp Hà Nội) thử vai. Tôi từng sinh hoạt ở Cung thiếu nhi Hà Nội, tham gia lớp kịch câm ở Cung Hữu nghị Việt - Xô, cũng đã đóng phim nhưng không kỳ vọng gì nhiều.

Nhà sản xuất Phước Sang và phó đạo diễn Nhật Cường đến tận nhà casting tôi. Các anh đặt đề bài nếu tôi phát hiện người yêu phản bội mình, tôi sẽ làm gì. Tôi nghĩ rất đơn giản, người ta không xứng đáng với mình thì mình cho cái tát rồi bỏ đi. Lúc ấy, tôi đã làm gì biết tát ăn gian kiểu điện ảnh: tôi giơ tay phải thì bạn quay mặt sang bên phải bạn để lên hình cảm giác là tát nhưng thực ra không đau. Tôi tát rất mạnh, năm đầu ngón tay in hằn lên má anh Nhật Cường, làm anh đau nổ đom đóm mắt. Diễn xong, tôi vội vàng xin lỗi anh và nhủ thầm: "Xong rồi đấy! Tát cả phó đạo diễn, mình rớt chắc luôn". Tôi buồn mấy ngày! Một tháng sau nhận tin báo trúng vai, tôi hét ầm lên vì thích.

- Xa nhà đóng phim ở tuổi 16-17 là trải nghiệm thế nào với chị?

- Năm ấy tôi còn đi học, việc đi đóng phim hơi phức tạp. Anh Phước Sang ra Hà Nội, đến trường Lý Thường Kiệt xin cho tôi vào Sài Gòn quay phim, nhưng nhà trường không thể phê duyệt, các anh phải lên Sở Giáo dục Hà Nội xin phép. Sở đồng ý với điều kiện đoàn phim tìm trường cho tôi đi học trong thời gian ở Sài Gòn. Thế là, ngoài những ngày đi quay, tôi mặc áo dài trắng lên lớp ở trường Trưng Vương.

Cam kết với gia đình chăm sóc tôi cẩn thận, đoàn phim cho tôi ở tại nhà chị thư ký trường quay trên đường Lê Văn Sỹ, hằng ngày theo chị đến đoàn. Một thời gian sau, cô ruột bay vào để tiện chăm sóc tôi. Ở TP HCM hai, ba tháng làm phim vui lắm nhưng đôi lúc tôi nhớ nhà, nhớ những lần đạp xe ngửi hương hoa sữa dọc phố Trần Hưng Đạo của Hà Nội, những lần cùng đám bạn trốn học đi chơi. Đúng giai đoạn đó, tôi hay nghe bài ‘Nỗi lòng người đi’ có câu ‘Tôi xa Hà Nội năm lên 18 khi vừa biết yêu’. Hồi ấy, tôi cũng mới biết yêu thật. Đến giờ tôi nghe lại bài hát này, bao nhiêu kỷ niệm hồi ấy vẫn dội về.

Ảnh: Đoàn Minh Tuấn.

- Ngày ấy làm phim chắc chắn thô sơ hơn bây giờ nhiều. Vậy chị đã chăm sóc sức khỏe của mình thế nào trên trường quay?

- Từ hồi ấy, đạo diễn Lưu Huỳnh đã học hỏi cách làm phim ở Mỹ nên đoàn phim chăm sóc nhân sự rất tỉ mỉ. Đạo diễn, nhà sản xuất, diễn viên có ghế ngồi riêng. Tôi có suất ăn kiểu Bắc vì tôi chưa quen khẩu vị miền Nam. Trái cây được phục vụ liên tục. Mọi người nghĩ tôi nhỏ nhất đoàn nên càng chăm sóc tôi. Giờ nghỉ, tôi tranh thủ lên xe đoàn chợp mắt. Tôi đã khá ngạc nhiên về những điều này. Phim quay đêm rất nhiều, có hôm dầm mưa từ tối đến sáng, tôi ốm vài trận nhưng không nghiêm trọng. Bây giờ mà quay kiểu vậy, chắc tôi nằm sõng soài.

- Vai diễn chính đầu tay mang về cho chị những trái ngọt nào?

