Ông Gregory Poling, chuyên gia của Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế CSIS ở Mỹ, cho rằng Việt Nam đã phản ứng chuẩn xác để tránh rơi vào bẫy quân sự hóa của Trung Quốc và dẫn đến xung đột ngoài ý muốn ở Biển Đông.
- Ông có đánh giá thế nào về thời điểm mà Trung Quốc lựa chọn để đưa giàn khoan Hải Dương (Haiyang Shiyou) 981 vào vùng biển Việt Nam?
- Sự kiện này xảy ra ngay sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama tới các nước châu Á và đặc biệt là những tuyên bố mạnh mẽ khi ông Obama có mặt ở Malaysia và Phillippines liên quan tới Biển Đông, nên cũng có thể tính đó là căn cứ để chọn thời điểm, nhưng tôi cho rằng lý do vì ý đồ xưa nay của Trung Quốc với Biển Đông thì lớn hơn.
Nó nằm trong chuỗi sự kiện mà Trung Quốc đã gây ra với Malaysia ở bãi ngầm James Shoal, hay với Philippines ở Bãi Cỏ Mây trong năm nay. Nó cũng xảy ra sau khi vụ Philippines kiện Trung Quốc bắt đầu và chỉ ít ngày trước Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN. Thế nên, nhắm vào Mỹ thì ít hơn, còn với ASEAN thì rõ, họ muốn gửi thông điệp rằng Trung Quốc sẽ vẫn cứ lấn tới trong cuộc tranh chấp này.
- Nhưng cũng có ý kiến cho rằng Trung Quốc tranh thủ khi Mỹ và thế giới đang tập trung vào tình hình ở Ukraine?
- Đó cũng là một khả năng. Trung Quốc có thể nghĩ hoặc hy vọng rằng tình hình ở Ukraine làm suy giảm cam kết của Mỹ ở châu Á. Nhưng Trung Quốc bắt đầu khiêu khích các bên tranh chấp từ năm 2009, và năm trước là sự kiện bãi cạn Scarborough. Tất cả đều xảy ra trước khi có khủng hoảng Ukraine.
Thế nên, bất cứ sự liên hệ nào ở đây cũng có thể làm dư luận nghĩ khác đi về hành động và mục tiêu của Trung Quốc. Đó là chiến lược lâu dài của Bắc Kinh.
- Việc đưa giàn khoan 981 vào vùng biển của Việt Nam có phải là vì vấn đề năng lượng hay là Trung Quốc âm mưu lấn rộng ra để tóm biển Đông trong cái gọi là đường chín đoạn mà họ vạch ra?
- Hoàn toàn không phải vì vấn đề kinh tế. Cũng chẳng phải dầu lửa. Trung Quốc chỉ có một giàn khoan như 981. Nó được sử dụng chính ở vùng biển Hong Kong, và ở khu vực không có tranh chấp ở Biển Đông. Trung Quốc cần giàn khoan này sử dụng vào mục đích chính là khai thác dầu, thế nên họ tuyên bố chỉ cắm ở đó cho tới tháng 8 hoặc sớm hơn rồi rút về để khoan kiếm dầu thực sự.
Thế nên đưa giàn khoan tới chỉ là muốn gửi một thông điệp chính trị. Bên cạnh đó, có thể Trung Quốc cũng muốn khiêu khích Việt Nam, muốn Việt Nam có phản ứng vượt giới hạn. Đó chính là bài mà Bắc Kinh sử dụng lâu nay, đó là dùng các lực lượng phi quân đội nhưng vẫn đầy khiêu khích để đưa các nước vào bẫy.
Chúng ta có thể tham khảo những gì đã xảy ra ở đảo tranh chấp giữa Nhật và Trung Quốc hay ở bãi cạn Scarborough khi mà Trung Quốc đã làm cho Philippines đưa tàu chiến ra và Trung Quốc hô lên rằng, đó là Philippines có hành động khiêu khích.
Ở đây, tôi đánh giá cao phản ứng của Việt Nam, chưa rơi vào cái bẫy của Trung Quốc. Việt Nam mới chỉ đưa tàu thuộc lực lượng cảnh sát biển ra. Còn nếu Việt Nam đưa tàu quân sự ra, tôi nghĩ là Trung Quốc sẽ chỉ cho thế giới thấy "kìa, Việt Nam đang khiêu khích, đang quân sự hóa khu vực tranh chấp", và sẽ lợi dụng sai lầm đó.
- Những gì Việt Nam phản ứng cho tới nay, ông đánh giá thế nào?
- Tôi cho rằng, tới nay, phản ứng của Việt Nam là chuẩn xác. Việt Nam cần phải cho Trung Quốc biết là không chấp nhận các hành động khiêu khích của Trung Quốc. Và Việt Nam cũng cần phát thông điệp rõ ràng rằng đây không phải vùng biển thuộc chủ quyền của Trung Quốc.
