So với những ngày trước đây, phía Trung Quốc có biểu hiện thay đổi phương án ngăn cản tàu Việt Nam từ chiều tối 13/5. Khi các biên đội tàu cảnh sát biển Việt Nam ra xa vị trí giàn khoan Hải Dương 981 vẫn bị nhiều tàu hải giám Trung Quốc theo kèm. Khi tàu Việt Nam cơ động sâu vào vị trí giàn khoan, những tàu Trung Quốc manh động triển khai theo thế gọng kìm, tăng cường cản mũi, hú còi, cản trở tàu Việt Nam làm nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, Trung Quốc đã triển khai đội hình khác trước. Nếu như những ngày trước họ ngăn cản Việt Nam từ 8 đến 10 hải lý rất quyết liệt, thì hôm nay ở cự ly này không thấy có tàu hải cảnh Trung Quốc, mà họ tập trung ở cự ly 6,5 hải lý tính từ giàn khoan trở ra.
Ngày 14/5, các biên đội của cảnh sát biển Việt Nam tiếp tục mở hai đợt cơ động tiếp cận sâu vào vị trí phía Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Từ sáng sớm, nhận lệnh từ Sở Chỉ huy, tàu Cảnh sát biển 8003 cùng biên đội tàu Cảnh sát biển của Việt Nam di chuyển theo đội hình chữ V tiếp cận khu vực giàn khoan. Khoảng cách đến giàn khoan ngắn dần cũng là lúc các tàu hải cảnh Trung Quốc từ các vòng bảo vệ túa ra ngăn cản. Nhiều tàu hải cảnh, kiểm ngư cùng tàu quân sự, tàu hộ vệ tên lửa Trung Quốc khép vòng đai bao vây bảo vệ giàn khoan trái phép.
Trên không, máy bay quân sự Trung Quốc liên tục quần thảo, trinh sát.
Thuyền trưởng tàu cảnh sát biển 8003 của Việt Nam lệnh cho các thuyền viên đóng kín các cửa, khoang hầm đảm bảo kín nước, tránh tàu hải cảnh Trung Quốc dùng vòi rồng tấn công. Các thuyền viên làm nhiệm vụ quan sát về vị trí. Trên cabin, các vị trí trực chỉ huy hàng hải, máy và radar túc trực nhận lệnh từ thủ trưởng, phóng viên Nguyễn Đông có mặt tại hiện trường cho biết. Dưới biển, các tàu chấp pháp Trung Quốc luôn có biểu hiện hung hăng, khiêu khích, sẵn sàng đâm va, phun vòi rồng tấn công các tàu của Việt Nam.
Trung tá Phan Duy Cường, trợ lý tác chiến Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam cho biết, lúc 8h24 tàu hải cảnh Trung Quốc mang số hiệu 46102 bất ngờ rồ máy kèm sát và suýt đâm vào tàu 2016 của Việt Nam, sau đó tàu này cùng 4 tàu khác lao về phía tàu của Việt Nam. Có lúc tàu hải cảnh Trung Quốc 3411 tiến sát mạn tàu Việt Nam chừng 100 m.
Trong bối cảnh đó, đại úy Nguyễn Huy Trung, chính trị viên tàu 8003 cùng nhiều chiến sĩ vẫn điềm tĩnh kiên trì đứng trên cabin, mắt không rời khỏi các tàu Trung Quốc để quan sát mọi động tĩnh. Được quán triệt phải hết sức kiềm chế, tránh mắc mưu khiêu khích của tàu hải cảnh Trung Quốc, nhưng những cánh tay của chiến sĩ cảnh sát biển Việt Nam vẫn nắm siết, ghì chặt thân tàu.
Việt Nam phát loa thông báo chủ quyền bằng tiếng Việt, Trung và Anh, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và các tàu hộ tống ra khỏi vùng biển thuộc lãnh thổ của Việt Nam. Ngược lại, phía Trung Quốc réo còi inh ỏi, phát loa bằng tiếng Việt cùng nội dung yêu cầu tàu nước ngoài ra khỏi vùng biển Trung Quốc đang khai thác.
Trước lớp lớp tàu của phía Trung Quốc, tàu cảnh sát biển Việt Nam chỉ tiến cách khu vực giàn khoan khoảng 6,5 hải lý và chủ động di chuyển để tránh va chạm.
Sau bữa trưa, mọi người tranh thủ nghỉ ngơi để chiều tiếp tục tiến sát vào khu vực giàn khoan tuyên truyền yêu cầu Trung Quốc chấm dứt hành động vi pháp trên biển.
Đến chiều, Trung Quốc đưa tàu quân sự bao bọc khu vực ngoài của giàn khoan. Trong ngày, Trung Quốc đột ngột tăng số lượng tàu cá vỏ sắt với lượng giãn nước 100-150 tấn từ 15 chiếc lên 40 chiếc.
Nhận nhiệm vụ lần này, nhiều chiến sĩ cảnh sát biển Việt Nam chia sẻ, quân lệnh là đi, chưa kịp thông báo với gia đình. Họ không chút nao núng, kiên quyết bám biển đến khi Trung Quốc rút giàn khoan.
Đêm đến, các thủy thủ thay nhau túc trực trên cabin để quan sát các tàu hải cảnh của Trung Quốc qua radar, chủ động di chuyển tàu đảm bảo an toàn tuyệt đối.
VnExpress