- Tôi may mắn vì lần đầu đóng chính đã nhận được một phim lớn, được làm chỉn chu và tạo hiện tượng. Tôi nhớ anh Phước Sang thành công về tên tuổi lẫn kinh tế nhờ bộ phim này. Em và Michael Jackson giống như mang đến làn gió mới giữa lúc dòng phim mỳ ăn liền đang làm mưa làm gió. Hiếm hoi, một cô gái gốc Bắc tóc dài đến mông xuất hiện trong một phim ở Sài Gòn. Chúng tôi được chào đón nồng nhiệt khi đến giao lưu ở các trường học, tỉnh thành. Đi ngoài đường nghe loa quảng cáo phim của mình, tôi tự hào lắm.

Sau phim này, tôi nhận nhiều hợp đồng quảng cáo, chụp ảnh lịch, diễn thời trang, trở thành đại sứ độc quyền của một thương hiệu xe máy, được săn đón và mời đóng nhiều phim. Tôi không nhớ chính xác cát-xê bao nhiêu nhưng đó là số tiền lớn với tôi của khi ấy, tất nhiên không sánh được với các anh chị ngôi sao đương thời. Ngày ấy còn trẻ, tôi chưa nghĩ đến việc dành dụm tiền, nên dùng cát-xê làm rất nhiều việc, sắm sửa quần áo, mua quà cho bố mẹ, đãi bạn bè ăn uống.

- Ở hai phim đầu tiên ‘Em còn nhớ hay em đã quên’ và ‘Em và Michael Jackson’, chị đều hợp tác với cố nghệ sĩ Lê Công Tuấn Anh. Chị còn lưu giữ những kỷ niệm nào về anh?

- Anh Lê Công nhận tôi là em nuôi, hay gọi tôi là bé Ánh, dạy tôi rất nhiều về nghề diễn. Lúc quay Em và Michael Jackson, tôi từng đến nhà anh ấy chơi. Chúng tôi liên lạc thường xuyên cho tới khi anh mất. Trong ký ức của tôi, anh Lê Công y như anh Quyền Linh, gần gũi quần chúng, thích chuyện trò, nhậu với những người bình dân. Tôi thấy mình may mắn vì được đóng chung với hai ông anh đáng mến như vậy.

Lần đầu đóng phim Em còn nhớ hay em đã quên, nhiều lần tôi thấy khó khăn muốn bỏ về, anh Lê Công đã động viên tôi rất nhiều. Lúc quay cảnh tôi mặc áo dài, nắm tay anh đi dạo ở một con đường rất hẹp ở Huế, tôi than thở với anh: "Anh ơi sao đóng phim khổ quá! Em tưởng phim chiếu hai tiếng thì cũng chỉ quay từng đấy thôi". (cười)

Cảnh quay xúc động của Trương Ngọc Ánh trong Áo lụa Hà Đông.

- Vai chính đầu tay trong ‘Em và Michael Jackson’ và vai thành công nhất về nghệ thuật của chị trong ‘Áo lụa Hà Đông’ đều do đạo diễn Lưu Huỳnh chỉ đạo. Người đạo diễn này có ảnh hưởng thế nào đến sự nghiệp của chị?

- Anh Lưu Huỳnh quan niệm người diễn viên nhận phim nào cũng phải coi đó là phim cuối cùng của mình, có bao nhiêu máu phải cháy hết. Anh không có thói quen thị phạm diễn xuất, chỉ giải thích tâm lý nhân vật với chúng tôi, để chúng tôi diễn theo ý hiểu và sáng tạo của mình. Nếu thấy chưa ổn, anh sẽ chỉnh sửa thêm.

Anh Lưu Huỳnh là một đạo diễn vô cùng khó tính. Lúc quay Áo lụa Hà Đông, tôi phồng rộp chân vì đi chân trần giữa trời nắng, trầy xước chân khi leo núi đá mắt mèo. Cảnh quay con tôi chết vì nổ bom trong phim được quay theo đúng trình tự kịch bản: bom nổ, đứa trẻ chết, tôi chạy vào ôm con khóc. Anh Lưu Huỳnh bắt tôi quay "một đúp ăn ngay" và lấy nước mắt khán giả vì nếu làm hỏng, đoàn phim dựng lại bối cảnh rất mất thời gian, công sức và tiền bạc.

Tôi nhớ anh nói với tôi: "Không thỏa hiệp. Nếu không làm được, em đi xe đò về Sài Gòn". (cười)

Tôi đã stress và mất ngủ mấy đêm, nhưng quyết tâm làm bằng được để chứng minh khả năng của mình với đạo diễn. Chính nhờ sự khó tính của anh Lưu Huỳnh, tôi mới thành công. Tôi cũng học được từ anh rất nhiều.

Phong Kiều thực hiện

Đánh giá phiên bản mới