Cục Kiểm ngư (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, các tàu cá Trung Quốc tập trung từ 45 đến 50 chiếc (tàu hải cảnh, ngư chính, tàu kéo, tàu vận tải) liên tục bao vây, ép không cho ngư dân Việt Nam tổ chức đánh bắt cá. Đặc biệt, ở vị trí cách giàn khoan Hải Dương 981 khoảng 20-25 hải lý, tàu Trung Quốc càng thể hiện hành động ngăn cản quyết liệt và sẵn sàng đâm va.
Tại thực địa, các tàu Trung Quốc tiếp tục tổ chức bảo vệ nhiều vòng, nhiều lớp ngăn cản Việt Nam tiến vào gần để thực thi nhiệm vụ. "Hoạt động của họ rất quyết liệt, họ sẵn sàng sử dụng vòi rồng, còi hú, đâm va, áp sát đẩy lực lượng của Việt Nam khi di chuyển vào ra ngoài 10-12 hải lý", báo cáo của Cục Kiểm ngư nêu.
Theo nhận định của Cục Kiểm ngư, phương thức các tàu Trung Quốc không thay đổi, nhưng mỗi tốp tăng về số lượng và huy động các tàu lớn hơn để ngăn chặn, vây ép, hú còi, đâm va quyết liệt khi tàu Việt Nam di chuyển vào khu vực giàn khoan thực hiện tuyên truyền. Hành động này gây ra nhiều hư hỏng đối với tàu chấp pháp Việt Nam.
Báo Thanh Niên cho biết, sáng nay (31/5), khi phát hiện ra các biên đội tàu Cảnh sát biển Việt Nam tiến gần khu vực giàn khoan khoảng 8,5 hải lý, hàng chục tàu hải giám, hải cảnh và tàu đầu kéo của Trung Quốc lao vào ngăn cản.
Tàu HP 51 của Việt Nam bị hai tàu là tàu hải cảnh 31 và tàu đầu kéo 285 lao vào. Thanh Niên miêu tả, trong khi tàu đầu kéo 285 lao từ phía sau tới, thì tàu hải cảnh 31 cắt đầu, ép HP 51 vào giữa vòng vây. Lúc này, tàu đầu kéo 285 mở súng bắn nước trực diện vào tàu 51. Cuộc bắn súng nước kéo dài khoảng 15 phút cho đến khi tàu HP 51 của Việt Nam thoát ra ngoài. Ở các hướng khác, các tàu Trung Quốc cũng ngang ngược lao theo tàu cảnh sát biển để ngăn cản tàu Việt Nam tiến lại gần.
Trước tình hình này, Việt Nam vẫn duy trì lực lượng và hoạt động đấu tranh với cường độ cao để buộc Trung Quốc phải rút giàn khoan Hải Dương 981 khỏi vùng biển Việt Nam. Các tàu kiểm ngư, cảnh sát biển hoat động cách giàn khoan 6-10 hải lý; các tàu cá đang hoạt động trong khu vực khoảng 30-35 chiếc với khoảng cách 25-35 hải lý về phía tây và nam của giàn khoan.
Liên quan đến việc Việt Nam sẽ sử dụng cách thức đấu tranh bảo vệ chủ quyền thế nào, trong buổi trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg, Mỹ, hôm 30/5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: "Việt Nam đã và sẽ làm hết sức để bảo vệ chủ quyền vùng biển của mình bằng biện pháp hòa bình, vì độc lập, chủ quyền của tổ quốc Việt Nam là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Đấu tranh pháp lý theo luật pháp quốc tế là một biện pháp hòa bình. Lãnh đạo Việt Nam đang cân nhắc giải pháp này".
Tại cuộc họp bên lề Đối thoại Shangri-la lần thứ 13 tại Singapore, tờ Strait Times dẫn lời Đại tướng Phùng Quang Thanh nói: "Chúng tôi đang cố gắng giải quyết vấn đề song phương với Trung Quốc thông qua đối thoại hòa bình. Tuy nhiên, trong trường hợp chúng tôi không thể giải quyết tình hình bằng các biện pháp song phương, chúng tôi phải tìm giải pháp khác. Tuy nhiên, đó cũng phải là giải pháp hòa bình".
Tại cuộc họp báo ngày 29/5 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Vũ Sỹ Tuấn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo, cho biết Tổng cục cực lực phản đối việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan tại vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Theo ông Tuấn, việc làm của Trung Quốc cũng gây ảnh hưởng đến hoạt động điều tra, khảo sát trên biển; ảnh hưởng vấn đề hợp tác với nước ngoài về điều tra, nghiên cứu tài nguyên biển của Việt Nam, cũng như khiến việc khai thác, sử dụng tài nguyên biển của Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Ông Tuấn cho biết, Tổng cục sẽ tổ chức chương trình ủng hộ ngư dân bám biển nhằm động viên, hỗ trợ ngư dân yên tâm sản xuất, vươn khơi. Đây là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ Tuần lễ Biển và Hải đảo diễn ra tuần tới ở Hải Phòng. |
Theo VnExpress