Hành động thiếu kiềm chế ở đây có thể bị Trung Quốc lợi dụng như tôi vừa nói, và cũng có thể dẫn tới xung đột mà không bên nào muốn. Ở đây, Việt Nam hơn Philippines khi đối đầu với Trung Quốc là dù cho tiềm lực quân sự không bằng về sự hiện đại hay quy mô (so với Trung Quốc) thì Việt Nam cũng vẫn tự tin có đủ khả năng đáp trả.
Việt Nam có tàu ngầm lớp Kilo hay các hệ thống khác có đủ khả năng gây tổn thương nếu như phía bên kia gây hấn quá mức. Đó là điều mà Trung Quốc không phải đối mặt trong vụ việc xảy ra với Phillippines.
- Trong bài viết của ông, ông nói rằng Trung Quốc đã vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển UNCLOS. Ông có thể chia sẻ tiếp về luận điểm này?
- Khu vực đặt giàn khoan ở đây mà xét về pháp lý, cơ sở của Việt Nam đáng kể hơn. Việt Nam có quyền khai thác dầu khí trong vùng biển của mình. Còn nếu cứ cho là Trung Quốc lập luận một vài đảo ở Hoàng Sa là của họ mà ở đây theo tôi cơ sở là rất yếu, thì vùng biển đó rõ ràng là có tranh chấp.
Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển có quy định rõ là ở vùng biển có tranh chấp không được có hành động đơn phương làm tình hình trở nên xấu đi, có các hành động khiêu khích. Thay vào đó phải nỗ lực để đạt tới thỏa thuận cuối cùng.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cùng ký với Việt Nam và các nước ASEAN khác về Tuyên bố ứng xử ở Biển Đông (DOC), theo đó không có các hành động làm tình hình xấu đi. Quy tắc yêu cầu không được thực hiện bất cứ hành động làm tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn, thì việc dùng tàu uy hiếp và đặt giàn khoan chính là vi phạm. Hơn nữa việc dùng vòi rồng phun nước vào tàu cảnh sát biển của Việt Nam cũng đã vi phạm cả Công ước lẫn Quy tắc nói trên.
- Trong thời gian gần đây, Trung Quốc tiến hành xây dựng trên đảo Gạc Ma và một số hòn đảo mà Việt Nam có chủ quyền. Có sự móc nối nào không giữa việc đặt giàn khoan với các công trình xây dựng đó?
- Trung Quốc cố gắng xây dựng nhiều các công trình bởi họ muốn lấy đó làm cơ sở để tính chủ quyền mặt nước. Và có thể là để làm bằng chứng một khi họ chiến thắng ở tòa án quốc tế phân xử tranh chấp chủ quyền, rằng giờ nó là của tôi và các cơ sở quản lý này của tôi đã ở đây. Nhưng thật ra, các hành động xây dựng đó lại chẳng có chút giá trị pháp lý nào cả.
Vì luật quy định là các công trình xây dựng kể từ sau khi khu vực được coi là có tranh chấp đều không được công nhận về tính pháp lý. Nhưng Trung Quốc lại không có ý định ra bất cứ tòa án nào cả. Vì thế, việc xây dựng của họ ở đây là nhằm mục đích khác. Chúng ta biết rằng Trung Quốc đã đánh chiếm Gạc Ma sau những trận chiến làm 74 chiến sĩ Việt Nam hy sinh, nên cũng giống như họ đã làm với Philippines: Trung Quốc muốn cho biết rằng không chỉ đánh chiếm, mà còn chiếm giữ.
- Ngày 7/5, Thượng nghị sĩ John McCain ra thông cáo riêng, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng có thông cáo rõ ràng, và trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel khi thăm Hà Nội cũng khẳng định quan điểm. Vậy Mỹ có thể làm gì để góp phần giải quyết căng thẳng này khi mà Mỹ tuyên bố rằng lợi ích của mình gắn với khu vực?
- Đó chính là một phần trong những gì mà Mỹ nên làm. Và nó cũng là hành động mà bất cứ quốc gia có trách nhiệm nào cũng làm khi mà những hành động của Trung Quốc đã vi phạm nền tảng cơ bản là luật pháp quốc tế, quyền tự do hàng hải và tiếp cận.
Mỹ lâu nay luôn nhắc đi nhắc lại rằng dù chủ quyền có thuộc về ai thì các bên phải tôn trọng luật pháp quốc tế. Trong những ngày qua, Nhật và Singapore đã ra tuyên bố ủng hộ Việt Nam. Tôi chờ đợi nhiều quốc gia khác cũng sẽ làm như thế. Và tôi cũng chờ đợi Mỹ và các nước khác dùng các kênh quan hệ của mình với Hà Nội và Bắc Kinh để đảm bảo rằng căng thẳng không tăng nhiệt nữa.
Tất cả chỉ dừng lại ở cảnh sát biển, chứ không phải hải quân. Hiện tại các cảnh sát biển Việt Nam bị thương, nhưng nên nhớ, khi có một người hy sinh, mọi thứ sẽ vượt tầm kiểm soát. Đó chính là cái mà Mỹ cần làm, chứ việc đưa hạm đội 7 tới chỉ làm tình hình xấu đi.
Theo TTXVN/Vietnam+