"Trùm lừa" Trần Thị Liên. |
Năm 2003, Liên bắt đầu vào "nghề" cò môi giới nhà đất. Trong quá trình mua bán nhà đất, Liên đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, quan hệ. Một thời gian sau, Liên tự xưng mình làm việc ở Ban quản lý dự án xây dựng chung cư thuộc Ban kinh tế Thành ủy TP HCM hoặc nói có quen biết, có khả năng mua lại suất, đất nền nhà với giá ưu đãi. Liên tự rao bán nhiều căn hộ trên địa bàn với giá thấp hơn giá thực tế để người có nhu cầu ký hợp đồng, đặt cọc tiền, sau đó Liên chiếm đoạt.
Ngày 7/3/2004, Liên đã ký nhận tiền cọc của gia đình chị T. nhiều đợt với tổng số tiền 500 triệu đồng để bán 2 căn hộ số 717 và 719 lô C, chung cư Phạm Viết Chánh, phường 19, quận Bình Thạnh. Đến ngày hẹn giao nhà, Liên trốn mất. Sau 7 tháng "truy tìm", khi gặp được Liên, Liên tự thú nhận là không có nhà để giao cho chị T. và viết giấy cam kết hẹn đến 30/5/2006 sẽ trả tiền lại hết. Nhưng thực tế, Liên chỉ trả được 100 triệu đồng và đến nay vẫn còn chiếm đoạt của chị T. 400 triệu đồng.
Không những tổ chức bán các căn hộ "ma" ở chung cư Phạm Viết Chánh, Nguyễn Ngọc Phương, Thanh Tân, Thanh An... dành cho khách hàng có thu nhập khá mà Liên còn bán hàng chục căn hộ chung cư cao cấp "ma" như Avalon (trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1), Sài Gòn Pearl trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh... cho các gia đình giàu có.
Trong số đó, vợ chồng chị A. (quê ở Đắk Lắk) là nạn nhân bị Liên chiếm đoạt số tiền lớn nhất. Biết vợ chồng chị A. là doanh nhân giàu có ở Đắk Lắk có nhu cầu mua nhà tại TP HCM, Liên dụ vợ chồng chị A. mua một lượt 5 căn hộ ở chung cư Sài Gòn Pearl. Chị A.giao hơn 7,5 tỷ đồng cho Liên mua 5 căn hộ "ma" trên, sau đó Liên chiếm đoạt toàn bộ số tiền mà không giao nhà.
Liên quê ở Thanh Hóa. Năm 1976, cùng gia đình vào TP HCM sinh sống. Vừa học hết lớp 12, Liên xin vào làm ở một bệnh viện tại quận 8. Do đồng lương quá ít ỏi, Liên đã chuyển sang làm cò môi giới đất đai. Làm được một thời gian cũng có đồng ra đồng vào nhưng do thị trường nhà đất thời bấy giờ ảm đạm nên Liên đã nảy sinh ý định đi bán căn hộ chung cư ảo nhằm chiếm đoạt tiền tiêu xài.
Để thực hiện trót lọt các phi vụ lừa đảo ngoạn mục trên, Liên đã bỏ khá nhiều thời gian đọc báo nắm bắt thông tin mua bán căn hộ của các chung cư từ bình dân đến cao cấp để có kiến thức "tiếp thị" khách hàng. Thêm vào đó, để tạo niềm tin cho khách hàng, Liên đã mạo nhận có bố làm lãnh đạo ở Trung ương, chồng làm ở Bộ Quốc phòng, còn bản thân Liên là chủ dự án đầu tư...
Sau khi nhận tiền đầy đủ của khách, vì không có giấy tờ liên quan "chứng thực" về quyền sở hữu căn hộ ở các chung cư, Liên nghĩ ra cách đưa khách hàng đến tận căn hộ chung cư rồi trao chìa khóa cho khách hàng và coi như hợp đồng mua bán đã hoàn tất, đường ai nấy đi. Nhưng khi khách hàng chuyển đồ đạc đến ở thì ổ khóa khác đã được thay thế. Khi hỏi Ban quản lý chung cư được trả lời căn hộ trên đã bàn giao cho người khác từ lâu.
Ngoài ra, Liên còn cấu kết với một trưởng phòng kinh doanh của công ty cổ phần nhà đất có nhiệm vụ đại diện ký xác nhận vào hợp đồng đặt cọc bán căn hộ chung cư để tăng thêm độ "tin cậy" của khách hàng đối với Liên. Theo thỏa thuận, Liên sẽ chi hoa hồng cho vị trưởng phòng trên là 10 triệu đồng/phi vụ. Tính đến nay, vị trưởng phòng này đã góp "sức" cho Liên bán được cả chục căn hộ ảo.
(Theo Thanh Niên)